Cuối năm đi hái “lộc” rừng

Được “chỉ điểm” trước, chúng tôi lần đến nhà chị Hà Thị Chiên và chị Lương Thị Miền, đều là người dân tộc Thái, ở bản Ba, xã Ban Công (huyện Bá Thước)- hai người phụ nữ được mệnh danh là “thợ” lấy lá dong chuyên nghiệp.

Ba giờ sáng, khi sương đêm còn dày đặc, cái lạnh vẫn bao trùm nơi khắp bản hai chị Chiên, Miền đã lục đục dậy chuẩn bị gùi, dao và một gói xôi to để lên đường vào rừng hái lá dong. "Từ đây lên đến núi Pha Nọi, Pu Mới lấy lá dong phải đi khoảng 7 km đường đồi núi, nên chúng ta phải đi sớm, đến chiều tối mới kịp về mà không giảm năng suất. Mỗi người lấy được khoảng 3.000 lá dong cũng phải hết 12 giờ đồng hồ lao động cật lực trên núi đấy. Đường rừng núi gian nan, cán bộ có đủ sức đi không?"- chị Miền lo ngại cho tôi.

Miệt mài theo chân các chị chừng hai giờ đồng hồ chúng tôi bắt đầu đuối sức. Đường chỉ thấy dốc tiếp dốc. Những mỏm đá tai mèo lởm chởm, sắc nhọn, mưa xuân làm đất đặc quánh dưới chân… Tất cả như muốn níu chân, "thử sức" chúng tôi.

Chị Hà Thị Chiên và chị Lương Thị Miền, ở bản Ba, xã Ban Công, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đang hái lá dong.
Chị Hà Thị Chiên và chị Lương Thị Miền, ở bản Ba, xã Ban Công, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đang hái lá dong.

Dọc đường, tôi gặp hàng chục người đang nhằm hướng núi Pha Nọi, Pu Mới đi tới, ríu rít trò chuyện. Chị Chiên cho biết: "Cũng người bản ta và bản Tôm đi lấy lá dong cả mà. Phần lớn các gia đình nơi đây có được cái tết cổ truyền tươm tất, đầy đủ là nhờ lá dong đấy"

Vào tháng Chạp hàng năm, xã Ban Công có tới hàng trăm người lên rừng hái lá dong cung cấp cho thị trường miền xuôi. Năm ngoái, lá dong có giá từ 40- 45.000 đồng/1.000 lá. Mỗi người lấy được khoảng 2.000- 3.000 lá/ngày, nên thu nhập trong tháng cũng khá cao. Năm nay, theo các chủ thu mua cho biết, giá lá dong sẽ cao hơn nên bà con lại càng cố để kiếm tết.

Sau bao vất vả, cuối cùng, chúng tôi cũng “về đích”. Giữa lưng chừng núi Pha Nọi, Pu Mới hùng vĩ, cả một rừng lá dong xanh mướt mọc chen nhau dọc các con suối Cú, Pá Púa, Nghép. "Lộc" của rừng xanh tặng cho đồng bào miền núi, vùng cao cái tết cổ truyền tươm tất là đây.

Trong khi chúng tôi còn “bận” thở dốc và dưỡng sức thì chị Miên đã luôn tay hái từng chiếc lá to, phẳng bỏ vào gùi. Theo người dân địa phương cho hay, lá dong rừng có hai loại là: Toong Chiêng- tiếng Thái là lá rất to, nhưng màu không được xanh, khi gói bánh chưng không có mùi thơm của lá và Toong Tản- lá dong nhỏ hơn, màu lá xanh mướt. Đây là loại lá dong luôn được thị trường ưa chuộng, có chiều rộng từ 22- 25 cm, dài 50- 60 cm, bởi nó vừa vặn với khuôn bánh chưng. Chị Chiên “bật mí”: Bánh chưng được gói bằng loại lá này, khi luộc chín màu lá vẫn xanh. Ruột bánh cũng có màu xanh của lá, rất thơm, ngon và đậm mùi hương của núi rừng. Vì vậy, loại lá dong này năm nào cũng "đắt hàng", đặc biệt tại các nhà hàng lớn chuyên làm bánh chưng để bán luôn là nơi tiêu thụ lá ổn định.

Lá dong được bày bán dọc tuyến quốc lộ 15A trên địa bàn huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa).
Lá dong được bày bán dọc tuyến quốc lộ 15A trên địa bàn huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa).

Chia tay với đồng bào Thái ở xã Ban Công, chúng tôi tiếp tục "thượng sơn" để đến với đồng bào Mông ở các xã Pù Nhi, Tam Chung, Trung Lý (Mường Lát). Bà Thao Thị Dia, ở bản Na Tao (Pù Nhi) hồ hởi: "Gần đến tết cổ truyền, người Mông chúng tôi năm nào cũng lên khu vực rừng sâu lưng chừng núi Pha Đén hái lá dong để bán. Mỗi ngày có hàng trăm người vào rừng hái lá dong cung cấp cho các thương lái thu mua mang về xuôi".

Được biết, vào những ngày cuối tháng Chạp này, tại các huyện miền núi xứ Thanh, mỗi ngày xuất bán hàng trăm nghìn chiếc lá dong, cung cấp không những cho thị trường các huyện miền xuôi trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh Hà Tây, Thái Bình, Nam Định, TP Hà Nội... Sau những gùi lá dong nặng trĩu trên vai đưa xuống chợ huyện để bán, đồng bào các dân tộc nơi đây lại phấn khởi mua sắm hàng tết. Nào là bộ quần áo mới cho con, vài tờ lịch tết sặc sỡ màu sắc, chai rượu màu, túi bánh kẹo, đôi dép mới... đem từ dưới xuôi lên. Có những gia đình như nhà chị Phiên còn "dành dụm tiền bán lá dong để tết này mua được chiếc ti vi mầu về xem các chương trình tết".

Sau những ngày rong ruổi cùng đồng bào vùng cao xứ Thanh đi hái lá dong rừng, khi chúng tôi "hạ sơn" thì cũng là lúc hàng chục chiếc xe tải chất đầy lá dong, kèm theo vài cành đào núi đang hối hả nhằm hướng về xuôi. Tết đã đến thật rồi!

AN BÌNH - (Theo Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm