Chỉ cần tiền sẽ thoát kiếp phim mì ăn liền?

Thế nhưng nếu như đà “phát triển” chỉ số lượng như hiện tại thì chẳng bao lâu nữa khán giả cũng sẽ lại quay lưng vớ i điện ảnh Việt khi chưa kịp làm quen.

Nếu năm 2015 chứng kiến gần 30 phim Việt ra rạp thì mới hơn nửa năm 2016, con số đã là gần 30.

Phim nhiều, chất lượng chẳng bao nhiêu

Theo lời ông Đỗ Duy Anh, Cục phó Cục Điện ảnh, chia sẻ tại Diễn đàn điện ảnh Mạng lưới công nghiệp điện ảnh Việt Nam - Hàn Quốc vào cuối tháng 6 vừa qua thì: “2015 là năm thị trường phim Việt Nam phát triển rực rỡ nhất từ trước đến nay. Kết quả này thể hiện cả về phong phú đa dạng đề tài, chất lượng phim”. Bộ phim điển hình nhất của sự rực rỡ này là phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Victor Vũ) do Thiên Ngân, Phương Nam Phim và Sài Gòn Concert hợp tác sản xuất dưới sự đặt hàng của Bộ VH-TT&DL đạt 80 tỉ đồng doanh thu sau 45 ngày chiếu. Bộ phim này có doanh thu cao gấp 10 lần so với kinh phí Nhà nước đặt hàng sản xuất.

Nếu nhìn bề nổi những con số sẽ nghĩ điện ảnh Việt đang phát triển lắm nhưng thực chất đó chỉ là con số, chất lượng phim Việt ra rạp hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Nhìn lại thập niên 80-90 của thế kỷ trước, cùng với sự phát triển của video là hàng loạt hãng phim ra đời và hàng chục phim kéo nhau ra rạp. Nhiều phim giai đoạn đó không có yếu tố nghệ thuật mà hoàn toàn theo kiểu sản xuất nhanh, đầu tư ít nên đây được xem là giai đoạn phim “mì ăn liền”. Nếu nói hiện tại xem điện ảnh Việt đang có những phim mì ăn liền như những năm 1980-1990 cũng không sai. Bởi cuối năm 2015, điện ảnh Việt chứng kiến nhiều phim Việt chiến thắng về chất lượng nghệ thuật lẫn doanh thu: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (80 tỉ đồng), Em là bà nội của anh (100 tỉ đồng); hay thành công về chất lượng: 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy. Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, những bộ phim thành công về doanh thu lẫn nghệ thuật đều vắng bóng.

Mùa phim tết ngoài bộ phim bị gắn luôn mác hài nhảm - Tía tui là cao thủ có doanh thu 50 tỉ đồng, còn lại các phim Siêu trộm, Ám ảnh, Yêu là phải xài chiêu hay Lộc Phát cũng đều rơi vào cảnh không hút nổi khán giả.

Một số bộ phim xem được chứ chưa phải thật xuất sắc và có doanh thu tạm huề vốn hầu hết lại thuộc về những tay mơ làm phim như: Lật mặt 2 - Phim trường do đạo diễn, ca sĩ Lý Hải thực hiện; Gái già lắm chiêu phim điện ảnh đầu tay của cặp đôi đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito…

Bao giờ có yêu nhau dù nhận được nhiều lời khen nhưng đây là minh chứng cho một bộ phim lỡ cỡ về nghệ thuật. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp

Phim đổi tựa vì… phong thủy

Còn lại, hàng loạt phim ra rạp: Cao thủ ẩn danh, Truy sát, Mặt nạ máu, Nữ đại gia, Bao giờ có yêu nhau, Ma nữ báo thù… Và những phim này hầu hết đều ôm

 lỗ. Những bộ phim ra rạp thất bại không thuộc vào những phim nghệ thuật quá hay khó xem với khán giả mà hầu hết đều bởi kịch bản không tốt. Như bộ phim Bao giờ có yêu nhau của đạo diễn Dustin Nguyễn dẫu nhận được nhiều lời khen nhưng hầu hết đó là lời khen vì “nể mặt nhau” chứ chưa phải đánh giá thực chất bộ phim. Đoạn được cho là lay động khán giả nhất trong phim là ở giọng ca Thái Thanh với ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy - Kiếp nào có yêu nhau. Đây cũng là những phút hiếm hoi có yếu tố nghệ thuật để cứu toàn bộ một kịch bản rối rắm. Truy sát được hy vọng sẽ là một bộ phim hành động dấu ấn khi được đầu tư lớn từ sản xuất, hậu kỳ đến chiến dịch quảng bá. Nhưng rồi những cảnh thành công nhất của Truy sát lại nằm tất cả ở phần teaser (đoạn ngắn giới thiệu phim - PV). Sau bộ phim này, nhiều người lại có cơ sở để khẳng định đạo diễn Cường Ngô là người có thể làm những teaser hay nhưng cả bộ phim thì… chưa chắc.

Phim thất bại không chỉ ở các nhà làm phim mà còn ở những sự  rực rỡ không đáng có. Như chia sẻ của ông Đỗ Duy Anh thì một điều khác chứng minh sự phát triển của điện ảnh chính là Việt Nam hiện có trên 400 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất phim.

Thực tế, lượng doanh nghiệp có phép sản xuất phim nhiều không hàm nghĩa điện ảnh sẽ phát triển. Bởi rất nhiều doanh nghiệp có phép sản xuất phim hiện nay vốn là những doanh nghiệp kinh doanh gỗ, tiêu, điều… sau khi thừa tiền bỏ ra vài tỉ làm phim… chơi. Lần gần nhất, trong lễ công bố một dự án điện ảnh sẽ ra rạp vào cuối tháng 7 này, nhiều người có mặt đã phải bật cười vì sự ngây ngô vô đối của một chủ đầu tư phim (gốc doanh nghiệp trồng điều). Khi trả lời báo chí về việc tại sao thay tựa phim, chủ đầu tư không ngần ngại chia sẻ bởi lý do… hợp phong thủy hơn.

Có thể nói điện ảnh Việt đang phát triển rầm rộ nhưng đó là sự phát triển của những con số bên ngoài. Chúng ta vẫn hoàn toàn thiếu những kịch bản xuất sắc, đạo diễn tài ba, diễn viên đẳng cấp… đủ để chính chúng ta nể phục nhau, dành lời khen thật cho nhau.

Cần nhất là đạo diễn trẻ

Ba năm trước, thị phần phim Việt chỉ chiếm khoảng 20% trong thị trường phim Việt. Và khi tôi đến Việt Nam nhận việc cách đây hai năm, CGV mỗi năm chỉ phát hành 2-3 phim Việt. Nhưng hiện tại con số phim Việt CGV phát hành mỗi năm là 13-15 phim.

Việt Nam tôi nghĩ không thiếu nhân tài nhưng tại sao trong khoảng 30 phim Việt phát hành năm 2015 thì chỉ có 3-5 phim đạt doanh thu trên 1 triệu USD/phim (hơn 22 tỉ đồng). Tôi nghĩ điều này xảy ra bởi điện ảnh Việt quá thiếu những đạo diễn giỏi, những phim doanh thu cao cũng chỉ nằm vào tốp năm đạo diễn làm phim lâu nay. Vì thế với điện ảnh Việt, điều cần thiết nhất hiện tại là đào tạo thế hệ làm phim trẻ.

Ông DONG WON KWAK,
Tổng Giám đốc Công ty CJ CGV Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm