Đảo cấm phụ nữ ở Nhật trở thành di sản thế giới

Nằm giữa hòn đảo Kyushu và bán đảo Triều Tiên, Okinoshima từng là địa điểm thực hiện những nghi lễ để cầu nguyện an toàn cho các hoạt động trên biển. Đây cũng là trung tâm kết nối với Trung Quốc và Triều Tiên từ thế kỷ thứ 4.

Hòn đảo rộng 700 m2 cùng với 3 rạn san hô gần đó và 4 địa điểm liên quan khác đã được tổ chức UNESCO chính thức công nhận là di sản thế giới vào cuối tuần trước tại một hội nghị thường niên ở Krakow, Ba Lan.

Đảo Okinoshima có một ngôi đền linh thiêng từ thế kỷ 17 mang tên Okitsu và phụ nữ không được phép tới đây. Chỉ các thầy tu thuộc Thần đạo mới được phép tới ngôi đền để thực hiện các nghi lễ tôn giáo.

Ngoài ra, khoảng 200 đàn ông cũng được phép thăm ngôi đền duy nhất vào ngày 27.5 hằng năm, để tưởng niệm các binh sĩ thiệt mạng trong trận chiến hải quân Nga-Nhật diễn ra gần đó vào năm 1904-1905.

Trước khi bước chân lên đảo Okinoshima, những người đàn ông phải thực hiện các nghi lễ bắt buộc bao gồm cởi bỏ hết quần áo và tắm dưới biển để tẩy uế. Họ bị cấm mang về đất liền những vật lưu niệm như cành cây, sỏi và thậm chí cả lá cỏ trên đảo.

Lý do hòn đảo Okinoshima cấm phụ nữ không bao giờ được công khai, nhưng một giả thuyết cho rằng, Thần đạo coi kinh nguyệt của phụ là không sạch sẽ và có thể làm vấy bẩn ngôi đền linh thiêng.

Hòn đảo Okinoshima có nhiều hiện vật chứng minh nơi đây là một trung tâm giao thương quốc tế từ rất sớm. Khoảng 80.000 hiện vật được coi là tài sản quốc gia đã được khai quật trên đảo, bao gồm những chiếc gương của nhà Bắc Ngụy ở Trung Quốc, nhẫn vàng từ bán đảo Triều Tiên và mảnh bát vỡ từ Ba Tư.

Với danh hiệu di sản thế giới, hòn đảo Okinoshima sẽ nhận được nhiều nguồn kinh phí để tu bổ, nhưng một số người dân địa phương lo ngại rằng hòn đảo có thể bị phá hủy bởi những du khách thiếu ý thức.

Theo Huy Phong (Dân Việt)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm