Điện ảnh Việt - Giấc mơ chưa trọn vẹn

Nhân vật thiếu vai để đời trong những kịch bản thiếu đột phá

Đã qua rồi cái thời mà mỗi nhân vật trong mỗi bộ phim truyện nhựa bước ra để sống một cuộc đời trọn vẹn trong lòng khán giả. Những vai diễn đến ngày hôm nay vẫn còn làm thổn thức bao con tim yêu điện ảnh như chị Tư Hậu, Dịu, Nguyễn Thành Luân… giờ chỉ còn là sự nuối tiếc và thèm muốn của những khán giả vẫn đau đáu với môn nghệ thuật thứ bảy.

Cảnh trong phim "Áo lụa Hà Đông".
Cảnh trong phim "Áo lụa Hà Đông".

Đáng ngờ, giả tạo và thường trôi tuột khỏi trí nhớ người xem và không “nhất nguyên” là ý kiến của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái. Theo bà, trong những năm trở lại đây trên màn ảnh rất ít những nhân vật thật sự ấn tượng với người xem. Đa phần nhân vật trong phần lớn các bộ phim truyện nhựa rơi vào trường hợp “khắc khoải nhị nguyên”.

Cùng một chủ đề về những nhân vật trong phim, nhà báo Tô Hoàng, một nhà báo kì cựu, người nhiều năm theo dõi sát sao mảng điện ảnh cũng như đã từng ngồi ghế hội đồng một số liên hoan phim, nhấn mạnh: “Vai diễn chỉ thực sự là vai diễn hay khi kịch bản có những nhân vật đáng gọi là nhân vật”. Cũng từ đó, ông đòi hỏi những người làm phim, những biên kịch cần có sự đào sâu hơn nữa, đầu tư hơn nữa từ những trải nghiệm để có thể khám phá được chiều sâu nội tâm cũng như tính cách nhân vật.

Phải cùng nhau "mơ" chung một giấc trọn vẹn

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thì đạo diễn và biên kịch cần phải biết “mơ” với nhau trong cùng một giấc mơ mang tên điện ảnh. Thành công hay thất bại sẽ giúp họ tốt hơn cho những giấc mơ tiếp theo. Đồng thời, ông cũng nêu quan điểm của mình là khuyến khích những đạo diễn tự viết kịch bản vì chỉ có như thế thì “một giấc mơ mới trọn vẹn”.

Cảnh trong phim "Đời cát" - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.
Cảnh trong phim "Đời cát" - Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

Bên cạnh chủ để về những vai diễn, nhân vật đang khá mờ nhạt thì vấn đề xã hội hóa các kịch bản điện ảnh cũng được mang ra mổ xẻ. Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đã có những đề tài mang tính chất xã hội cao như thế giới người mẫu, đồng tính, gái gọi v.v…nhưng những bộ phim đó chỉ mới tải được phần nổi, tức là đáp ứng được thị hiếu tò mò của khán giả và chưa thực sự mang được trong nó những giá trị sâu sắc cần có. Đó là ý kiến của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, người từng được biết đến với những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Đời cát, Người đàn bà mộng du.

Bên cạnh việc những đề tài mang tính chất xã hội chưa thực sự đáp ứng được sự mong mỏi thì những bộ phim đang được coi là thành công như Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Mùa len trâu... lại đều đề cập đến vấn đề mang tính lịch sử. Lịch sử chỉ có một nhưng cách hiểu, cảm nhận và chuyển tải bằng một tác phẩm điện ảnh thì vẫn cần có sự sáng tạo, và đảm bảo được tính chân thực của lịch sử. "Chính những sự sáng táo với các đề tài lịch sử còn giúp những người làm công tác nghiên cứu lịch sử nhận thức sâu sắc hơn" - Đó là ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc.

"Chuyện của Pao" - Đạo diễn: Ngô Quang Hải.
"Chuyện của Pao" - Đạo diễn: Ngô Quang Hải.

Cùng chung quan điểm, bà Phan Thế Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, nhấn mạnh rằng: “Việc tuân thủ nghiêm ngặt với việc áp dụng nguyên tắc lịch sử vào kịch bản hoàn toàn khác nhau. Người làm phim có quyền cảm nhận lịch sử theo cách riêng và diễn đạt làm sao để người xem đồng cảm mà không có ý xuyên tạc là được”.

Thật khó có thể mong một cuộc hội thảo ngay lập tức có thể làm thay đổi một nền điện ảnh, điều đó hẳn nhiên tất cả các vị khách, những nhà nghiên cứu, phê bình, đạo diễn nổi tiếng và có thâm niên đều hiểu. Nhưng, đó cũng là cơ hội để những người tâm huyết với nền điện ảnh nước nhà cất lên tiếng nói, chia sẻ những kinh nghiệm với một mong ước đồng nhất sẽ có những chuyển biến tích cực trong tương lai của điện ảnh nước nhà, để điện ảnh Việt Nam có thể sống được lâu bền trong lòng khán giả Việt Nam như nó đã từng có.

THÀNH TRUNG - (Theo VTC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm