Chuyện du lịch và tự ái vùng miền

Chị HĐ sau chuyến du lịch biển ở một huyện thuộc Hải Phòng, đã viết một bài viết ngắn trên Facebook, đại khái nói rằng công ty bán tour lập lờ đánh lận thông tin với khách hàng, địa phương quảng bá du lịch thiếu trung thực, bãi biển lại dơ bẩn.

Quê tôi không ai được đụng đến!

Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, rất nhiều người vào bình luận bằng những từ ngữ rất tục tĩu. Phần lớn trong số đó không tranh luận đúng sai, mà chỉ mạt sát cá nhân người viết vì dám “đụng đến quê hương”. Cũng có người nhìn ra những nhược điểm trong cách quản lý du lịch ở địa phương mình nhưng vẫn sửng cồ: “Quê tôi nó vậy đấy, chị thích thì đến không thích thì cút đi nhé”.

Nếu du khách chê bai một địa điểm du lịch nào đó, rất dễ bị người dân địa phương phản ứng gay gắt. Ngoài ra, góp ý về văn hóa, ứng xử cũng rất dễ gây tranh cãi, tự ái vùng miền.

Một bạn khác so sánh văn hóa ứng xử nơi công cộng khi bạn ra nước ngoài và sự bon chen giành giật thường thấy ở quê bạn, ngay lập tức bạn bị chính đồng hương tẩy chay, chửi bới rất nặng nề. Có người còn gọi bạn là kẻ phản bội, kẻ mất gốc.

Đó mới chỉ là trên mạng ảo. Trong cuộc sống thực, hậu quả của tính tự ái vùng miền có thể dẫn đến đánh nhau. Anh An, một công nhân ở Tây Ninh, cho biết có lần nhậu vui với bạn, anh vui miệng kể về một người bạn đồng nghiệp khác quê làm chung xưởng, cậu này keo kiệt thái quá và thiếu trung thực. Không ngờ chưa kể xong, một cậu đồng hương với đồng nghiệp của anh đã đứng dậy đấm cho anh một cú trời giáng vào giữa mặt. Lý do: “Anh nói xấu đồng hương tôi và có ý chê bai vùng miền của tôi, phải vậy không?”. Cuộc nhậu vui hôm đó suýt biến thành chiến trường. Anh An nói: "Mình không có ý gì, ảnh tự suy diễn rồi đùng đùng tự ái vậy đó". 

Tại sao phải tự ái?

Trước đây tôi cũng rất dễ tự ái và tức giận khi nghe những câu chuyện đùa hàm ý phê phán thói hư tật xấu của người quê tôi. Nhưng tôi đã để ý tìm hiểu, về quê nhiều lần và nhận ra có những nét tính cách của người dân quê tôi rất giống với những câu chuyện hài hước phê phán được lưu truyền. Người dân quê tôi cũng biết rõ những điểm yếu của mình, chỉ là họ vẫn tự ái khi bị nhắc tới.

Cuộc sống dần thay đổi, những nét cổ hủ, lạc hậu, kém văn minh đã được bỏ đi từ từ, nếp sống ngày càng tiến bộ. Tôi nhận ra chẳng có lý do gì để tiếp tục tự ái. Nếu người ta nói đúng, mình sẽ tiếp tục khắc phục cái xấu để văn minh hơn. Trước hết là tự sửa bản thân, sau đó góp ý cho cộng đồng mình đang sống. Còn nếu phải tiếp nhận những lời góp ý không đúng thì chỉ việc bỏ qua thôi, tại sao phải tức giận hay tự ái? Cuộc sống làm sao tránh được những ý kiến khen chê khác nhau?

Dám nhìn nhận trung thực về bản thân mình, dám sửa cái xấu và chấp nhận mọi lời khen chê trái ngược, đó mới là tính cách của một người trưởng thành và một cộng đồng đã trưởng thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm