Cấm nhưng... chưa chế tài!

Theo dự thảo quy chế làm việc của Hội đồng duyệt phim quốc gia, có loại phim cấm trẻ dưới 16 tuổi. Làm thế nào có thể xác định đúng tuổi người xem? Làm thế nào thực thi nghiêm túc quy chế? Ông LÊ NGỌC MINH, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, thành viên ban soạn thảo, đã có một số ý kiến sau:

Ta mới, thế giới đã làm lâu!

. Vì sao phải phân loại và xác định những phim cấm trẻ dưới 16 tuổi?

+ Cấm trẻ em dưới 16 tuổi xem một số phim có cảnh “nóng” ở nhiều nước trên thế giới đã làm, nhất là những nước có nền điện ảnh phát triển như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Chúng tôi dựa theo Luật điện ảnh. Ngoài những điều cấm chung, Luật điện ảnh có quy định các em chưa đến 16 tuổi không được xem những pha “nóng” như phim nhạy cảm về tình dục hay mô tả tội ác quá kỹ lưỡng. Trẻ em như tờ giấy trắng, rất dễ thấm. Phim Mười là bộ phim đầu tiên áp dụng theo Luật điện ảnh (không phổ biến cho trẻ em dưới 16 tuổi, bởi trong đó có nhiều cảnh kinh dị - PV).

. Tại sao phải đợi bộ phim Mười mới thực hiện Luật điện ảnh?

+ Ngay khi Luật điện ảnh được ban hành 29-6-2006, chúng tôi đã xây dựng dự thảo quy định để Hội đồng thẩm định quốc gia làm việc. Song phải đến tháng 6-2007, Chính phủ mới ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện quy định đó.

. Theo quy luật tâm lý, cái gì cấm sẽ gây tò mò. Hiện nay ngoài phim chiếu rạp, còn rất nhiều băng đĩa bán, cho thuê, thậm chí còn có hình thức cho thuê trên mạng. Làm thế nào có thể kiểm soát được những đối tượng vi phạm?

+ Hiện nay chưa có câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, họ chia 4-5 độ tuổi để có những loại phim thích hợp. Hay nước Nga có hai loại rạp chiếu phim dành cho thiếu nhi và người trưởng thành. Còn khi ở gia đình, phim người lớn và trẻ em được phân biệt bằng một bài hát đặc biệt. Khi trẻ em nghe thấy tiếng nhạc đó là tự động tắt tivi đi ngủ.

Dựa vào nhạy cảm

. Tại sao dự thảo lại quy định cấm trẻ dưới 16 tuổi xem phim “nóng” mà không là 18 hay 15 tuổi?

+ Theo quy định của pháp luật, người đủ 16 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội thông thường. Chúng tôi cũng đã tham khảo một số chuyên gia về tâm lý, tuổi này bắt đầu có những suy nghĩ ý thức hơn. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng tuổi này.

Điều này cũng giúp cho các nhà nhập phim đừng mang về những bộ phim có nhiều pha “nóng”.

. Làm thế nào có thể xác định được khán giả đến xem phim tại rạp đủ tuổi theo quy định?

+ Người soát vé có vai trò rất quan trọng và phải rất nhạy cảm về nghề nghiệp khi quan sát. Tôi từng thấy ở Hàn Quốc, người soát vé rất quyết liệt khi lôi tuồn tuột một khán giả chưa đủ tuổi thành niên ra ngoài và gọi công an đến xử lý ngay lập tức.

. Nhưng một số rạp chiếu phim cho rằng nhiều người xem không tự giác tránh. Người soát vé không thể nhìn mà đoán. Ông nghĩ sao?

+ Ai cũng phải tôn trọng sự tự giác giống như việc đội mũ bảo hiểm. Chứ nếu cố tình vi phạm, họ vụt qua công an cũng chẳng làm gì được. Khi đi lấy ý kiến dự thảo, nhiều trường tiểu học nói rằng họ sẽ hướng dẫn, tuyên truyền dần dần cho các em không xem phim “nóng” khi chưa đủ 16 tuổi.

Người kinh doanh khó tự giác

. Có nghĩa là chúng ta chưa có chế tài xử phạt những vi phạm này?

+ Rạp chiếu phim cũng giống như một đại lý bán băng, đĩa phim phải chấp hành quy định của pháp luật. Khi anh đưa phim ngoài luồng vào để phục vụ cho trẻ em dưới 16 tuổi, tức là đã vi phạm pháp luật. Bản thân các rạp phải tự bảo vệ mình. Nếu như anh cho vài ba cháu bé vào xem phim trong số nhiều người lớn tuổi, bản thân sẽ gây áp chế cho người đến xem. Có nghĩa anh đã không tôn trọng mình. Rồi pháp luật sẽ tiếp tục đến gõ cửa.

. Có ý kiến cho rằng quy định giới hạn tuổi với một số phim “nóng” sẽ là “thòng lọng” thít chặt số người đến xem phim tại rạp?

+ Đây không gọi là thít chặt mà chúng ta đang làm theo thông lệ quốc tế và thực hiện Luật điện ảnh. Có đoàn xiếc về trình diễn ở một trường tiểu học. Hôm sau thấy học sinh nào cũng bị đau lưng vì bắt chước diễn viên uốn dẻo. Tránh làm sao được khi lứa tuổi các em rất bồng bột trong suy nghĩ, chỉ làm theo những gì mà chúng nhìn thấy và háo hức thực hiện.

. Xin cảm ơn ông!

Bà HÀ VỊ THỦY, Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia:

Phải cấm ngay từ cửa mua vé

Theo tôi, phòng bán vé phải có sự cảnh báo cho khán giả, sau đó là bản thân khán giả phải tự giác (điều này là chính), nếu như khán giả cứ cố tình vào xem thì chỉ có thể dựa vào cảm quan của người quản lý rạp và nhân viên phòng chiếu phim để đề nghị khán giả đó không được xem bộ phim đó. Nếu như khi mời ra mà khán giả đó nói là đã đủ tuổi để xem thì chúng tôi sẽ yêu cầu xuất trình giấy tờ. Tuy nhiên, đây không phải là việc làm đơn giản. 64% đối tượng khán giả của chúng tôi hiện nay là ở lứa tuổi 15-35. Và như vậy lứa tuổi đi xem phim nhiều nhất là thanh niên và trung niên nên việc khán giả đến xem “cháy vé” hay không là dựa vào lứa tuổi này. NGỌC NHIÊN

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm