Chuyện dài quyền tác giả

Tiền bản quyền được tính trong hơn 10 năm, từ năm 2002 đến 2014, căn cứ theo Nghị định số 61/2002 về chế độ nhuận bút và Nghị định số 18/2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đây là lần đầu tiên, các nhà văn, nhà thơ và gia đình các cố văn thi sĩ nhận được nhuận bút, dù hầu hết khá ít ỏi so với thời gian hơn 10 năm NXB Giáo Dục sử dụng các tác phẩm trong SGK.

Thật ra từ trước tới giờ hầu hết tác giả có tác phẩm được sử dụng trong SGK đều lấy làm vui, vì nghĩ tác phẩm mình được in để dạy cho học sinh, ít ai nghĩ đến chuyện đòi nhuận bút. Nhưng cũng may, với sự quyết liệt của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam thay mặt các nhà văn, nhà thơ đứng ra “đòi nợ” nên nay mới được có chút tiền nhuận bút như một sự an ủi!

Nhân nói chuyện nhuận bút và quyền tác giả văn học, tôi chợt chạnh lòng khi nghĩ đến những tác giả lớn đã quá cố, tác giả của hàng trăm đầu sách biên khảo, nghiên cứu, dịch thuật, như các học giả Nguyễn Hiến Lê, Hoàng Xuân Việt, nhà phong tục học Toan Ánh… Trong một thời gian dài, nhiều tác phẩm của các cụ bị xào nấu, chiếm dụng dưới nhiều hình thức. Đặc biệt sách của cụ Nguyễn Hiến Lê bán khá chạy, số ấn bản phát hành lớn nhưng người làm sách được phép in chỉ với thư viết tay của một người bạn được cụ ủy quyền, nay cũng đã quá cố. Sách cụ Hoàng Xuân Việt cũng bị xâm phạm, “biên soạn” kiểu xào nấu lại khá nhiều mà người được ủy quyền cũng như con cháu cụ không kiểm soát được. 15 năm trước, lúc sinh tiền, còn minh mẫn, nhà văn-nhà phong tục học Toan Ánh có kể với tôi về chuyện ông giám đốc một NXB đến tận nhà cụ đề nghị mang bản thảo về xem có in được không, ít lâu ông ta trả lại, bảo không in được. Thế nhưng một thời gian sau, cháu cụ phát hiện công trình biên khảo của cụ đã được xào nấu và xuất bản với tựa khác, tên tác giả khác! Cụ Toan Ánh than: “Sao lại có người trí thức mà trí trá thế!".

Cũng chuyện bản quyền tác giả. Sáng 26-8 vừa qua, Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VH-TT&DL phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam tổ chức buổi tọa đàm Quyền tác giả trong lĩnh vực xuất bản”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của đại diện các NXB, các công ty sách tư nhân, một số đơn vị làm dịch vụ pháp lý về bản quyền. Các bên tham dự nhất trí sẽ thành lập một trung tâm tác quyền sách, bước đầu có thể sẽ do Hội Xuất bản đứng ra thành lập. Với các gợi ý này, sẽ còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa các ý tưởng bảo hộ quyền tác giả. Rất mong quyền tác giả sách sẽ được tôn trọng triệt để - trong đó có các tác giả ở miền Nam trước năm 1975 nay đã quá cố hoặc sinh sống ở nước ngoài.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm