Câu chuyện của 20 bức ảnh về nạn buôn người

Nằm trong khuôn khổ triển lãm nghệ thuật của tổ chức MTV Exit nhằm chống lại nạn mua bán người, 20 bức ảnh mang chủ đề Mã vạch của nhiếp ảnh gia Na Sơn đã gây ấn tượng rất mạnh cho người xem, đặc biệt là về ý tưởng thể hiện.

Nghệ thuật nổi da gà

. Phóng viên: Thông điệp anh muốn truyền tải trong những bức ảnh là gì?

+ Nhiếp ảnh gia Na Sơn: Những bức ảnh trong triển lãm là những nạn nhân cụ thể của các vụ buôn bán người, bắt cóc trẻ em xảy ra trên địa bàn những huyện biên giới của Hà Giang trong những năm qua. Dưới mỗi bức ảnh là thông tin về các vụ việc. Trên tấm bảng mã vạch che mặt các nạn nhân là một dãy số giống như dãy số chúng ta thường thấy khi đi mua hàng. Trong đó, 893 là mã hàng hóa của Việt Nam, bốn chữ số tiếp theo là năm sinh của nạn nhân, sáu chữ số cuối là ngày, tháng, năm họ bị bắt cóc hoặc bị bán. Nhân vật được chụp tại chính nơi (hoặc hoàn cảnh) xảy ra vụ bắt cóc. Đó là căn nhà mà khi bố mẹ đi làm nương, cả bốn đứa trẻ đều bị kẻ xấu bắt đi. Đó là cánh đồng ngô, nơi một tên khốn nạn đã giả vờ tán tỉnh yêu đương rồi lừa bán một cô gái sang Trung Quốc…

Thông điệp của tôi đơn giản thôi: "Đừng để nạn buôn bán người biến con người thành hàng hóa".

Câu chuyện của 20 bức ảnh về nạn buôn người ảnh 1

Na Sơn và Mã vạch. Ảnh: MAI KỲ

. Anh mất bao lâu để thực hiện bộ ảnh và đã gặp những khó khăn gì? Tại sao anh lại chọn cách thể hiện này?

+ Tôi đã mất hai tháng lang thang ở Hà Giang để thực hiện loạt ảnh này. Những nạn nhân đều là người dân tộc thiểu số rất thật thà, hồn nhiên nên việc thuyết phục họ để chụp ảnh không khó lắm. Cái khó nhất là phải lục lọi hàng trăm hồ sơ, tài liệu và tìm ra được họ. Tôi muốn góp một lời cảnh báo đến cộng đồng, xã hội về nạn bắt cóc, buôn bán người thường xảy ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Nhưng để nêu bật được thông điệp và để bảo vệ nhân thân cho nạn nhân, tôi đã để họ tự che mặt bằng những bảng mã vạch mà tôi đã in ra, một số trường hợp khác thì tôi che mặt họ thông qua xử lý hậu kỳ. Khi lột mã vạch ra, đó là những bức ảnh chân dung hoặc đời sống rất đẹp nhưng khi gắn nó vào cái đẹp ấy đã cào xước cảm xúc của người xem. Tôi sẽ còn tiếp tục thực hiện nó như một dự án hoàn chỉnh chứ không đơn thuần chỉ bó hẹp trong một cuộc triển lãm.

. Điều gì xảy ra trong khi anh chụp Mã vạch?

+ Chính bản thân tôi cũng đã nổi da gà khi chụp những nạn nhân đang cầm mã vạch che mặt, có một cái gì đó quá chua xót và phũ phàng vượt quá sự tưởng tượng của tôi trước đó. Họ kể lại bi kịch của mình một cách hồn nhiên, thật thà đến rợn người. Cũng chỉ vì cái đói, cái nghèo mà có những kẻ sẵn sàng bắt cóc, lừa bán cả hàng xóm láng giềng, thậm chí bà con họ hàng của chính mình. Những tháng gần đây, kinh tế khó khăn khiến tội ác này càng trắng trợn, dã man hơn. Thậm chí có những đứa trẻ còn bị cướp trên tay của cha mẹ chúng. Nhưng tất cả tôi thể hiện chỉ là cái ngọn của vấn đề, cái gốc của nó đang nằm ở phía bên kia biên giới.

“Tôi không bao giờ kè kè máy ảnh bên mình”

. Vậy ảnh của anh là nghệ thuật hay báo chí?

+ Tôi không phân biệt. Cả ảnh nghệ thuật hay báo chí đều phải… đẹp. Tuy nhiên, sai lầm của nhiều người chụp ảnh là quá sa đà vào hình thức mà quên đi nội dung. Ảnh của tôi phải hội đủ ba yếu tố, theo thứ tự ưu tiên: có thông tin, có ý nghĩa phản ánh và có cách thể hiện đẹp. Tôi tự thấy mình không có năng khiếu về mỹ thuật, không được đào tạo chuyên môn nên những gì tôi chụp đều bằng sự hiểu biết và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước khi bấm máy. Cũng vì thế tôi không bao giờ kè kè máy ảnh bên mình.

. Anh không sợ bỏ lỡ khoảnh khắc à?

+ Theo tôi, tính khoảnh khắc và sự may mắn trong nhiếp ảnh chỉ đến với người được chuẩn bị kỹ càng. Điều ấy quyết định sự thành công cho bức ảnh và cho người chụp.

. Nhiều người nói anh chảnh?

+ Tôi thẳng tính và tôi chỉ chảnh với những người không nghiêm túc với nghề ảnh, những người chỉ biết “chém gió”. Để có ảnh đăng trên những hãng thông tấn quốc tế, báo, tạp chí trên thế giới, tôi phải thể hiện tính chuyên nghiệp từ những thứ nhỏ nhất. Yêu nghề là một chuyện nhưng nếu không khắt khe với nghề thì sẽ không bao giờ có kết quả tốt.

Tôi tên là Sơn và thích ăn na

Na Sơn tốt nhiệp ĐH Kinh tế TP.HCM và có gần 10 năm làm kinh doanh nhưng từ 2005, anh bất ngờ chuyển sang chụp ảnh chuyên nghiệp. Là một nhiếp ảnh gia tự do, Na Sơn cộng tác với hầu hết các tờ báo và tạp chí hàng đầu trong nước cũng như nước ngoài. Những bức ảnh của anh cũng thường xuyên được đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí nước ngoài như AP, USA Today, Washington Post, BBC… Anh giải thích về tên mình rất đơn giản: “Tôi tên Sơn và thích ăn… na”.

THANH LƯU thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm