Bỏ những hủ tục kỳ lạ để sống văn minh

Tìm về “đỉnh nơi”, chúng tôi may mắn gặp được nhiều bậc cao niên uyên thâm văn hóa người thiểu số để nghe chuyện. “Chúng ta sẽ đi từ chuyện hỷ trước rồi đến chuyện hậu sự nhé!” - già làng Quỳnh Át móm mém nói.

Bỏ những hủ tục kỳ lạ để sống văn minh ảnh 1

Trang phục cưới truyền thống của dân tộc thiểu số huyện A Lưới. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Phạt người “ăn cơm trước kẻng”

Lỡ “ăn cơm trước kẻng”, nhà trai bị làng nơi nhà gái cư trú phạt một con bò, bảy con heo nhỏ, bảy bộ soong nồi và bảy con dao.

Trải qua đám cưới với đầy đủ tập tục nhất, già Quỳnh Át cho biết dân bản ngày nay đã bãi bỏ nhiều hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, một số lệ tục ít nhiều vẫn có tính tích cực nên còn duy trì ở một số vùng. Nó như một sợi dây vô hình để trai gái yêu nhau trong khuôn khổ nên hiếm có chuyện “ăn cơm trước kẻng”. “Trai gái trong làng muốn về chung sống với nhau thì phải đăng ký với chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, họ vẫn phải chấp hành những luật lệ riêng của bản làng” - già Quỳnh Át tặc lưỡi.

Để có được trái tim người con gái đẹp như hoa ban rừng, trai bản phải đi sim, chọc sàn hằng đêm. Trai gái đều phải được sự đồng ý của cả hai gia đình, nếu không sẽ vi phạm luật làng. Sau giai đoạn tìm hiểu thành công, cả hai sẽ phải trình báo cho gia đình biết để hai bên cha mẹ ngồi lại bàn bạc.

Bỏ những hủ tục kỳ lạ để sống văn minh ảnh 2

Già Quỳnh Át bên quan tài tự đẽo. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Muốn đến với nhau, đôi trai gái phải vượt qua ba giai đoạn khá nhiêu khê. Trước hết, nhà trai phải mang ít sính lễ qua nhà gái để “đặt cọc”. Đây không phải là sính lễ cưới hỏi nhưng mang ý nghĩa như một giao ước: Nhà gái nhận lễ như thề với nhà trai là không gả con gái nhà mình cho ai nữa.

Bước sang giai đoạn hai, trai bản thường chủ động khai báo của cải, lễ vật cho nhà gái. Nếu gia đình nghèo thì người con trai phải ở rể cho nhà gái. Nếu đủ sính vật, đàng trai được rước người con gái về nhà rồi thịt heo ăn mừng. Trong khi đó, nhà gái cũng phải mang theo heo, gạo radư, vải zèng. Ở giai đoạn ba, nhà gái lại mở hội chiêu đãi nhà trai. Đây là lúc nhà gái giao con mình cho gia tộc đàng trai mãi mãi, dù chết cũng làm ma nhà chồng. Trong buổi lễ, nhà gái phải chặt đầu con bò để thể hiện giao ước đó.

Khác với những địa phương khác, A Lưới quy tụ nhiều anh em dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Do người Pa Koh chiếm số đông nên văn hóa các dân tộc khác đa phần đều chịu ảnh hưởng. Tục cưới hỏi ở nhiều bản làng xa xôi như xã Nhâm, A Roàng, A Đớt... vẫn theo “quy trình” như vậy nhưng được rút gọn để bớt tốn kém. Tuy nhiên, nếu trai gái phạm luật thì vẫn bị làng phạt. Chẳng hạn trong quá trình đi sim, trai gái lỡ ăn nằm với nhau thì phải chịu phạt nặng nề của bản làng. Nhà trai bị làng nơi nhà gái cư trú phạt một con bò, bảy con heo nhỏ, bảy bộ soong nồi và bảy con dao.

Bỏ những hủ tục kỳ lạ để sống văn minh ảnh 3

Khu nhà mồ với những bộ hài cốt được đưa lên mặt đất. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Tự đẽo quan tài cho... mình

Điểm độc đáo và kỳ bí nhất trong cách làm ma chay, cải táng của người thiểu số tại A Lưới chính là việc tự đẽo quan tài. Suốt hai năm qua, già làng Quỳnh Át cũng đang hì hục tự đẽo một cỗ quan tài cho mình khi nhận thấy ngày về với Yàng đang gí sát lưng. “Đây là cỗ quan được làm từ lõi một thân cây cổ thụ trong rừng già. Người càng già, người đứng đầu bản làng phải được liệm trong thân cây nguyên khối được chạm trổ” - già Quỳnh Át giải thích.

Ông Hồ Văn Xếp, nguyên Chủ tịch xã Hồng Kim, nói thêm: “Trong quan tài còn phải có thêm nhiều chén bát, chiếu chăn, áo quần... để người chết mang đi. Đám tang của những bậc chức sắc trong bản, bậc thượng thọ phải diễn ra trong vòng ba ngày, còn trẻ em thì một ngày”. Khi chưa dời quan, trai làng phải đến đánh cồng chiêng suốt đêm. Theo ông Hồ Văn Xếp, tiếng chiêng trống sẽ giúp gia đình người chết vơi đi đau khổ và xua đuổi tà ma. Đám tang biểu hiện rõ tinh thần cộng đồng. Người trưởng làng đứng ra kêu gọi mọi người góp gạo, góp gà vịt làm lễ tiễn đưa.

Bỏ những hủ tục kỳ lạ để sống văn minh ảnh 4

Chén bát, áo quần đi theo người chết. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Trước khi hạ huyệt, già làng uy tín tế sống một con gà để thông báo cho người chết đã đến đúng giờ về với Yàng. Tiếng trống dồn dập, khói nhựa thông (thay nhang) bốc lên nghi ngút. Toàn bộ trai bản nhẹ nhàng an vị cỗ quan vào lòng đất, sau đó vun mộ cao khoảng 50 cm có gắn bia.

Theo tập quán của người A Lưới, sau 3-5 năm chôn cất, người trong làng phải rủ nhau đi bốc mộ, nếu không cả làng sẽ gặp xui xẻo. Người đứng đầu mỗi dòng tộc họp nhau lại để bàn bạc đồ vật tế lễ. Thống nhất với nhau xong, họ bắt đầu đào bới rồi lấy hài cốt đưa vào một chiếc tiểu sành. Lễ cúng bái có thể sơ suất nhưng tuyệt đối không được quên ngày giờ bốc mộ. Trong tâm linh của mỗi người dân ở A Lưới, việc cất bốc hài cốt là điều con cháu phải tôn trọng hàng đầu.

Bỏ những hủ tục kỳ lạ để sống văn minh ảnh 5

Tượng nhà mồ đặc trưng. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Thông thường khi chôn cất xong, người ta không xây lăng mà chờ đến khi bốc hài cốt mới lập nhà mồ. Mỗi nhà mồ thường chứa năm bộ hài cốt. “Dân bản địa chúng tôi rất sợ những linh hồn. Ngày thường, ít ai dám bước chân vào các khu nghĩa địa. Đáng sợ nhất là “nghĩa địa treo” vì những bộ xương người được đào lên rồi sắp xếp trên mặt đất làm cho nhiều người khiếp đảm” - ông Hồ Văn Xếp nói.

Bỏ những hủ tục kỳ lạ để sống văn minh ảnh 6

Nụ cười móm mém của già làng Quỳnh Át. Ảnh: LÊ HOÀNG SƠN

Dân bản giờ đã chủ động xóa bỏ tập tục lạc hậu trong ma chay, bốc mộ. Ngày trước, một đám tang có thể kéo dài 3-4 ngày, tang gia phải chịu trâu, bò, dê cho dân làng ăn. Bây giờ, mỗi đám tang được để không quá 24 tiếng theo đúng quy định, đồng thời không còn chuyện giết mổ gia súc lãng phí. “Chúng tôi đã nỗ lực vận động bà con xóa bỏ lễ nghi lạc hậu, chọn lọc để giữ gìn những yếu tố đặc sắc tạo nên văn hóa bản địa cũng như để phù hợp với đời sống của đồng bào” - ông Lê Dừa, nguyên Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện A Lưới, cho biết.

LÊ HOÀNG SƠN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2011)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.