'Loạn' quy tắc ứng xử khi đi du lịch

Việc Bộ VH-TT&DL ban hành Bộ quy tắc ứng xử về văn minh du lịch (gọi tắt là bộ quy tắc) vào ngày 17-3-2017 đã thể hiện thiện chí và đáp ứng phần nào sự kỳ vọng của nhiều địa phương.

“Đại từ điển” quy tắc ứng xử

Trước khi có bộ quy tắc của Bộ VH-TT&DL, trong năm 2016, nhiều địa phương cũng đã ban hành những văn bản tương tự. “Những quy tắc ứng xử trong du lịch” của tỉnh Bình Thuận, “8 quy tắc cơ bản về hành vi ở nơi công cộng, điểm đến du lịch tại TP.HCM”của TP.HCM, “Những điều cần nhớ khi du lịch Đà Nẵng” của TP Đà Nẵng, “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” của tỉnh Đồng Tháp, “Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch” của TP Nha Trang, Khánh Hòa, “Những điều cần biết về trật tự, kinh doanh, môi trường du lịch trong khu phố cổ” của TP Hội An, Quảng Nam. Sớm và bài bản nhất là “Bộ quy tắc ứng xử - Nụ cười Hạ Long” của tỉnh Quảng Ninh ngày 25-10-2015…

Một số tỉnh đang rục rịch ban hành đã ngưng lại vì có “Bộ quy tắc ứng xử về văn minh du lịch” mà Tổng cục Du lịch vừa ban hành.

Thực trạng trên bộc lộ sự lúng túng và cả bất lực trong quản lý du lịch, mỗi nơi làm một kiểu. Chủ yếu là để tạm thời chấn chỉnh phần nào những bất cập phát sinh.

Riêng “Bộ quy tắc ứng xử về văn minh du lịch” của Bộ VH-TT&DL lại quá “ngớp” khi dài tới 17 trang. Đáng tiếc, hình thức thì dông dài nhưng nội dung lại lủng củng, chồng chéo với rất nhiều mỹ từ trừu tượng. Đã là quy tắc thì phải ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu. Dài dòng như vậy làm sao ai có đủ can đảm học và nhớ. Chẳng lẽ trước khi đến Việt Nam, khách phải bỏ vài ngày nghiên cứu bộ quy tắc này. Chưa kể việc tới đâu phải học quy tắc ứng xử tại đó.

Nên dùng hình ảnh để chuyển tải nội dung

Về tên gọi, “Nụ cười Hạ Long” có vẻ gần gũi. Về hình thức, cách làm của Sở Du lịch TP.HCM, UBND TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Đồng Tháp là có hình ảnh minh họa đẹp, ấn tượng cả nội dung lẫn hình thức. Mục đích chính là nhắc nhở du khách.

Bởi du khách không chỉ trong nước mà còn quốc tế nên phải dùng hình ảnh để chuyển tải nội dung, không dông dài bằng văn bản. Các ấn phẩm phải gọn, đẹp, trang nhã để phát hành rộng rãi, du khách bỏ túi, rất tiện lợi. Và không cần “trăm hoa đua nở” như hiện nay.

Với du lịch trong nước, cách làm của Đồng Tháp cần được xem xét và nhân rộng. Đồng Tháp lấy “chú bé sen” vui tính làm biểu tượng với những lời nhắc khéo nhẹ nhàng mà cụ thể về giữ gìn môi trường, cảnh quan đô thị, nếp sống văn minh. Những hình ảnh sáng tạo, có mặt đúng chỗ nhắc khéo mọi người chứ không riêng gì du khách. Tiếc là chỉ có tiếng Việt, cần có thêm tiếng Anh. Những nơi đông khách Trung Quốc nên có thêm tiếng Hoa. Nếu tình hình phức tạp, bên cạnh việc nhắc nhở, cảnh báo thì có luôn mức xử phạt để răn đe. Chẳng hạn các nước Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đều có bảng cảnh báo người Việt (bằng tiếng Việt) tại một số nhà hàng buffet là “Chỉ lấy thức ăn vừa đủ dùng, bỏ thừa là bị phạt…”.

Có quy tắc là cần thiết nhưng chưa đủ. Vấn đề là thực hiện thế nào. Với ngành du lịch, văn minh đô thị phải bắt đầu từ chủ nhà, từ người dân. Nhà mình còn không biết dọn dẹp và giữ gìn, làm sao thiên hạ làm đẹp thay mình được. Trách nhiệm này không thể riêng ngành du lịch mà chủ yếu là từ chính quyền địa phương các cấp và có sự phối hợp đồng bộ.

Các báo đưa tin Khánh Hòa đang trình “Dự thảo quy chế quản lý hoạt động, kinh doanh lữ hành phục vụ du khách Trung Quốc”.

Sao lại phân biệt đối xử như vậy? Khách nào cũng là khách. Quản lý thế nào là do mình. Chẳng lẽ khách Trung Quốc mới quản lý, còn khách các nước thì không. Không khéo sẽ có thêm quy chế quản lý khách Nga, khách châu Phi, khách châu Âu, khách châu Mỹ, khách ASEAN… Năm 2016, khách Trung Quốc vào Thái Lan gần 9 triệu (Việt Nam gần 3 triệu) mà họ cũng đâu khổ sở như mình, đâu có “quy chế quản lý” riêng như vậy. Không chừng Khánh Hòa có thì Đà Nẵng, Bình Thuận và những nơi đang nóng với khách Trung Quốc cũng có.

________________________________

“Bộ quy tắc ứng xử về văn minh du lịch” của Bộ VH-TT&DL đưa ra những điều cần làm dành cho 10 loại đối tượng. Đó là khách du lịch; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; doanh nghiệp lữ hành; hướng dẫn viên du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; đơn vị vận chuyển khách du lịch; nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống; điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; điểm tham quan, điểm du lịch; cộng đồng dân cư.

Trong mỗi loại đối tượng lại quy định ba nội dung gồm: Nội dung của quy tắc ứng xử, tóm tắt quy tắc ứng xử và thông điệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm