Ngôi đình đẹp nhất nhì Nam Kỳ giờ ra sao?

Theo các bậc cao niên ngày xưa, đình Phú Cường được xây dựng trước năm 1861. Khi người Pháp tiến đánh vùng đất này thì đình bị phá hủy. Về sau, người dân ra sức cất lại ngôi đình mới nằm cạnh con rạch Bà Lụa. Từ đó cái tên đình Bà Lụa mới được phổ biến rộng rãi.

Bảng lý lịch di tích của Bảo tàng Bình Dương ghi rõ ngôi đình có kiến trúc độc đáo với những mảng hoa văn ghép bằng sơn mài rồng, binh khí cổ kính hấp dẫn, những cột gỗ to đẹp và quý.

Đình Phú Cường (Bà Lụa) xưa (trên) và nay, mỗi ngày ông Quảng giữ đình vẫn lau bụi chiếc tráp đã bong trong lớp vỏ, dù chẳng có khách nào ghé thăm. Ảnh: HOÀNG LÊ

Năm 1921, giới cầm quyền Pháp đã cho lập mô hình ngôi đình đem đi triển lãm ở Hội chợ Marseille (Pháp). Khi đến thăm ngôi đình năm 1930, Goergette Naudin - chuyên viên nghiên cứu bảo tàng Nam Kỳ đã khẳng định trong bộ sách Cochinchine: “Lúc đó đình Bà Lụa được xem là ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất, nhì Nam Kỳ… hấp dẫn đông đảo du khách”.

Nay thì đình vắng dấu chân khách đến thăm. Dấu thời gian bị tro bụi phủ mờ. Bên trong đình, những chén dĩa sành ở gian bếp lớp nọ chồng lớp kia được chất tạm bợ vào một tủ gỗ đã xiêu vẹo...

Ông Kim Đình Quảng (70 tuổi), là người quản lý đình suốt 16 năm qua, thở dài: “Việc đô thị hóa đã khiến văn hóa làng xã bị mai một. Người dân bây giờ ít ai còn quan tâm đến đình nữa”.

Dù đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh nhưng mọi kinh phí hoạt động của đình đều trên tinh thần tự nguyện đóng góp. Những ngày cúng lễ Kỳ yên, ông Quảng cùng các cao niên trong ban nghi lễ phải tự bỏ tiền túi ra làm trước, thậm chí đi vay mượn hàng xóm láng giềng. Nhiều năm liền tiền bá tánh cúng đình không đủ để trang trải chi phí nhang đèn trà nước.

Kể từ khi Phòng Văn hóa-Thông tin lập tổ quản lý đình Phú Cường vào năm 2008 đến nay chưa có những hình thức quảng bá cụ thể cho di tích này. Phòng phải lo dàn trải nhiều lĩnh vực nên việc quan tâm tu bổ các di tích đình còn nhiều hạn chế. Năm 2011, TP đã trích nguồn ngân sách hơn 1 tỉ đồng để sửa chữa lại đình nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ, vì muốn trùng tu hoàn toàn cần kinh phí rất lớn.

TRẦN MỸ LỆ, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin
TP Thủ Dầu Một, đơn vị trực tiếp quản lý di tích
đình thần Phú Cường

Hình ảnh đình Phú Cường ngày nay:

Ông Kim Đình Quảng lom khom quấn ống nước tưới cây bên cây xoài rừng 200 tuổi – công việc thường xuyên của người quản lý ngôi đình vắng khách

Cửa chính ngôi đình với cặp rồng bệ vệ

Tủ đựng chén cúng lễ Kỳ Yên đã quá xập xệ, cũ kỹ

Những chiếc bàn dùng đãi khách cũng xếp xó

Ngôi đình đã được công nhận di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2004

Nét đẹp ngày xưa còn ẩn hiện đâu đó bên những hàng cột trụ có thiết kế độc đáo

Một chiếc tráp đựng trầu cổ bị mối mọt ăn sâu vào bên trong

Gian thờ chính của ngôi đình

Thiết kế mở với hai hành lang Đông – Tây khiến không gian đình Phú Cường trở nên thoáng mát, đây cũng là nét độc đáo, khác lạ so với những ngôi đình khác

Chuông đồng và trống, hai bảo vật của đình

Nhìn kỹ trên mái ngói sẽ thấy con số 1956 - năm ngôi đình được đại trùng tu

Những hoa văn, gốm sứ cổ - Vết tích lịch sử còn sót lại

Chiếc bàn thắp hương được một điền chủ cúng vào lễ Kỳ Yên năm 1932

Những chiếc tháp cổ với hoa văn độc đáo giờ đã phủ bụi thời gian

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm