Bộ trưởng Thông tin: "Báo chí nên theo xu hướng đối thoại"

- Với sự phát triển của Internet, người dân đang có thêm cơ hội đối thoại, bày tỏ quan điểm của mình, ví dụ như tham gia các hình thức tương tác với tòa soạn, nêu ý kiến trên các diễn đàn online, viết blog. Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về xu hướng "báo chí công dân"?

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp. Ảnh: V.A
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp. Ảnh: V.A

- Theo tôi, báo chí nên đi theo xu hướng đối thoại, tạo cho người đọc diễn đàn để góp ý cho từng bài báo. Trên cơ sở phản hồi, tờ báo sẽ điều chỉnh, qua đó vấn đề có sức thuyết phục cao hơn. Nhưng tất nhiên, phản hồi phải mang tính hợp tác và xây dựng.

Tôi biết là cũng có ý kiến lo ngại độc giả tham gia vào công việc báo chí. Nhưng điều đó tùy thuộc vào quan điểm của từng người.

- Hiện còn rất nhiều ý kiến khác nhau về blog, quan điểm của ông về "Nhật ký điện tử" thế nào?

Xét dưới góc độ hình thức thể hiện, blog là tiếng nói của cá nhân được chuyển thành chữ viết. Giá trị nói và giá trị viết, công dụng và mức độ lan tỏa rất khác nhau.

Blog là sản phẩm của thời kỳ mới, thời kỳ của công nghệ thông tin. Một xã hội cởi mở, dễ trao đổi, tâm sự với nhau qua mạng là việc tốt. Người ta có thể trao đổi mà không cần phải đến gặp nhau.

Thông tin có ích người ta sẽ tiếp tục khai thác, còn thông tin trên blog không có ích người ta có thể loại bỏ. Vì thế, theo quan điểm của tôi cần khuyến khích, bởi blog mang lại lợi ích nhiều hơn, xã hội thông thoáng và thông tin đầy đủ hơn, con người hiểu nhau tốt hơn.

- Nhưng ông nghĩ gì khi thời gian qua đã có những vụ kiện tụng xung quanh việc đưa thông tin cá nhân lên blog, thậm chí có những vấn đề khá nhạy cảm không đăng được trên báo, người ta đăng trên blog?

- Không phải anh viết gì trên blog là người ta tin ngay, điều quan trọng là thuyết phục nhau bằng lý lẽ và tính hướng thiện. Hướng quản lý là để cho người tốt luôn được tự do, người không tốt phải được giáo dục, ngăn ngừa. Trong tương lai, Luật dân sự nên có một chương về vấn đề này, để điều chỉnh hành vi. Trong lúc chưa có luật, cần có các chế tài quản lý tốt hơn.

Với blog, việc quản lý chủ yếu là 2 vấn đề: thứ nhất là chống bôi nhọ nói xấu công dân. Thứ hai là kích động, chống phá chế độ.

- Có ý kiến cho rằng, với nhà cung cấp Yahoo, chúng ta có muốn quản lý nội dung blog cũng không được, bởi chỉ cần tạo một nick ảo trên mạng là có thể viết những gì họ muốn. Ông nghĩ gì trước ý kiến trên?

- Đúng là hiện nay chúng ta chỉ nhìn thấy nội dung blog nhưng không có địa chỉ người viết, nên khó xử lý. Vì thế, hướng đi thời gian tới là thông qua các nhà cung cấp dịch vụ blog Việt Nam để ràng buộc, cam kết mang tính xã hội cao hơn. Nhà cung cấp dịch vụ blog Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin. Họ có chuyên môn nên khả năng giám sát cũng tốt hơn.

Theo tôi, chúng ta không đặt ra vấn đề tiền kiểm các bài viết trên blog mà nên "hậu kiểm". Những blog nào không tốt thì phải kiểm tra, uốn nắn thông qua các nhà cung cấp dịch vụ.

Theo ông Hợp: "Blog mang lại lợi ích nhiều hơn, con người hiểu nhau tốt hơn". Ảnh: V.A
Theo ông Hợp: "Blog mang lại lợi ích nhiều hơn, con người hiểu nhau tốt hơn". Ảnh: V.A

- Vừa qua, nhiều lãnh đạo nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành đã đối thoại trực tuyến với người dân. Dưới góc độ truyền thông, ông nhìn nhận thế nào về động thái này?

- Theo tôi, đối thoại trực truyến là con đường giải quyết vướng mắc của công dân nhanh nhất. Hiện nay, thông tin của Việt Nam đến bạn bè quốc tế còn hạn chế. Khi họ chưa hiểu chúng ta thì không những không ủng hộ mà nhiều khi còn gây khó dễ cho ta.

Nếu làm tốt trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước sẽ giảm thời gian chờ đợi, giảm chi phí đi lại và công sức của nhân dân. Ngoài ra, những cuộc đối thoại sẽ làm tăng niềm tin, tăng nhận thức của nhân dân, tạo đoàn kết, hợp lực cao hơn.

- Có ý kiến cho rằng, vừa qua, việc các bộ, ngành tổ chức đối thoại trực tuyến chủ yếu là do nhận thức của người đứng đầu. Quan điểm của ông thế nào?

- Đúng là hiện nay việc đối thoại với dân chủ yếu là do trách nhiệm của người đứng đầu các bộ. Trong khi, thực tế không bộ nào không có vấn đề người dân quan tâm. Theo tôi, Chính phủ nên có một cơ chế hành chính, yêu cầu tất cả các bộ ngành phải đối thoại trực tuyến định kỳ với dân.

Đối thoại trực tuyến là một trong những kênh quan trọng phản ánh trình độ năng lực của cán bộ. Cán bộ mà chịu trực tuyến, chịu tranh luận trên diễn đàn là cán bộ có trách nhiệm với dân. Vì vậy, cách tốt nhất là thông qua trực tuyến giúp nhân dân có thông tin lựa chọn chính xác được người đại diện cho mình.

- Trong năm 2008, ông và các thứ trưởng của mình sẽ lần lượt đối thoại trực tuyến với dân. Những ý kiến của người dân sẽ có ý nghĩa thế nào đối với công việc của ông?

- Trước hết, là người lãnh đạo, tôi muốn biết những bức xúc, mong muốn, khát vọng của dân để từ đó thể hiện trách nhiệm của mình với công dân tốt hơn. Những gì dân thắc mắc mà mình chưa làm tốt thì phải làm tốt hơn, những gì mình làm tốt rồi mà dân chưa hiểu thì giải thích để dân rõ.

Hiểu dân, cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp. Có thể nói bức xúc lớn nhất của dân là chính sách không phù hợp thực tiễn.

Bắt nguồn từ thuật ngữ "weblog", trào lưu mang tính cách mạng thông tin trong cộng đồng người dùng Internet bắt đầu ngày 17/12/1997. Website thống kê blog Technorati cho biết, hiện nay, hệ thống của họ ghi nhận và theo dõi hơn 70 triệu trang trên thế giới.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 120.000 blog mới ra đời. Mật độ bài mới post lên mỗi trang là 17 bài một giây, tổng cộng mỗi ngày có khoảng 1,5 triệu post mới.

VIỆT ANH - (Theo VnExpress.net)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm