Điểm sáng hậu trường sân khấu về khuya

Viện dưỡng lão nghệ sĩ do NSND Phùng Há đề xuất thành lập và được Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khuyến khích thực hiện đã khánh thành vào năm 1998. Viện nằm sâu trong một con hẻm của đường Âu Dương Lân (quận 8), là nơi một số nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn gửi gắm phần đời còn lại. Sau một thời huy hoàng, lấp lánh với hào quang sân khấu, giờ đây họ sống lặng lẽ, không người thân, niềm an ủi duy nhất là những người bạn già đồng cảnh ngộ.

Những tên tuổi “Vang bóng một thời”

Khu dưỡng lão có tất cả 21 nghệ sĩ đều trên 60 tuổi và có thâm niên nghề hơn 40 năm. Có người còn hoạt động trong nghề hơn 60 năm như nghệ sĩ Văn Ngà. Ông đã bắt đầu nghiệp diễn của mình từ những năm 30 của thế kỷ trước. Vai diễn gần đây nhất là Thái thú Tô Định trong vở Tiếng trống Mê Linh. Bên cạnh đó là những tên tuổi từng nổi tiếng một thời: Trường Sơn, Lệ Thẩm, Ngọc Đáng, Thanh An, Thiên Kim...

Nghệ sĩ Thiên Kim tham gia gánh hát từ năm 13 tuổi với những vai đào con và lớn lên cùng gánh hát trở thành đào chánh. Bà sống với người mẹ kế cay nghiệt. Có những lần mẹ kế dẫn Thiên Kim ra vườn xa nhà để đánh bằng roi mà bắt phải cười, không được khóc. Không biết có phải vì tuổi thơ đầy nước mắt mà Thiên Kim diễn rất đạt những vai bi, lấy không ít nước mắt của khán giả. Từng bị thương khi diễn vở cải lương Lấp sông Gianh. (Vở tuồng này mượn chuyện quá khứ để đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Genève, chính quyền Ngô Đình Diệm cho mật thám ném lựu đạn lên sân khấu làm nhiều người bị thương và ba người chết). Đến bây giờ trong người bà vẫn còn những mảnh đạn chưa được lấy ra. Trong viện còn có nghệ sĩ cải lương Thanh An với những vở diễn để đời: Khi rừng mới sang thu, Chiều lạnh tuyết Băng Sơn, Tiếng súng một giờ khuya... Ông vẫn còn một nỗi băn khoăn về một cô sinh viên chưa biết tên (giờ có thể đã lên chức bà) luôn dõi theo từng đêm diễn của ông, thường xuyên viết thư bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ và còn viết bài ca cho ông biểu diễn.

Cũng có người không phải là nghệ sĩ nhưng gắn bó với sân khấu cả đời như bà Tám Lang. Mê cải lương đến độ trốn nhà theo gánh hát từ năm 13 tuổi, tận tụy với công việc giữ đồ, lang bạt qua các gánh Kim Thanh, Kim Chưởng, Thúy Nga... Lúc về già tứ cố vô thân, bà may mắn được nương nhờ vào viện dưỡng lão này, sống gắn bó với những nghệ sĩ như thuở trước đây.

Tuổi xế bóng cô quạnh

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng điểm chung của tất cả các nghệ sĩ ở đây đều nghèo và sợ làm phiền con cháu. Nghệ sĩ TK tâm sự suốt đời bà đi diễn lo cho mẹ và các anh em trong nhà có được cuộc sống đủ đầy. Đến khi có con cái, bà cũng đi diễn biền biệt, thỉnh thoảng mới về thăm con, còn lại là gửi tiền về cho bà ngoại lo cho các con. Có năm người con nhưng gia cảnh không khá giả, bà lại là người hay tự ái, nên “Vào đây sống không ai nói đụng chạm gì cho thanh thản”. Khi tôi hỏi những đứa cháu có biết mặt bà không bà thản nhiên: “Biết chớ, mình hay đóng phim, ba má nó chỉ trên tivi thì nó cũng biết!”. Thật đau lòng người nghệ sĩ, có con đàn, cháu đống mà cháu chỉ biết mặt bà qua tivi.

Lão nghệ sĩ Thanh An thì chân thật: “Hồi đó tui kiếm cũng bộn tiền nhưng mà kiếm nhiêu tiêu hết nhiêu, không biết để dành”.

Nghệ sĩ Kiều Thu không cần đến sân khấu, khán giả, chỉ cần ra sân ca cho nhau xem cũng đã hạnh phúc lắm rồi.

Điều mà các nghệ sĩ mong chờ nhất là những đêm rằm hàng tháng. Ban ái hữu nghệ sĩ dựng lên một sân khấu nhỏ với đầy đủ trang thiết bị âm thanh, ánh sáng để các nghệ sĩ biểu diễn thỏa nỗi nhớ nghề. Khán giả là những câu lạc bộ khác đến giao lưu, người dân địa phương. Không khí của viện rộn rịp trước đêm rằm cả tuần, cũng bàn nhau diễn vở gì, rồi tập dượt, có khi chế ra tuồng mới, rồi lo nghĩ phục trang... Công tác chuẩn bị không khác thời còn đi diễn là mấy. Thật ra những nghệ sĩ còn sức để hát chỉ vỏn vẹn bốn người: Thanh An, Kiều Thu, Lệ Thẩm, Lệ Thu. Các nghệ sĩ còn lại phần già yếu, phần ốm đau, bệnh tật không hát nổi thì ngồi nghe, đắm chìm trong không khí rộn ràng như thời son trẻ. Họ quên tuổi già, tóc bạc, chỉ còn lại những Công chúa Huyền Trân, Anh hùng xạ điêu... Nghệ sĩ Thanh An mong mỏi “Được ra đi trên sân khấu để thỏa nguyện ước suốt đời gắn với nghiệp diễn”.

Một số nghệ sĩ khác thì có niềm an ủi từ việc đi đóng phim. “Đắt show” nhất là nghệ sĩ Thiên Kim. Bà đã từng đóng các vai bà vú nuôi trong Mảnh vỡ, bà quản gia trong Ngọn nến hoàng Cung, bà xẩm trong Đón con về... Và gần nhất trong phim Phát tài sẽ được công chiếu vào dịp Tết này. Còn nghệ sĩ Lệ Thẩm được khán giả quen mặt qua các vai: bà Tư trong Mùa len trâu, người đàn bà đi kiếm chồng trong Dốc tình, bà thợ may trong Ngọn nến hoàng cung, gần nhất là vai bà sơ trong Thám tử tư và một người mẹ trong Nữ bác sĩ. Tuy chỉ là những vai phụ, có vai chỉ lướt qua màn hình rồi không một lần xuất hiện lại nhưng đó là niềm vui sống lớn lao cuối đời của người nghệ sĩ.

Tình thương yêu của xã hội

Nhưng hạnh phúc nhất là mỗi khi có đoàn từ thiện đến thăm. Các nghệ sĩ vui vì thấy mình không bị lãng quên, thấy mình còn được sự quan tâm, săn sóc của cộng đồng. Họ rưng rưng nước mắt trước những cánh tay chìa ra dìu họ đi, đẩy xe lăn cho họ và những người trẻ mới biết nhau lần đầu đã gọi họ bằng cái những cái tên trìu mến: má Tám, bác Ba, dì Tư... Những đồng nghiệp đang sống yên vui cùng gia đình như Diệp Lang, Út Bạch Lan, Dịu Hiền... thỉnh thoảng ghé thăm cũng là niềm vui của những số phận quạnh quẽ nơi đây.

NSND Diệp Lang bùi ngùi nói: “Trong viện có những người là đàn anh, đàn chị đi trước tôi, có người là bạn bè thân thiết khi còn nhỏ, lớn lên là đồng nghiệp của nhau nên tình cảm rất khăng khít. Thỉnh thoảng sang thăm anh em, thấy tình cảm sâu đậm còn đó và tràn dâng niềm thương cảm cho đời nghệ sĩ hẩm hiu”.

Trà Giang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm