Đời sống âm nhạc đang như... một "nồi lẩu"

PV CAND đã có cuộc phỏng vấn GS-NSND Trọng Bằng, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nhạc sĩ Việt Nam về văn hóa trong đời sống âm nhạc Việt Nam.

-Thưa GS-NSND Trọng Bằng, còn nhớ trong Đại hội đại biểu Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ 7 (2005), nhạc sĩ Tô Hải đã có ý kiến rất gay gắt về tình trạng xuống cấp quá trầm trọng trong văn hóa âm nhạc. Cho đến hôm nay nhìn lại, ông thấy tình trạng báo động về văn hóa âm nhạc của ta đang có chiều hướng đi lên hay đi xuống?

GS-NSND Trọng Bằng.
GS-NSND Trọng Bằng.

+ Theo tôi đây là vấn đề đã và sẽ phải còn bàn đi bàn lại dài dài. Thực trạng biểu diễn âm nhạc chính là thực trạng của tình hình âm nhạc. Một điều có thể thấy rất rõ là thời gian vừa qua, đời sống âm nhạc của ta không có định hướng nên phát triển theo chiều hướng lộn xộn, mạnh ai nấy làm. Các nhà phê bình thì không đủ sức mạnh để uốn nắn thị hiếu của công chúng.

Các chương trình biểu diễn âm nhạc mọc lên như nấm sau mưa, nhưng chất lượng của nó thì rất tệ. Nó được gọi là các "chương trình âm nhạc logo", vì nó chỉ có mục đích quảng bá thương hiệu cho nhà tài trợ, để nhà tài trợ chi phối, bóp méo, muốn ra sao cũng được.

Đời sống âm nhạc của ta hôm nay thật không khác gì một nồi lẩu. Thế giới có gì chúng ta đều có cái đó. rock, rap, hip-hop có tất. Trong khi đó cái gốc, cái cốt lõi của âm nhạc thì lại đang bị bỏ quên một cách rất đáng buồn!

- Cái gốc của âm nhạc ở đây, phải chăng ý ông đang muốn nói đến âm nhạc bác học?

+ Vâng, âm nhạc bác học, cụ thể là giao hưởng thính phòng bấy lâu nay đang bị đối xử lạnh lùng, nhạt nhẽo. Tôi nhớ trước đây, các nước Đông Nam Á rất ngưỡng mộ âm nhạc giao hưởng của ta, nhưng nay thì họ đã vượt lên chúng ta rồi. Sự thả nổi, bỏ rơi âm nhạc bác học là minh chứng cho việc chúng ta chưa chú trọng đến văn hóa âm nhạc.

Mỗi năm Nhạc viện Hà Nội chật vật lắm mới tuyển được một vài thí sinh có tài và muốn gắn bó với nhạc cụ, dàn nhạc dân tộc. Rất nhiều sinh viên giỏi, tài năng ra nước ngoài học nhạc, mà những nhà quản lý hình như cũng không hề cảm thấy luyến tiếc, không có được một chính sách nào để níu kéo họ ở lại phục vụ nền âm nhạc nước nhà.

Nhìn một số nghệ sĩ trẻ nhiều năm tháng miệt mài học ở nước ngoài, có muốn về nước làm nghề nhưng đành bó tay vì không có môi trường âm nhạc đủ tốt mà phục vụ khán giả. Mỗi năm họ khăn gói về nước biểu diễn phục vụ khán giả vài ba buổi, rồi muốn phát triển được, vẫn cứ phải ra sống ở nước ngoài.

Thật đau đớn khi nghĩ rằng, chúng ta không nuôi nổi những tài năng đích thực. Chúng ta đầu tư cho nhạc bác học là quá ít, vì vậy, so với những thứ đang "hoành hành" trong đời sống âm nhạc hiện nay, giao hưởng thính phòng vô cùng lép vế.

- Về mảng ca khúc nói riêng, bên cạnh những ca khúc mới, hay, vẫn còn tồn tại nhiều ca khúc ảo não, ngôn từ vừa ngô nghê vừa ủ dột, nhạt nhẽo. Và kỳ lạ là vẫn có một bộ phận không nhỏ khán giả ủng hộ những ca khúc ấy. Theo ông vì sao vẫn còn hiện tượng này?

+ Hiện tượng này có liên quan chặt chẽ đến văn hóa, thẩm mỹ của khán giả. Một khi chúng ta chưa chú trọng vào việc nâng cao văn hóa âm nhạc cho khán giả, thì những bài hát sướt mướt, nhạt nhẽo, ngô nghê như vậy vẫn tồn tại.

Tuần nào, tháng nào ta cũng thấy có những bài hát mới xuất hiện. Người ta hát suốt ngày mà khán giả không nhớ họ hát gì. Những người làm âm nhạc cũng bàng quan, không cần biết đến những tác phẩm đó đã ngấm vào máu thịt người nghe, người xem như thế nào.

Họ chỉ cần biết có chương trình, có tiền là đủ, nên họ chiều theo những thị hiếu tầm thường của một bộ phận khán giả. Tôi xin nói rằng, một ca khúc âm nhạc mà không hướng đến một mục đích gì ngoài tiền thì xem như "cái chết" đã được báo trước.

- Nói về việc đào tạo người nghe, theo ông cần phải làm những gì?

+ Việc đào tạo kiến thức âm nhạc cho khán giả từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường là hết sức cần thiết, vì một nền âm nhạc lành mạnh và phát triển. Tôi ví dụ trong âm nhạc giao hưởng, người ta cứ thần thánh hóa nó, cho rằng nó cao siêu và khó hiểu, nhưng thực ra là vô cùng dễ hiểu. Vì nó khúc triết, đâu ra đấy.

Vấn đề chỉ là anh phải được trang bị những kiến thức cơ bản về âm nhạc thì anh sẽ nghe được, hiểu được. Người thưởng thức âm nhạc phải có văn hóa nghe nhạc thì mới phân biệt được cái gì là hay, cái gì là dở.

- Văn hóa biểu diễn của người ca sĩ thường có một ảnh hưởng mạnh tới công chúng, từ cách chọn bài hát, ăn mặc và phát ngôn... Ngày hôm nay, có nhiều ca sĩ lên sân khấu biểu diễn, người ta không nhận ra được đó là ca sĩ Việt Nam nữa. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Hội nhập toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền văn hóa của chúng ta nói chung. Riêng trong lĩnh vực biểu diễn, xu hướng đánh mất bản sắc dân tộc là nguy cơ rõ ràng hơn hết. Ca sĩ thì tóc xanh tóc đỏ, ăn mặc hở hang không còn thuần phong mỹ tục, hát những bài hát thị trường nhạt nhẽo, ngôn từ không ra sao.

Rất nhiều ca sĩ trẻ có giọng tốt nhưng không có ai định hướng cho họ, và bản thân họ thì không có nhận thức tốt về nghề nghiệp nên mải đuổi theo những thứ "ăn xổi ở thì", làm mất dần khả năng quý giá của mình, nên hát mãi mà vẫn cứ lẹt đẹt, không mấy người nhớ tới.

Cần phải cảnh báo rằng, ngày hôm nay, lòng tự trọng nghề nghiệp đã trở thành một thứ xa xỉ đối với một số ca sĩ trẻ.

- Ở phần đầu cuộc trò chuyện ông có đề cập tới cái gọi là “văn hóa lãnh đạo” trong âm nhạc. Bàn về văn hóa của âm nhạc không thể không nhắc tới văn hóa lãnh đạo, là những người, những đơn vị có vai trò định hướng đời sống âm nhạc...

+ Đúng như vậy. Âm nhạc cần phải có được một sự định hướng tốt, một "bộ lọc" tốt để những thứ không giá trị, gây phiền hà cái tai nghe của công chúng được loại bỏ bớt đi, không lộn xộn, à uôm như hiện nay.

Văn hóa của người quản lý rất quan trọng. Người cầm cân nảy mực phải hiểu biết về văn hóa nói chung và về âm nhạc dân tộc nói riêng. Đời sống âm nhạc hôm nay đang có nhiều bất cập là bởi người quản lý thiếu ý thức về điều này.

Lúc trước ta nói về khán giả. Nhà quản lý thì cũng là khán giả. Một khi họ để cho vàng thau lẫn lộn, người ta chỉ cần có tiền là làm được âm nhạc, họ phải chịu trách nhiệm trước quần chúng nói chung về sự xuống cấp của văn hóa âm nhạc.

Không thể phủ nhận nền âm nhạc của ta đã có được những thành tựu nhất định. Nếu chúng ta không cẩn thận, không chăm chút những gì đã là thành tựu thì nó sẽ bị hủy hoại, bị vùi lấp trong những thứ lộn xộn hôm nay mà một ngày rất gần chúng ta sẽ phải mất công tìm kiếm, khôi phục lại...

- Theo ông, để nâng tầm văn hóa trong đời sống âm nhạc, trước tiên chúng ta phải làm gì?

+ Chúng ta phải nhanh chóng chấn chỉnh lại. Sẽ là rất khó nhưng không bao giờ là muộn. Phải chú trọng xem đâu là những cái mầm cơ bản nhất, để gieo vào đời sống âm nhạc và nhân nó lên.

Phải học lại, trang bị lại kiến thức cho cả người sáng tác, biểu diễn lẫn người nghe. Phải bắt đầu từ những tài năng. Không được bỏ phí tài năng. Phải có tầm trong quản lý lãnh đạo. Những chiến lược lớn cần phải được đưa ra. Nước ta hiện nay cái gì cũng thiếu quy hoạch đồng bộ, từ cái nhỏ nhất là đường dây điện, cống rãnh, cho tới các giá trị văn hóa, tinh thần, đó là điều đáng buồn.

- Xin cảm ơn GS- NSND Trọng Bằng.

VŨ QUỲNH TRANG - (Theo CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm