Cảnh sex trở nên hiếm hoi trong phim Hollywood

Cảnh sex trở nên hiếm hoi trong phim Hollywood ảnh 1
Titanic là bộ phim PG-13 hiếm hoi có cảnh nóng táo bạo. Ảnh: IMDb

Khi cảnh sex dần dần biến mất

Cách đây nhiều năm, các bộ phim điện ảnh Mỹ thường đưa vào những cảnh sex nóng bỏng với mục đích câu khách. Một thế hệ của Mỹ đã lớn lên bằng cách "ấn nút pause" (ngừng) không biết bao lần khi xem các bộ phim tâm lý nhục cảm như Risky Business, Ghost, Cruel Intentions... Thế nhưng, từ khoảng năm 2000 trở lại đây, những cảnh phim như vậy dần biến mất trong dòng phim đại chúng làm ra với mục đích chiếu rạp.

Nhìn lại 9 bộ phim tranh giải Oscar 2013, người xem thấy có những nhân vật bị chết, được cứu, bị bệnh, giận dữ… nhưng không có ai lên giường với người tình, kể cả khi đó là cô nàng nghiện sex trong bộ phim Silver Linings Playbook. Danh sách 25 phim đạt doanh thu cao nhất năm vừa qua không hề có bộ phim nào có những cảnh nhạy cảm tới mức bạn cảm thấy ngượng khi xem cùng bố mẹ. Bộ phim cuối cùng có một cảnh nóng giữa hai ngôi sao được thể hiện lên màn ảnh mà vẫn đứng đầu doanh thu cuối năm ấy chính là Titanic (1997).

Ông Vincent Bruzzese, chủ tịch xưởng tiếp thị truyền thông Ipsos, cho rằng cảnh sex ở Hollywood hiện nay "cực kỳ hiếm hoi". Điều hành nơi thẩm định kịch bản cho các hãng phim và các nhà làm phim lớn, ông chia sẻ: "Số lượng cảnh sex trong số kịch bản chúng tôi đọc trước cho khách hàng hoàn toàn bị chối từ trong khoảng 2 năm gần đây. Các biên kịch đã bỏ các cảnh ấy đi khi viết, bởi họ hiểu chúng sẽ bị cắt khi quay và ra rạp. Cảnh nóng chỉ ở trong kịch bản khi chúng thực sự cần thiết cho câu chuyện”.

Tuy vậy, một số phim vẫn quay những cảnh hở hang để đưa vào trailer và các phương thức PR để mong khán giả tới rạp. Câu hỏi được đặt ra là nếu cảnh sex là thứ thu hút khán giả tới rạp thì sao Hollywood không đầu tư vào nó nữa?

Doanh thu là trên hết

Câu trả lời khởi nguồn từ những năm 1990, khi các xưởng phim lớn bắt đầu coi các bạn nam tuổi teen là đối tượng khách hàng tin cậy của mình. Các phim bắt đầu đưa vào nhiều hơn các anh hùng siêu ngầu, các pha cháy nổ, các cô gái mặc quần áo bó sát để thỏa mãn đối tượng này. Nhưng họ không đưa vào các cảnh sex, cho dù nam giới đều rất "ham hố", bởi họ hiểu rằng MPAA (Hiệp hội Thẩm định phim Hoa Kỳ) chỉ cho những người trên 17 tuổi xem phim này.

Do đó, nếu phim của họ mà có cảnh nóng thì phim sẽ bị gắn mác R (trẻ em dưới 17 tuổi cần có phụ huynh đi kèm) hay thậm chí là NC-17 (hoàn toàn cấm trẻ em dưới 17 tuổi). Điều này đồng nghĩa với việc một số lượng lớn khán giả nam tuổi teen sẽ không được xem, gây ra sự sụt giảm doanh thu đáng kể cho bộ phim. Và đó không phải là điều họ mong muốn.

Vì vậy, các hãng phim lớn chỉ thường làm các cảnh hở hang “vừa vừa” để bộ phim có thể được dán nhãn PG-13 (trẻ em dưới 13 tuổi có phụ huynh), từ đó để nhiều người có thể xem được phim hơn, dẫn tới doanh thu nhiều hơn.

Michael Sucsy, đạo diễn phim The Vow, nói: “Hiện nay, những người trẻ tuổi là thế lực điều khiển doanh thu phòng vé. Nếu bạn có thể tiết chế để bộ phim gán mác PG-13 thì chẳng có lý do nào bạn khăng khăng giữ mác R cả. Bởi làm thế chỉ tổ hạn chế số lượng người muốn đi xem mà thôi”.

The Vow, với sự tham gia của Channing Tatum và Rachel McAdams, là một trong số ít các phim tình cảm gần đây có doanh thu lời, tất nhiên là nhờ mác PG-13 của nó.

Theo điều tra, các pha cháy nổ là công cụ kiếm tiền tốt hơn. Ông Vincent Bruzzese nói: “Một cảnh tắm nóng bỏng trong trailer không khiến khán giả bắt buộc phải chạy ra rạp xem phim trong tuần đầu tiên, nhưng có cảnh nổ tung cả một thành phố thì hoàn toàn có thể”.

Lý do tiếp theo có vẻ không hiển nhiên như nguyên nhân ban đầu, dù nó là thứ bạn có thể sử dụng hằng ngày: Internet. Với tốc độ phát triển công nghệ hiện nay, những hình ảnh và video nhạy cảm trong phim chỉ cần một cú click để tìm ra, không khiến mọi người nhất thiết phải tới rạp để xem. Trong một cuộc khảo sát, nhiều khán giả đã nói: “Tại sao tôi phải bỏ tiền ra rạp xem cảnh đó, trong khi chỉ cần tìm kiếm trên mạng?”.

Ngoài ra, các diễn viên cũng suy nghĩ nhiều trước khi đóng cảnh nóng bởi lo ngại những cảnh hậu trường này sẽ xuất hiện trên mạng và biến tướng thành các scandal không mong muốn trong một thế giới mà báo mạng bùng nổ như hiện nay. Do đó, giờ đây họ chỉ đóng cảnh nóng khi đó là cảnh bắt buộc, ảnh hưởng quan trọng tới nội dung phim.

Một thủ phạm khác nhúng tay vào sự biến mất của cảnh sex ở Hollywood chính là công nghệ tạo hình trên máy tính (CGI). Trong khi các hiệu ứng hình ảnh ngày càng được sản xuất với chi phí rẻ hơn, các nhà làm phim cho rằng sử dụng kỹ xảo vào cảnh quay sẽ tiết kiệm hơn so với chi phí để quay các cảnh nóng, nhất là khi các cảnh ấy không thể xuất hiện trực tiếp trong các trailer (trừ phi đó là trailer băng đỏ - chỉ chiếu cho người lớn).

Ngoài ra, điều bất ngờ hơn chính là việc các cảnh sex nóng bỏng ấy chuyển lên sóng truyền hình cáp. Các bộ phim dài tập như Games of Thrones, Homeland, Girls hoàn toàn có thể đưa vào nhiều cảnh nóng, bởi những người đăng ký sử dụng dịch vụ của họ đều được cho rằng hơn 18 tuổi. Nhưng không ai hoàn toàn đảm bảo những người xem chương trình ấy tại nhà đều đủ tuổi xem.

Steven Soderbergh, đạo diễn của Sex, Lies and Videotape, tỏ ra ngán ngẩm: “Thật lạ lùng khi các vấn đề người lớn vốn thuộc địa phận của dòng phim điện ảnh lại bị bỏ đi giữa đường”.

Mặc dù vẫn có nhiều phim có cảnh nóng được chiếu ở Mỹ, nhưng chủ yếu là phim độc lập, phim nghệ thuật, phim nước ngoài - các sản phẩm hoàn toàn không thể thu hút doanh thu bằng các bom tấn của các xưởng phim lớn. Nhưng cho dù có cảnh nóng, các bộ phim ấy chỉ có thể thành công nếu không lợi dụng nó là nhân tố câu khách, mà chỉ xuất hiện bởi nội dung yêu cầu phải có.

Không thể không nghĩ đến một vài phim Việt Nam gần đây có xu hướng mượn cảnh nóng, khoe thân của diễn viên nữ để câu khách. Các phim Việt Nam đó (trong đó đã có phim bị cấm chiếu hoặc phim chưa chiếu nhưng tung trailer "rất nóng") có lẽ đang đi theo con đường mà Hollywood đã từ bỏ như đã nói ở trên.  

Theo NGUYỄN THÀNH TRUNG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm