Những người tôi thương dọc đường

Mấy chục kí lô hành lý của khách trên vai, họ còng lưng mang vác để chúng tôi chinh phục những ngọn núi cao. Ăn uống thì sau khách, giày và áo quần giữ ấm thì ít và dỏm hơn khách, luôn hiền lành và nhẫn nhịn- là họ.

Họ gánh phần vất vả nặng nề nhất cho chúng tôi

Tôi chụp hình họ rất ít. Cứ mỗi lần nhìn họ cúi người, chân liêu xiêu bởi mớ hành lý nặng trĩu trên lưng, lom khom bước, lại không đành lòng…

Tôi vẫn luôn ngưỡng mộ những người tự đi trekking một mình, không cần guide cũng chẳng porter. Họ vừa khỏe vừa dũng cảm. Nhưng dẫu tôi có sức lực đến đâu, tôi có rành đường đến cỡ nào thì tôi cũng sẽ mua tour trekking và thuê porters. Một phần nhỏ vì sợ lạc đường, vì sợ mang vác không nổi và lý do lớn hơn là, nếu có thêm một người thuê họ thì họ và gia đình có thêm một chút thu nhập, một chút niềm vui. Còn tôi thì được nhẹ nhàng hơn để tâm trí mà ngắm cảnh và tận hưởng thiên nhiên.

Trĩu nặng vì mang vác

Hôm leo núi đến High Camp- độ cao gần 5.000m. Buổi tối dừng lại tôi phải lấy thuốc đau đầu ra uống, lấy salonpas ra xoa, lấy dầu ra xức để chống đỡ cái mệt, cái lạnh và đặc biệt là triệu chứng đau đầu sốc độ cao. Còn họ, họ không có gì hết dù họ cũng là người bình thường, chỉ khỏe hơn chúng tôi một chút chứ đâu phải mình đồng da sắt. Rụt rè mãi họ mới hỏi mượn tôi chai dầu, rồi người này xin phép truyền người kia xức cho đỡ đau đầu, cứ xuýt xoa "good medicine".

Hai bạn porter của tôi.

Bảo họ cứ dùng nhiều lên, mà ai cũng ngại không dám. Nghe lời một người bạn, lần này hành lý mang đi, tôi chỉ toàn quần áo cũ. Mặc bộ quần áo cũ một bộ mấy ngày trời rồi để lại, cho nhẹ hành lý, đỡ cho họ phần nào. Và rất nhiều thuốc, kẹo ngậm để chia cho họ, vì họ chẳng có bao giờ. Hai bạn porters của nhóm tôi, một ngày chỉ kiếm được 15 usd. Mà đâu phải công việc có đều, đâu phải mùa nào cũng có thể leo núi. Đã vậy đợt động đất vừa rồi, toàn bộ tour trekking đều hủy hết.

Luôn luôn ăn sau khách sau những giờ mang vác hành lý cho khách trekking

Nhà của bạn Uttam tan hoang. Vậy mà lúc trekking, bạn vẫn điềm tĩnh không than thở, không rầu rĩ tỏ ra sốt ruột đòi về cho chúng tôi yên tâm đi tiếp hành trình. Chỉ đến ngày cuối, hỏi ra tôi mới hay hoàn cảnh nhà bạn. Tôi hỏi bạn nhớ nhà lắm phải không, bạn gật đầu. Hỏi bạn khi nào mới có thể dựng lại nhà. Bạn nói “ khó lắm”. Mấy hôm nay, bạn cùng vợ và đứa con trai nhỏ mới tám tháng tuổi ở một cái lều tạm bợ trên nền đất. Chính quyền viện trợ được 2 kí gạo và 2 bịch bánh quy. " Tôi có thể ở bất kỳ nơi đâu, nhưng con trai tôi nhỏ quá, nó có nhiều vấn đề". Tối qua tôi hỏi, bạn nói.

Một người bạn trên facebook nhờ tôi gửi một chút quà đến bạn, bạn nghẹn ngào cảm kích. Nhưng tôi có làm gì cho bạn đâu. Còn người bạn gửi quà lại càng muốn ẩn danh. Chỉ có mỗi mong mỏi rồi bạn và gia đình rồi sẽ có cuộc sống tốt hơn, một tương lai tốt hơn. Tụi nhóc trong nhóm trekking của tôi cũng chung tay góp chút quà cho bạn.

Là mấy đứa con nít trên núi Hymalaya- da đen nhẻm, hai gò má nứt nẻ vì nám. Thấy tôi chăm chú nhìn, cậu bé tự động chắp hai bàn tay lên chào to: "Namaste!".

"Namaste!" - Con chào cô!

Là cô bé ở cùng gia đình trong ngôi nhà tưởng bỏ hoang vì rêu phong đổ nát ở cái đền chuyên đốt xác người chết bên dòng sông cạn nước. Chẳng biết ngôi nhà ấy có cầm cự nổi trong trận địa chấn vừa rồi hay không.

Là lũ trẻ con ở khu vô gia cư sau trận động đất. Đứa thì làm phiên dịch cho cha mẹ. Đứa thì mang cho tôi ly nước mời uống. Đứa thì xúc bùn bỏ vào chai, trò chơi trong những ngày không nhà không cửa.

Xúc bùn vào chai, trò chơi trong những ngày không nhà không cửa

Là hai cha con người bán rau cải ở góc Dubar Square. Bé gái phụ cha gọt những củ cải héo úa trong buổi trưa trời gay gắt nắng. Cặm cụi, lui cui…

Mong bình yên với họ. Những người tôi thương trên đường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm