Độc quyền sử dụng nhạc Vũ Thành An: ‘Cuộc chiến’ vẫn chưa ngã ngũ

Thời gian qua, một số báo có đăng thông tin về việc Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) tuyên bố công ty này không sử dụng trái phép các tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An. Sau khi có thông tin trên các báo, Công ty TNHH một thành viên Phương Nam Phim (gọi tắt là PNF) đã tổ chức họp báo vào chiều 15-6 tại TP.HCM về việc Công ty Maseco sử dụng trái phép các tác phẩm của Vũ Thành An do PNF độc quyền khai thác tại Việt Nam.

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với GS-TS Nguyễn Vân Nam (ảnh) xung quanh vụ việc tranh chấp bản quyền ca khúc Vũ Thành An giữa Maseco và PNF.

PNF phải có nghĩa vụ chứng minh độc quyền

. Phóng viên: PNF cho rằng Maseco vi phạm bản quyền năm ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An mà đơn vị này đang nắm giữ độc quyền việc khai thác tại Việt Nam (tất nhiên đó là các tác phẩm đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cấp phép phổ biến). Tuy nhiên, Maseco yêu cầu PNF phải cung cấp những chứng từ sau để chứng minh rằng PNF đang độc quyền: Hợp đồng chứng minh PNF độc quyền với nhạc Vũ Thành An, bảng phí sử dụng nhạc Vũ Thành An... Những yêu cầu này đúng hay sai, thưa ông?

+ GS-TS Nguyễn Vân Nam: Về cơ bản yêu cầu của Maseco là đúng. Khi PNF cáo buộc Maseco xâm phạm độc quyền khai thác năm ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An do mình sở hữu thì PNF phải chứng minh mình thật sự là người sở hữu độc quyền này. Không những thế, PNF còn phải chứng minh rõ mình được độc quyền trong thời hạn nào, ở đâu và đối với những hình thức khai thác cụ thể nào.

. PNF có lập ra một hợp đồng mới vào ngày 9-6-2015 giữa PNF và nhạc sĩ Vũ Thành An về việc độc quyền nhạc Vũ Thành An để cung cấp cho bên thứ ba khi có yêu cầu. Riêng hợp đồng đã ký trước đó (năm 2012) họ không cung cấp bởi có những điều khoản thương mại cần bảo mật giữa hai bên. Hợp đồng mới lập này có hợp pháp để chứng minh PNF là đơn vị khai thác độc quyền hay không?

+ Tất nhiên là có rồi. Nhưng cũng bị hạn chế rất nhiều, ví dụ như trường hợp hợp đồng ký năm 2015 không quy định cho phép PNF độc quyền khai thác dưới những hình thức cụ thể nào. Do vậy chưa thể nói việc Maseco khai thác các bản nhạc đó bằng cách số hóa chúng rồi đưa vào bộ nhớ của đầu karaoke là xâm phạm hình thức khai thác mà PNF được độc quyền.

Vì vậy PNF phải đưa ra bản hợp đồng năm 2012 để chứng minh phạm vi và các hình thức khai thác mình được độc quyền.

Nếu PNF không chứng minh mình được độc quyền cho những hình thức khai thác cụ thể gồm cả hình thức mà Maseco đang khai thác thì Maseco không vi phạm độc quyền của PNF.

Độc quyền sử dụng nhạc Vũ Thành An: ‘Cuộc chiến’ vẫn chưa ngã ngũ ảnh 2

Em trai đồng thời là người đại diện pháp lý của nhạc sĩ Vũ Thành An tại buổi họp báo chiều 15-6 cho rằng Maseco vi phạm quyền tác giả năm tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An. Ảnh: QUỲNH TRANG

Maseco “xài chùa” là sai

. Maseco vin vào chuyện PNF chưa chứng minh độc quyền và Maseco chưa liên lạc được với nhạc sĩ Vũ Thành An bởi nhạc sĩ này ở Mỹ, vì thế Maseco vẫn sử dụng nhạc, điều này có đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hay không?

+ Hoàn toàn không đúng. Quyền tác giả là một loại quyền tuyệt đối. Nghĩa là ngoài tác giả ra, bất cứ ai, bất kể là người nào cũng không được phép sử dụng, khai thác tác phẩm khi chưa được sự đồng ý của tác giả. Trừ một số ngoại lệ được nêu cụ thể trong luật (chẳng hạn như tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào thì không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả - theo khoản 1 Điều 26 Luật Sở hữu trí tuệ). Là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh tác phẩm âm nhạc, Maseco có nghĩa vụ phải biết và tuân thủ tính chất tuyệt đối của quyền tác giả này.

. Vậy cuối cùng trong chuyện này lẽ phải thuộc về ai?

+ Maseco không được phép sử dụng khai thác những tác phẩm không phải do mình tạo ra mà không xin phép tác giả.

Còn việc Maseco xâm phạm độc quyền PNF là chưa thể xác định được nếu PNF chưa trình ra hợp đồng 2012.

. Xin cám ơn ông.

PNF cần phải đưa ra bản Hợp đồng năm 2012 để chứng minh phạm vi và các hình thức khai thác mình được độc quyền. Nhưng tôi e rằng, bản hợp đồng này cũng chỉ qui định chung chung là PNF được độc quyền sử dụng, khai thác, kinh doanh các tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An mà thôi. Và đây là điều khá bất lợi cho PNF, nếu Tòa án Việt nam áp dụng nguyên tắc “Chuyển quyền theo mục đích” của Công ước Bern để lý giải xác định phạm vi chuyển quyền cụ thể, khi các bên ký thỏa thuận quá chung chung như vậy.

Việt Nam có nghĩa vụ phải áp dụng nguyên tắc này vì Việt Nam là thành viên của Công ước Bern. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho phép chuyển quyền sở hữu quyền tác giả. Nghĩa là khi tác giả đã chuyển quyền sở hữu những quyền này thì tác giả không còn sở hữu quyền đó nữa. Như Vũ Thành An chuyển toàn bộ quyền sử dụng khai thác cho PNF thì nhạc sĩ này không còn quyền sử dụng khai thác các tác phẩm của mình nữa.

Trong khi đó, Công ước Bern không cho phép chuyển quyền sở hữu quyền tác giả mà chỉ cho phép chuyển quyền sử dụng các quyền này để khai thác tác phẩm mà thôi. Nghĩa là tác giả vẫn luôn luôn là người sở hữu quyền tác giả. Vì vậy tác giả mới có thể cho rất nhiều người khác nhau quyền sử dụng tác phẩm dưới các hình thức khác nhau.

Tóm lại, việc Maseco xâm phạm độc quyền PNF là chưa thể xác định được nếu PNF chưa trình ra hợp đồng 2012. Nhưng nhiều khả năng khi có hợp đồng 2012 vẫn phải áp dụng nguyên tắc chuyển quyền theo mục đích của Công ước Berne. Nếu chiếu theo nguyên tắc này, Maseco không xâm phạm độc quyền khai thác của PNF.

GS-TS NGUYỄN VÂN NAM


“Nếu Vũ Thành An nói gỡ bỏ, tôi sẽ làm ngay”

Chiều 16-6, Pháp Luật TP.HCM đã gặp ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng Giám đốc Maseco, để làm rõ thêm vấn đề.

. Chưa liên lạc được để trả tiền tác quyền, tại sao Maseco vẫn sử dụng nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành An, thưa ông?

+ Chúng tôi biết Vũ Thành An đang định cư nước ngoài nên chưa có điều kiện liên hệ được. Cũng có một nhà báo hỏi tôi có nhiều cách liên hệ sao anh không liên hệ như chỉ cần tra Google. Vậy giả thiết tôi mù Internet thì sao?

. Vậy sau khi PNF công bố với truyền thông việc độc quyền cũng như công bố người đại diện nhạc sĩ Vũ Thành An tại Việt Nam là ông Vũ Đức Hoan, em trai nhạc sĩ (tháng 6-2014), tại sao Maseco vẫn không liên lạc?

+ Tôi có thể nói tôi không đọc báo không?

Chúng tôi chưa liên hệ nhạc sĩ Vũ Thành An chứ không phải không liên hệ. Tôi chưa đi Mỹ được.

. Vậy bây giờ, sau họp báo PNF công bố độc quyền bằng hợp đồng, ông dự tính xử lý như thế nào?

+ Tôi nhận hợp đồng bằng đường chưa chính thức, PNF chưa chính thức khẳng định độc quyền với Maseco.

Sau họp báo hôm qua, chúng tôi sẽ liên hệ với nhạc sĩ Vũ Thành An nhưng khi nào liên hệ chúng tôi chưa nói được.

. Trong thời gian chưa liên lạc được với nhạc sĩ Vũ Thành An, PNF chưa chứng minh được độc quyền như ông yêu cầu, tại sao ông vẫn sử dụng nhạc của Vũ Thành An mà không gỡ khỏi hệ thống?

+ Bắt tháo năm ca khúc đó thì không được bởi tôi chưa liên lạc được với nhạc sĩ thì PNF đã nhảy ra bảo họ độc quyền. Tôi chờ đợi họ chứng minh độc quyền.

Bây giờ nếu nhạc sĩ Vũ Thành An là người nói tôi gỡ bỏ, tôi sẽ bỏ ngay, năm bài này không là gì so với kho 10.000 bài của tôi.

. Xin cám ơn ông.

Phía Maseco đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể đơn vị này đã vi phạm khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ khi sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật.

Và phía PNF, khi muốn công bố độc quyền thì phải chứng minh sự độc quyền đó bằng văn bản. Có thể không cần cung cấp hợp đồng giữa PNF và nhạc sĩ Vũ Thành An vì những ràng buộc bảo mật giữa hai bên, tuy nhiên cũng phải có một hình thức khác để chứng minh mình là chủ sở hữu quyền.

Luật sư LÊ QUANG VY, Tổng Giám đốc Công ty
Luật Việt Long Thăng

- Ngày 27-10-2012: PNF và nhạc sĩ Vũ Thành An ký hợp đồng để PNF là đại diện độc quyền khai thác tác phẩm của nhạc sĩ.

- Tháng 3 và 4-2014, Cục NTBD đã cấp phép phổ biến cho 21 tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Thành An.

- Ngày 6-6-2014: PNF công bố độc quyền tác phẩm Vũ Thành An trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Ngày 24-6-2014: Maseco được Sở VH-TT&DL cấp phép phát hành Vol 52 Midivision gồm 176 bài trong đó có năm bài hát(Bài không tên số 2, 4, 7, 8 và 10)của Vũ Thành An đã được PNF công bố độc quyền.

- Ngày 25-7-2014: PNF gửi văn bản đến Maseco cho rằng Maseco đã xâm phạm độc quyền của PNF cũng như Công ty Cổ phần Icore (đơn vị được PNF ký hợp đồng giao độc quyền sử dụng nhạc Vũ Thành An làm karaoke vi tính).

- Ngày 1-8-2014, Maseco gửi văn bản đến PNF yêu cầu PNF cung cấp những giấy tờ cụ thể chứng minh PNF độc quyền nhạc Vũ Thành An.

- Ngày 22-12-2014: PNF gửi văn bản đến Cục NTBD về hành vi xâm phạm của Maseco.

- Ngày 28-1-2015: Cục NTBD đã có văn bản đến Maseco và PNF kết luận việc Maseco sử dụng các ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành An là chưa đúng pháp luật. Đồng thời Cục yêu cầu PNF tiếp tục chủ động chứng minh độc quyền của mình đối với nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành An.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm