Chuyện đặt tên đường

Rất mừng vì danh tướng Phạm Tu, vị khai quốc công thần triều Tiền Lý, được coi là ông tổ họ Phạm - có tên bổ sung đợt này. Cũng rất vui khi có tên nhân vật lịch sử đương đại là cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và cố GS-TS Trần Văn Khê, cùng sự kiện ngày 30-4 (năm 1975).

Trước tiên xin góp ý: GS-TS Trần Văn Khê là một danh nhân văn hóa chứ không phải là nhân vật lịch sử; còn ngày 30-4-1975 là một cột mốc lịch sử chứ không phải là sự kiện lịch sử như trong báo cáo Sở viết. Đại thắng mùa xuân 1975 mới là sự kiện lịch sử.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Quốc hội ra nghị quyết đổi tên Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM (2-7-1976) và bổ sung quỹ tên đường đợt này, tôi xin có vài góp ý về việc đặt tên đường. Ai cũng thấy đã có nhiều bất hợp lý trong việc thay đổi một số tên đường cũng như đặt tên đường mới ở TP.HCM ngay sau ngày thống nhất. Và nhất là từ sau khi có nghị quyết đặt tên TP.HCM, hàng loạt tên đường đã được (hay bị) thay đổi vội vã thiếu tham khảo những nhà chuyên môn. Tôi nghĩ đó là do duy ý chí, giống việc sáp nhập hàng loạt tỉnh sau ngày thống nhất, mới có yếu tố “thiên thời” mà còn thiếu hai yếu tố “địa lợi” và “nhân hòa”, nên một thời gian sau lại lần lượt tách ra và phục hồi tên cũ, không những tốn kém nhiều tiền của nhân dân mà còn tạo biết bao rắc rối, phiền hà về hộ tịch cho người dân những tỉnh tách nhập này.

Cũng vậy, việc thay đổi tên một số đường ở TP sau ngày thống nhất cũng gặp một số vấn đề tương tự. Xin nêu vài vụ việc: Như đường Phan Đình Phùng thuộc quận 1 và quận 3 bị xóa tên, đổi thành Nguyễn Đình Chiểu. Đáng nói là cụ Phan là một nhà ái quốc, nguyên là quan ngự sử đã từ quan lên núi Vụ Quang lập chiến khu chống Pháp theo lời kêu gọi của nhà vua yêu nước Hàm Nghi. Cụ Phan là linh hồn của phong trào Cần Vương cho đến hơi thở sau cùng. Cái “tội” của cụ có lẽ là đã từng làm quan triều Nguyễn! Còn nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu vốn trước đó đã được đặt tên cho một con đường nối từ quận 1 sang quận 3 rồi (nay là đường Trần Quốc Toản). Một thời gian sau, có lẽ được “xem xét lại” nên tên cụ Phan Đình Phùng được “phục hồi” và đặt cho một đoạn được cắt từ đường Nguyễn Kiệm ở Phú Nhuận (vốn trước kia là đường Võ Di Nguy). Hoặc trường hợp đường Nguyễn Hoàng, vị chúa có công đầu mở cõi về phương Nam của dân tộc, đã bị xóa tên (có lẽ vì ông là cao tổ của Nguyễn Ánh - Gia Long. Sao tổ tiên lại phải chịu trách nhiệm về những tội lỗi - nếu có - của cháu chắt chít nhiều đời sau?). Còn biết bao tên đường bị dời tới dời lui, như đường Trương Minh Giản, nay là một đoạn Lê Văn Sỹ, được dời qua Gò Vấp. Đường Thoại Ngọc Hầu, nay là đường Phạm Văn Hai (Tân Bình), được dời về Tân Phú…

Việc thay đổi, đặt tên đường liên quan mật thiết tới vấn đề hộ tịch - rất quan trọng đối với người dân. Nó cũng thể hiện nét văn hóa của một TP. Nhiều tên đường ở Sài Gòn trước năm 1975 có những đặc điểm khá thú vị. Ví dụ khu trung tâm quận 3 tập trung tên các danh nhân văn hóa, nhà văn, nhà thơ như: Ngô Thời Nhiệm, Lê Quý Đôn, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm (sau năm 1975 đổi thành Trương Định - nối dài - bởi ở quận 1, bên kia Công viên Tao Đàn đã có đường Trương Công Định, sau được chỉnh lại là Trương Định). Hoặc khu Tân Định (quận 1) tập trung hầu hết tên danh tướng và tôn thất nhà Trần, như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khắc Chân (tên viết đúng của ông phải là TrầnKhát Chân)… Nhưng cũng có những vấn đề bất hợp lý. Ví dụ đã có đường Thoại Ngọc Hầu lại còn có đường Nguyễn Văn Thoại (hai người là một), sau năm 1975 được đổi thành Lý Thường Kiệt rất hợp lý…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.