Đến Bát Nhã, có An Lạc!

Thời kỳ tiền bạc còn rủng rỉnh, bạn dễ dàng đi du lịch, đến các trung tâm giải trí để xả stress. Nhưng hiện nay, một số người có xu hướng tìm kiếm một chốn để trở về với bản thân, làm mới chính mình, nhờ đó có thêm sức mạnh tinh thần hầu vượt qua giai đoạn khó khăn. Và vì thế, ngày càng có nhiều người đến Bát Nhã để có an lạc…

Tìm “an” cho tâm…

Bát Nhã, thực ra, là một tu viện ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Toạ lạc trọn vẹn trên một quả đồi lớn, có dòng suối Tiên bao quanh, nước chảy quanh năm mát rượi, tu viện là nơi thường tổ chức các khoá tu cho khách thập phương đến thực tập theo giáo pháp “hiện pháp lạc trú” của đạo Phật. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những vị thầy có công lớn xây dựng nên Bát Nhã ngày nay.

Đến Bát Nhã, có An Lạc! ảnh 1

Rời thành phố nóng nực, ồn ào và chật chội, vừa đặt chân lên Bát Nhã, bạn sẽ được khí trời trong lành và dịu mát của vùng cao nguyên ôm ấp. Những nếp cơ bị dồn ép khi ngồi trên xe suốt năm tiếng đồng hồ được giải phóng. Tâm lý của bạn dù đang mệt mỏi đến đâu cũng sẽ được thiên nhiên nơi đây xoa dịu.

Ngoài không khí se lạnh dịu dàng, nước ở Bát Nhã trong và mát vô cùng. Khi rửa mặt đến đâu, bạn sẽ tỉnh ra đến đấy. Các toà nhà của tu viện thấp thoáng giữa những rặng thông non mới nhú mơn mởn, những rặng chè xanh tít tắp thoang thoảng mùi thơm.

Ban ngày, vào mùa hè này, ve thi nhau cất tiếng hát rộn ràng. Đêm đến, bầy dế tíc tíc gọi bầy như một dàn giao hưởng tự nhiên. Gánh nặng về cuộc sống bon chen như được tạm gửi ở trước thiền môn, nhường cho cảm giác nhẹ nhàng, quay về với thiên nhiên, lắng nghe bản thân mình.

Thiên nhiên là một ưu đãi trời ban cho Bảo Lộc, nhưng những tu sĩ nơi đây mới làm nên cái “hồn” cho Bát Nhã. Đến thăm tu viện, bạn sẽ được quý sư thầy, sư cô đón tiếp nhiệt tình như những người bạn lâu năm gặp lại. Nụ cười bình yên luôn nở trên môi của những người mặc áo nâu sồng.

Bạn sẽ được hướng dẫn tập ngồi thiền, tập lắng nghe hơi thở, tập thiền buông thư để thả lỏng cơ thể hoàn toàn và tập thiền hành để cảm nhận mình trên từng bước chân. Khi hơi thở của bạn được lắng nghe, cái tâm của bạn không còn chộn rộn nữa (“tâm viên, ý mãn” mà). Lúc mỗi bước chân bạn hoà cùng nhịp với hơi thở, bạn cảm thấy mình thật hạnh phúc khi còn một cơ thể khoẻ mạnh để cảm nhận cuộc sống. Chẳng khoái lắm ư?

Đến Bát Nhã, có An Lạc! ảnh 2

Nếu còn những tâm sự nặng nề về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay những bức xúc khác, bạn sẽ được sẻ chia từ những người tu hành có nhiều năm kinh nghiệm tu tập. Sau đó, cảm giác ấm áp, yên lành sẽ quay về trong tâm trí bạn. Ở Bát Nhã, những buổi nói chuyện đó được gọi là “tham vấn”.

Từng “dấn thân” vào trong khổ ải để chia sẻ và vực dậy tinh thần của con người nên các sư thầy, sư cô có nhiều kinh nghiệm tu tập thực tế để chia sẻ. Vào đây bạn sẽ thấy đạo Phật ở một góc nhìn khác, không chỉ có ăn chay niệm Phật mà còn có những quan điểm rất rõ ràng về những niềm tin từ trước đến giờ: tử vi, bói toán, tục đốt giấy vàng mã, tục phóng sanh,… Sư thầy, sư cô cũng “hiện đại” lắm, cũng thảo luận sôi nổi về những vấn đề đang được xã hội quan tâm như tình trạng trái đất ấm lên, xu hướng nghiện games của giới trẻ...

Bạn được yêu cầu tắt điện thoại di động trong suốt thời gian ở Bát Nhã để sự cảm nhận bản thân được trọn vẹn. Không lo lắng khi nghe điện thoại giữa đêm, không lo lắng khi bị ai đó “dí”, cũng chẳng đọc báo, nghe đài, đầu óc bạn trở nên bình yên đến là lạ, nhường chỗ cho những suy nghĩ chín chắn hơn về cuộc đời. Căng tầm nhìn cuộc đời lên 30 – 40 năm, mọi thứ bỗng thành đơn giản. Thế nên, làm sao bạn còn lo lắng nữa? An cho tâm, chỉ đơn giản thế thôi!

… và “lạc” cho thân

Người xưa hay nói, “ăn được, ngủ được là tiên”. Ở thành phố, nhiều khi bạn ăn không ngon, ngủ không yên vì đầu óc quá bận rộn suy nghĩ quẩn quanh chuyện cơm, áo, gạo, tiền mà quên đi sự thưởng thức những cái “khoái” nhất của con người. Lên đây rồi, nhà chùa chỉ có cơm chay đạm bạc, mỗi lần ăn lại phải xếp hàng chờ “khất thực”, ăn chỉ đúng ba bữa một ngày, khi ăn lại không được nói chuyện, cười đùa.

Vậy mà nhiều em bé ở thành phố chán ăn lên đây lại ăn rất ngon lành, không chờ cha mẹ nài ép. Ngẫm lại, những quy tắc ăn uống này lại rất phù hợp cho sức khoẻ: ăn đúng giờ nên không hại dạ dày, nhai rất kỹ nên bao tử làm việc cũng nhẹ nhàng, không nói chuyện khi ăn nên máu dồn xuống phục vụ tiêu hoá. Bữa ăn nhờ đó mà được làm trọn nhiệm vụ của nó. Chữ ăn được viết tròn vành, rõ chữ.

Bên cạnh những bữa ăn trong “chánh niệm”, bạn còn được hưởng những giấc ngủ bình yên. Nhà khách Bát Nhã rất tươm tất và sạch sẽ. Tu viện không thiếu chăn ấm cho tri khách. Đêm Bát Nhã sương giăng giăng, lành lạnh. Quấn mình trong chăn ấm, nghe tiếng dế kêu văng vẳng trong không gian tĩnh mịch, giấc ngủ ngon chỉ có thể là người đồng hành cùng bạn trong đêm. Cảm giác có được một đêm ngủ thẳng giấc thật tuyệt khi so với thành phố nóng nực, ồn ào, không tiếng rè rè của quạt máy thì cũng tiếng rù rì của điều hoà.

Đến Bát Nhã, có An Lạc! ảnh 3

Ở Bát Nhã, bạn có thể làm những thứ mà ở thành phố có thể bị coi là lạ lùng, chẳng hạn, đi thiền hành. Bạn không cần phải gấp gáp, vội vàng. Ở đây, bạn được khuyến khích tập những bước chân chậm rãi, vững chãi, cảm nhận mình trong từng bước đi. Khi có tiếng kẻng hay bất kỳ tiếng chuông nào, kể cả chuông đồng hồ báo giờ, ai ai cũng dừng lại để thở vào, thở ra. Mình đang thở tức là mình đang sống, được cảm nhận bằng tất cả cảm quan.

Chao ôi là hạnh phúc! Tập thiền buông thư cũng là một trải nghiệm thú vị. Bạn nằm xuống, thả lỏng toàn bộ cơ thể, chỉ để suy nghĩ lắng nghe tiếng hát, tiếng ru nhẹ nhàng của sư cô. Nằm nghỉ mà không ngủ, nhưng đến khi tỉnh lại, bạn thấy người mình thật khoẻ, thật tươi mới. “Thân” được chăm như thế, làm sao không “lạc” cho được?

Hành trang đem về

Tham dự một khoá tu ở Bát Nhã khoảng 3 – 4 ngày, bạn được hoàn toàn sống trong một thế giới mà mình là trung tâm, thay vì thân tâm chạy theo cuộc sống nhộn nhịp ở thành phố. Nếu là một doanh nhân hay một người đi làm, bạn sẽ cảm nhận sự tươi mới, điềm tĩnh hơn và thêm sức mạnh tinh thần để thực hiện mục tiêu của đời mình.

Là một học sinh, sinh viên, bạn biết những phương pháp thực tập để cơ thể khoẻ mạnh, học tập tốt hơn và biết cách điều phục tâm lý. Và dù là ai, bạn cũng sẽ cảm thấy yêu đời hơn, quý bản thân hơn và dành sự quan tâm đúng mực cho cơ thể. Xin mượn câu nói của sư ông để kết thúc: “Không có con đường dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc là con đường!”.

Theo TRẦN DUY KHIÊM-THU HIỀN - (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm