Cô gái Việt mét rưỡi ấn tượng trên sân khấu Mỹ

Nghệ sĩ gốc Á được chọn vào vai diễn trong các vở nhạc kịch ở các sân khấu broadway New York (Mỹ) vốn đã ít và nghệ sĩ gốc Việt như Bích Vân lại càng hiếm hoi.

“Một giọng nữ đẹp nhất tôi từng nghe”

Với khán giả trong nước, cái tên Nguyễn Bích Vân vẫn khá xa lạ khi cô chỉ vừa mới làm quen khán giả bằng album đầu tay mang tên Kiếp nào có yêu nhau phát hành vào cuối tháng 3 vừa qua. Nhưng với những khán giả đã xem các chương trình ca nhạc ở hải ngoại thì Bích Vân có lẽ là cái tên hơi… quen quen bởi là một gương mặt trẻ nhưng có giọng hát đầy xúc cảm với những ca khúc Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Cung Tiến… Và với những khán giả từng nghe nhiều nhạc thánh ca thì cái tên Bích Vân càng quen hơn nữa bởi ngoài hát thánh ca, Bích Vân còn là tác giả của rất nhiều ca khúc nhạc thánh: Thay đổi (bài hát đầu tay), Tổ ấm, Thiên sứ, Lời Ngài

Nhưng không chỉ là những ca khúc nhạc thánh, nhạc trữ tình như trên, tại Mỹ với khán giả bản xứ, cô là một trong những giọng hát gốc Việt được yêu thích trong dòng nhạc thính phòng. “Bích Vân có một giọng nữ cao đẹp nhất mà tôi từng nghe. Một tài năng âm nhạc đích thực, rất chuyên nghiệp và tôi rất vui khi làm việc cùng cô” - đạo diễn Tim Nelson của vở The King and I đã từng nói như thế về Bích Vân. Hay như lời của Sean Buhr (nam ca sĩ, diễn viên người Mỹ và cũng là người bạn thân thiết của Bích Vân trong những ngày học chung thạc sĩ chuyên ngành nhạc kịch tại ĐH New York) thì: “Cô ấy làm việc cực kỳ chăm chỉ, luôn hết mình với mọi người, với người hâm mộ. Một trong những giọng hát điêu luyện nhất tôi từng nghe. Và là ca sĩ hay nhất tôi từng cộng tác”.

Có thể nói Bích Vân là một trong những nghệ sĩ Việt Nam hiếm hoi thành công trên sân khấu nhạc kịch gồm cả nhạc kịch hiện đại (musical) và cổ điển (opera) tại Mỹ. Thế nhưng để được thành công như đang có với Bích Vân là điều không dễ dàng.

Bích Vân cho biết nghệ sĩ gốc Á rất khó có cơ hội thành danh trên sân khấu nhạc kịch ở Mỹ. Ảnh: VŨ NHẬT DUY ANH

Thạc sĩ xuất sắc trường nhạc kịch Mỹ

Từ ngày năm tuổi, Bích Vân đã được mẹ cho học mandolin, 10 tuổi bắt đầu với cây piano và tham gia hát trong các chương trình văn nghệ. Nhưng cho đến thời sinh viên, với giải nhất tại cuộc thi Tiếng hát sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM thì: “Ca hát lúc đó thật sự là yêu thích nhưng với Vân vẫn là cuộc dạo chơi” - Bích Vân chia sẻ. Đó là thời gian Bích Vân chưa tự tin khẳng định mình sẽ đi trên con đường làm nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cô vẫn còn học song song, vừa ngành thanh nhạc ở Nhạc viện TP.HCM và vừa học để lấy… một cái nghề ở khoa Mỹ thuật công nghiệp ĐH Kiến trúc TP.HCM. Đang hai chân trên hai con đường thì Bích Vân cùng gia đình định cư tại Mỹ. “Đến Mỹ thì buộc lòng mình phải lựa chọn. Nhiều lúc Vân muốn thụt lùi bởi cuộc sống nghệ sĩ khá bấp bênh. Ba mẹ Vân luôn ủng hộ nhưng gia đình lớn lại lo lắng nhiều lắm! Nhất là giai đoạn đầu mới sang, thay đổi môi trường sống đã khó, mình phải học mọi thứ từ đầu…” - Bích Vân kể.

Nhưng rồi Bích Vân đã quyết định theo học cử nhân chuyên ngành thánh nhạc cổ điển tại The Bob Cole Conservatory of Music thuộc ĐH California State (CSU). Sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục theo học thạc sĩ chuyên ngành biểu diễn nhạc kịch tại ĐH New York (NYU) với mục đích muốn làm gì cũng phải có nền tảng vững vàng trước. Tại NYU, Bích Vân đã được giữ lại trường để giảng dạy về thanh nhạc. Trong hai năm giảng dạy tại NYU cũng là hai năm để Bích Vân tiếp tục chọn lựa con đường đi hay ở với kiếp cầm ca. Và rồi Bích Vân đã chọn ở lại với ánh đèn sân khấu…

Vượt 400 người để được chọn vai

Hỏi Bích Vân sao nghe con đường âm nhạc của Vân có vẻ nhẹ nhàng, cô kể: “Thật ra không hề dễ. Cái khó lớn nhất chính bởi tôi là người gốc Á mà lại nhỏ con. Nhạc kịch hầu hết viết cho những người bản xứ hoặc Âu châu nên mỗi lần thử vai rất khó khăn. Trong 100 vở nhạc kịch ở Mỹ thì chỉ có chưa đến 10 vở có thể có vai cho người châu Á. Trong 10 vở đó thì có những vở cũng đòi hỏi vóc dáng cao lớn. Tôi vốn nhỏ bé nên khi thử vai, chỉ việc đơn giản như thử phục trang thì tôi đã không vừa. Mình đâu phải ngôi sao lớn để người ta chịu may cho mình một bộ đồ mới…”.

Không chỉ khó khăn ở bộ đồ, theo lời Bích Vân thì mỗi vở nhạc kịch khi chọn vai diễn mới đều thông báo tuyển diễn viên. Và vòng sơ tuyển này có khi kéo dài đến hai, ba ngày bởi người đăng ký có khi lên đến 300-400 giọng ca thử cho một vai diễn. “Khi đến thử vai diễn, hiển nhiên mình đã phải thuộc hết tất cả vai diễn của mình, khi đến thử coi như chỉ đến để người ta chọn và chỉ dẫn vị trí xuất hiện trên sân khấu mà thôi” - Bích Vân kể thêm.

“Mình cố chăm chỉ để bù lại cái mình không có, như chân mình không dài thì lấy giọng hát và diễn xuất bù lại, mình hy vọng mình lăn xả hiện tại để 10 năm sau ở sân khấu broadway New York, cái tên Bích Vân sẽ khác xa hơn…” - Bích Vân nói đầy hy vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm