18 thôn vườn trầu hút khách ngày xuân

Gần 5.000 nọc trầu đã mọc xanh um ở Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM) như một cách bảo tồn văn hóa xưa khi địa danh 18 thôn vườn trầu dần rơi vào quên lãng.

Ở nơi từng là trường bắn

Đến Ngã Ba Giồng hôm nay, khách tham quan sẽ không khỏi choáng ngợp bởi vẻ hiện đại của quần thể di tích lịch sử, đặc biệt là những luống trầu xanh mướt. Xưa, nơi đây thuộc thôn Xuân Thới Tây, một trong 18 thôn vườn trầu đã cùng hợp lực với ông Phan Văn Hớn, quê ở làng Tân Thới Nhất (nay là xã Bà Điểm) và ông Nguyễn Văn Quá, quê ở làng Mỹ Hạnh tấn công đốt cháy Dinh quận Bình Long (nay là huyện Hóc Môn), giết chết vợ chồng đốc phủ gian ác Trần Tử Ca vào năm Ất Dậu 1885. Sau đó để cứu dân thoát khỏi thực dân Pháp và tay sai trả thù, hai ông Hớn, Quá đã ra nộp mình, chịu án hành hình trước chợ Bình Long (chợ Hóc Môn ngày nay), để lại nhiều thương tiếc trong lòng nhân dân. Trong những năm kháng chiến, 18 thôn vườn trầu được chọn làm hậu cứ, nơi nuôi dưỡng các cán bộ lãnh đạo, cất giấu tài liệu bí mật của Ðảng.

Trải qua quá trình đô thị hóa, cái tên 18 thôn vườn trầu đã trở thành quá vãng. Nếu như trước đây trầu được trồng ở khắp 18 thôn bao gồm cả quận 12, một phần huyện Củ Chi thì nay chỉ còn thu hẹp ở xã Bà Điểm, Hóc Môn.

Ông Võ Thanh Bình, Giám đốc Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng, nói: “Trước tình hình mai một nguy cấp của 18 thôn vườn trầu, từ năm 2010, anh Ba Đua (tức ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM - PV) chỉ đạo chị Văn Thị Bạch Tuyết, lúc đó là chủ tịch huyện Hóc Môn, phải gấp rút bảo tồn nét đẹp của 18 thôn vườn trầu xưa. Ngã Ba Giồng được chọn làm nơi tái hiện vườn trầu từ nguồn ngân sách của huyện. Các nghệ nhân trồng trầu cũng được huy động để thiết kế luống trầu, tư vấn mua giống trầu để trồng. Do trầu là giống cây khó tính “nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mù sương”, đất ở Ngã Ba Giồng lại nhiễm phèn nên ban đầu chỉ dám trồng thử 1.100 gốc. Thấy trầu lên xanh tốt không thua gì trầu Bà Điểm nên chúng tôi mạnh dạn trồng thêm hai đợt nữa. Hiện khu di tích có 4.700 nọc trầu và 750 gốc cau. Tuy chỉ là vườn trầu tái hiện nhưng học sinh, giáo viên và khách tham quan lại rất thích thú, hào hứng vì không biết mặt mũi cây trầu ra sao khi thường nghe “miếng trầu là đầu câu chuyện”. 

Nghệ nhân Võ Văn Chảy đang chăm sóc giống trầu Bà Điểm nức tiếng lá mỏng, vàng bóng mỡ gà. Ảnh: HOÀNG LAN

Khách tham quan thích thú tạo dáng bên vườn trầu. Ảnh: HOÀNG LAN

Người giữ hồn vườn trầu

Để có được vườn trầu lá mỏng, vàng bóng ở khu di tích không thể kể hết những giọt mồ hôi thầm lặng của nghệ nhân Võ Văn Chảy, 68 tuổi. Sở dĩ gọi ông là nghệ nhân bởi trồng trầu là cả một nghệ thuật. Cả đời gắn bó với cây trầu, thế nhưng ông cũng không giữ được vườn trầu do cha ông đi trước để lại.

Ông Chảy nhớ lại: “Cách đây mấy chục năm, trầu được bạn hàng vào tới nhà mua hết, bán chợ cũng sung lắm. Trầu muốn hái giờ nào hái, ra chợ bán là có tiền liền. Cứ mỗi tuần ông đưa tiền cho vợ đổi được một chỉ vàng”. Sau đó, do đầu tư cho vườn trầu ngày càng lỗ nên ông đã nghẹn ngào phá bỏ vườn trầu, chuyển qua nuôi heo. Từ chủ vườn trầu, ông thành người chuyên làm thuê cho những chủ vườn khác, như một cái nghiệp với giống trầu. Không bị ràng buộc về giờ giấc nhưng ngày nào không đến thăm trầu là ông chịu không được, kể cả sáng mùng 1 tết. “Trầu khó ở lắm, chết một dây là lây sang các dây khác nên phải theo dõi liền để chữa trị” - ông nói.

Ông Chảy thường xuyên trở thành người mẫu bất đắc dĩ cho những thợ săn ảnh. Vườn trầu do ông chăm sóc còn là nơi nhiều cặp đôi chọn chụp ảnh cưới, lưu niệm. Không ít khách hỏi ông mua giống trầu ở đâu để về trồng. Thỉnh thoảng khách có xin vài lá trầu, chính ông là người tự tay ngắt vì sợ có người không biết cách ngắt, trầu sẽ không nứt ra lá non được.

Theo các nhà nghiên cứu, từ năm 1698 đến năm 1731, do bị sự thống trị hà khắc của phong kiến triều Trịnh-Nguyễn phân tranh loạn lạc nên một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung đã rời bỏ quê hương đến vùng đất này. Những người nông dân đầu tiên đến đây đã cật lực khai phá rừng rậm, bãi hoang, chống lại thú dữ để trồng tỉa và chăn nuôi. Đặc biệt họ trồng trầu cau thành những mảnh vườn xanh tốt quanh năm.

Từ sáu thôn đầu tiên dần dần phát triển thành 18 thôn. Đến đầu thế kỷ 19, đời vua Minh Mạng triều Nguyễn, khu vực này đã là nơi dân cư trù mật và là nơi chuyên canh trồng trầu cau, cung cấp trầu cho khắp Nam Kỳ lục tỉnh nên có tên gọi chung là “18 thôn vườn trầu”.

Đất vườn trầu nhà nọ thông qua nhà kia, không rào giậu. Đồng bào tốt vô chừng, không có vận động gì hết mà đồng bào có cơ sở đem cho hội nghị thừa gạo, thừa thức ăn tươi, có nhà đánh được con cá to cũng đem cho hội nghị, bà con không hiểu họp gì, chỉ biết là có hội nghị quan trọng của Đảng.

Trích Hồi ký cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng CSVN thời kỳ 1936-1939 nói về cuộc họp Hội nghị Trung ương 1937

 __________________________________

Mấy năm trước, vườn trầu chưa được đầu tư đẹp như bây giờ. Vườn trầu xanh mướt như gợi lên một không khí hoài cổ vào mỗi dịp tết cũng như nhắc nhở về địa danh lịch sử “18 thôn vườn trầu” mà người trẻ hiện nay ít biết tới.

Chị PHAN PHƯƠNG, khách tham quan chụp ảnh
vườn trầu ngày 24-1

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm