Cần giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền

Mỗi vùng miền lại có những nét văn hóa rất đặc trưng. Nhất là giọng nói và cách phát âm chỉ cần nghe qua là biết ngay người đó ở vùng miền nào. Đặc biệt người miền Trung có những phương ngữ rất khác biệt mà người ở vùng miền khác thoạt nghe không thể nào hiểu được ý nghĩa câu, từ ấy. Đơn cử các từ “răng, rứa, mô, tê, nỏ, chộ…” của người Bắc và Trung Trung Bộ hay từ “nẫu” đặc trưng của người Bình Định, Phú Yên. Hoặc một số từ thông dụng nhất chỉ các đồ vật, cây trái, vật nuôi… của người miền Bắc và miền Nam cũng khác nhau. Tiếng Việt tuy cùng một nguồn gốc nhưng qua thời gian với những đợt di dân của tiền nhân đến những vùng đất mới, giao thoa với văn hóa bản địa đã phát sinh ra nhiều từ ngữ, phương ngữ, cách nói và cả tính cách con người cũng dần đổi thay. Đó là sự phong phú và nét độc đáo của văn hóa Việt.

Chính sách nhất quán của Nhà nước là bảo vệ văn hóa dân tộc. Không chỉ bảo vệ văn hóa từng dân tộc mà cũng cần bảo vệ những nét đặc trưng của văn hóa từng vùng miền. Không phải để phân biệt đối xử mà là không làm xáo trộn nếp sống, nếp nghĩ, nết ăn, nết ở của người dân bản địa. Thế nhưng những năm sau ngày “thống nhất nước nhà về mặt nhà nước” - chỉ về mặt nhà nước thôi như đã khẳng định, vẫn có nhiều thay đổi không cần thiết đối với một số sự việc đơn giản hoặc các phạm trù văn hóa-xã hội mà nhiều người dân miền Nam đã quen khiến nhiều người khá bức xúc. Như mới nhất là nhiều bà con thấy khó chịu khi đi ngang qua cái vòng xoay mở rộng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn thấy sửa lại là “vòng xuyến”. Người Sài Gòn đã quen nói vòng xoay thì hà cớ gì lại phải đổi cách gọi là vòng xuyến theo cách người Hà Nội? Cũng vậy, như lâu nay đến khám ở BV Trưng Vương, người Sài Gòn thấy rất khó quen với tên gọi các phòng là “buồng”: buồng khám bệnh, buồng mổ, buồng nội trú số… theo cách gọi của người miền Bắc! Hoặc đơn giản nhất như ở nhiều chung cư, khách sạn, số thứ tự các tầng lầu mỗi nơi ghi mỗi khác. Có nơi đề số tầng theo cách người Sài Gòn xưa nay: tầng hầm, tầng trệt, tầng 1, tầng 2... nhưng có chỗ lại ghi theo kiểu người Hà Nội, như tầng trệt ghi là tầng 1, tầng 1 thì đề tầng 2! Những việc rất nhỏ nhưng nó tạo cái tâm lý khó chịu cho nhiều người. Hãy tưởng tượng các tác phẩm của Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư… bị các biên tập viên người Hà Nội biên tập, sửa các phương ngữ Nam Bộ thành tiếng Việt chuẩn… Hà Nội (như nhiều học giả miền Bắc trước giờ vẫn cho rằng giọng tiếng Việt chuẩn phải là giọng Hà Nội) thì những tác phẩm này sẽ ra sao?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm