Bộ trưởng mở đường cho sân khấu vào “thánh đường nghệ thuật“

“Sân khấu đang trên bờ vực khủng hoảng và đây là một cử chỉ cứu sân khấu” - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nói như thế tại buổi họp báo về kế hoạch biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra ngày 22-8.

Trước thời điểm sự kiện này được công bố, hàng loạt hoạt động bên lề đã diễn ra, trong đó có những hoạt động do đích thân Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì.

Kết quả ban đầu của các hoạt động này là một kế hoạch biểu diễn các chương trình nghệ thuật chất lượng cao kéo dài từ nay đến tháng 12 sẽ diễn ra tại chính Nhà hát Lớn Hà Nội (nơi vốn được coi là "thánh đường nghệ thuật" của thủ đô) chính thức được hình thành.

Ông Vương Duy Biên (Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) phát biểu tại buổi họp báo.

Những chương trình sân khấu chất lượng cao đã được lựa chọn từ các nhà hát sẽ phục vụ công chúng thủ đô ngay tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào những ngày cuối tuần. Địa điểm này còn được biết đến là nơi diễn ra những chương trình lớn, hay nói như cách của PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái là "dành cho những người có tiền".

Tới đây, Bộ VH-TT&DL sẽ làm việc với Tổng cục Du lịch, các công ty lữ hành để đưa các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Lớn vào tour, tuyến giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết không chỉ có 17 chương trình nghệ thuật, sân khấu của các nhà hát xếp lịch, “đặt gạch” từ nay đến hết năm mà sang năm 2017, Bộ có kế hoạch để các đơn vị có được lịch biểu diễn thường xuyên hơn. Dự kiến sẽ có tám buổi diễn thường xuyên trong một tháng vào các ngày cuối tuần. Ông Nguyễn Đăng Chương cũng cho biết thêm, hiện có 130 đơn vị nghệ thuật công lập, chưa kể số lượng ngoài công lập rất nhiều, nên việc có những tác phẩm nghệ thuật chất lượng để giới thiệu tới công chúng 1-2 tác phẩm/tuần là nằm trong khả năng.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cùng với việc ủng hộ quyết tâm của Bộ trưởng cũng băn khoăn: “Nhưng tôi có câu hỏi là ai sẽ chịu trách nhiệm về cái gọi là nghệ thuật đỉnh cao? Bây giờ đỉnh cao hay đỉnh thấp phải có người và người đó không lụy về tiền bạc, chỉ về chất lượng thôi. Bộ VH-TT&DL nên cung cấp về hội đồng hoặc một số người có trách nhiệm về cái nghệ thuật đỉnh cao”.

Ông Nguyễn Đăng Chương đính chính lại rằng đây không phải là chương trình nghệ thuật đỉnh cao mà là những chương trình nghệ thuật chất lượng cao mà thôi.

Tuy nhiên, cùng với quyết tâm cứu ngành sân khấu, đưa đến một chương trình nghệ thuật, một địa chỉ quen thuộc cho công chúng yêu sân khấu thì có thể nhìn thấy một số vấn đề không thể giải đáp. Đầu tiên đó là công chúng, tại hội nghị sơ kết của Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã vận động cán bộ của ngành văn hóa “làm gương” đi xem.

Nhà hát Lớn Hà Nội đã là đơn vị tự chủ tài chính, tuy nhiên với chương trình biểu diễn dài hơi như thế này vào những ngày cuối tuần, vấn đề tài chính cho Nhà hát Lớn chắc vẫn là con số khó định lượng, thay đó nhường chỗ cho kế hoạch của bộ trưởng. Bởi lẽ theo như thông tin cuộc họp báo thì đến tận lúc này việc thu chi từ các chương trình của Bộ vẫn chờ văn phòng tham mưu.

Bên cạnh đó là hội đồng thẩm định cũng là một mối quan tâm. Hội đồng này sẽ do bộ trưởng làm chủ tịch và thứ trưởng Bộ VH-TT&DL làm phó chủ tịch thường trực. Nhưng con mắt nghệ thuật của hội đồng liệu có gặp nhau với con mắt thưởng thức nghệ thuật của công chúng nói chung hay không cũng là một vấn đề khó đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm