Đẳng cấp nghệ sĩ-“con hát”

Tôi đã rất thân thiết với các nghệ sĩ Hồ Quang Hưng (nhóm rock Little Wings), Hà Okio (rapper), Mai Khôi (nữ ca sĩ/sáng tác) và thấy rằng để giữ được là họ - tức là giữ được hình ảnh một nghệ sĩ underground đúng chất, họ đã phải hy sinh nhiều điều. Chấp nhận sống khổ hơn người cùng thời, chấp nhận ít tiếng tăm hơn, chấp nhận lùi lại và thậm chí biến mất nếu không tìm được đất lành. Với tất cả những hy sinh ấy, họ được đền đáp không nhiều, chỉ được cái “tiếng” nghệ sĩ. Nghệ sĩ đúng nghĩa.

Tâm thế underground

Để trở thành và nhất là để giữ được mãi là một nghệ sĩ underground, nhất thiết phải có một tâm thế underground. Họ phải nuôi được ngọn lửa sáng tạo trong tâm cháy đỏ mãi, sáng tạo và cống hiến không mệt mỏi, không cần đền đáp, bất cần sự nổi tiếng, không chiều theo thị hiếu dù là thị hiếu của một công chúng hẹp. Nghệ sĩ dẫn đường công chúng, khiến người ta mê mình chứ không chạy theo đuôi quần chúng.

Tâm thế underground là phải có một nghề nuôi thân, kiếm sống vững vàng, để việc hát/việc làm nghệ sĩ chỉ còn là gánh nặng của chính nó: Gánh nặng của nỗ lực tiến bộ, gánh nặng nuôi lửa, gánh nặng sáng tạo không ngừng nghỉ. Nghệ sĩ không lấy việc hát, việc lên sân khấu, việc nổi tiếng làm phương cách mưu sinh.

Đẳng cấp nghệ sĩ-“con hát” ảnh 1

Hoàng Anh (trái), Nguyên Hà. Ảnh: QUỐC BẢO

Bản chất nghệ sĩ là không thỏa hiệp, ngay cả với bản thân mình, với những gì mình đang làm. Bản chất nghệ sĩ là đào thoát khỏi những hình mẫu, như vậy dứt khoát là mâu thuẫn với quan niệm thị trường giải trí, nơi tạo ra nhiều hình mẫu na ná nhau.

Hát không khoa trương

Ngoài những gương mặt trẻ nêu trên, gần đây xuất hiện hai gương mặt trẻ là Hoàng Anh và Nguyên Hà.

Hoàng Anh (SN 1991), sinh viên khoa Quản lý nghệ thuật ĐH Văn hóa, quê Vũng Tàu. Quán cà phê sinh viên The Journey bên Phú Nhuận, khách ngồi kín cũng chưa đến 50 người. Nhiều giọng hát tôi nghe lần đầu, họ lại không hát những bài quá quen thuộc. Hoàng Anh là một gương mặt ấn tượng hôm đó: Cô ít tuổi nhất, mặc áo đầm đen đi ủng đen, đứng hát mà mặt lạnh như tiền, lại toàn hát bài lạ. Cô gái 20 tuổi này hát lên nghe cứ ngậm ngùi váng vất thế nào. Như thể cố sức diễn đạt một kinh nghiệm mình chưa trải. Tôi rơi nước mắt.

Hoàng Anh đang thực hiện một đĩa đơn mới mang tên Ngày. Chắc chắn sẽ khó bán nhưng nề hà gì chuyện đó. Miễn là được hát, hát không ngơi nghỉ.

Còn Nguyên Hà sinh năm 1988, tốt nghiệp khoa Quy hoạch Đô thị ĐH Kiến trúc. Tôi gặp Hà khi cô còn chưa có nghệ danh chính thức, kẻ gọi Thanh Hà (Nguyễn Thị Thanh Hà) người gọi Nguyễn Hà. Bảng đề trước cửa quán, mỗi chỗ ghi mỗi kiểu, có khi thấy tên mà chẳng nhận ra ai. Tôi nhắn Hà, em đến phòng thu, anh đang làm mấy bài hát mới. Hà đến, đi xe Cub màu vàng chanh, răng kẹp, tóc ngắn con trai, hồn nhiên ngồi chơi với ban nhạc suốt buổi. Hát không tăng âm, mà giọng sáng tươi đầy đặn. Hát chẳng làm dáng, mà nhịp phách và nhạc cảm đều hoàn hảo. Hát như chơi. Cả ban nhạc đều thích. Hà lại vô tư, hòa đồng, nói kiểu Sài Gòn thì là người dễ chơi.

Hà hát hay đến độ album Hà làm xong từ lâu, giấy phép phát hành đã có mà tôi còn muốn viết thêm, bổ sung vào. Ở những bài mới, Hà tập vài ngày là thu được. Hát thật nhanh, hát nhẹ nhàng giản dị. Một góc tim hồng - bài tưởng niệm tôi tặng vong linh một thiếu nữ vắn số, Hà hát đầy thương yêu. Hoàng Hoa, yêu em hay Duyên, toàn nhạc blues khó, Hà tập nhẹ như không. Mưa gió bão bùng, chẳng nề hà, lúc nào cũng đúng hẹn. Cảm nhận bài rất đúng, sâu, đầy hồn vía. Địa Đàng, album đầu đời của Hà, chẳng bao lâu nữa sẽ hoàn tất. Và sẽ thật lâu nữa, mới có thêm một Nguyên Hà khác, tôi dám chắc.

Họ là những nghệ sĩ.

Nhiều người mới chớm giàu đã không còn là nghệ sĩ nữa

Thiếu gì người làm giàu nhanh chóng khi đang là một nghệ sĩ underground đầy cá tính và chỉ mới chớm giàu thì họ đã không còn là nghệ sĩ nữa. Họ trở thành bất kỳ một khái niệm nào: Người nổi tiếng, nữ hoàng, ngôi sao, chỉ thiếu tấm huy chương âm thầm nghệ sĩ mà họ đã vứt mất và giờ có dùng bao nhiêu tiền cũng chẳng mua nổi.

Nhạc sĩ QUỐC BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm