Ứng xử với tượng là ứng xử với ký ức đô thị!

Nó là kỷ niệm, TP cũng đã bàn việc mang tượng về đặt sao cho trang trọng. Ứng xử với tượng, dù đẹp dù xấu cũng là ứng xử với một phần ký ức của người dân đô thị…”.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM Khương Văn Mười (ảnh) đã bắt đầu buổi trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM bằng một nhận định như thế nhân việc UBND TP.HCM chấp thuận di dời tượng Trần Nguyên Hãn về Công viên Phú Lâm, quận 6.

Hầu hết tượng trước 1975 đều xuống cấp nặng

. Phóng viên:Nhiều người cho rằng di dời tượng đài Trần Nguyên Hãn về Công viên Phú Lâm chỉ là giải pháp tình thế của TP trong khi tượng đã xuống cấp trầm trọng?

+ Kiến trúc sư Khương Văn Mười: Đây không phải là giải pháp tình thế mà là đặt tạm để dễ bảo quản, tránh hư hỏng thêm. Cũng ở Công viên Phú Lâm, tượng Lê Lợi đã được đưa về đây một năm nay rồi, có ràng rịt, che đậy tránh xuống cấp thêm. Không phải bây giờ, khi các tượng gần như rệu rã thành phố mới để mắt tới. Cách đây mười mấy năm, lãnh đạo TP đã có kế hoạch. Tuy nhiên, thời gian kéo dài vì cần chờ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết khu trung tâm hoàn thành mới tính tới được. Giờ thì quy hoạch chi tiết khu trung tâm 930 ha đã hoàn thành, đây là nền tảng để bố trí hệ thống tượng đài mới cũng như kế hoạch tu sửa, tái xây dựng các tượng đài cũ phù hợp với quy hoạch chung về kiến trúc cảnh quan đô thị.

. Ông có thể khái quát sơ bộ tình trạng nhóm tượng được xây dựng trước 1975? Và đây có phải là dạng kiến trúc được bảo tồn không?

+ Nhóm tượng trước 1975 hầu hết bằng bê tông. Kỹ thuật thời đó cũng đơn giản là khung sắt, lưới thép rồi đắp bê tông vô. Lưới thép cũng bị sét mục do thấm nước theo thời gian. Tình trạng gãy bể đã có và sẽ xảy ra cho tất cả tượng. Yếu tố nghệ thuật của nhóm tượng này cũng có giới hạn, tượng mất tỉ lệ nhiều quá, nét đẹp hình khối kém. Về giá trị mỹ thuật, hình dáng tượng là một yếu tố quan trọng quyết định. Nói tới hệ thống tượng đài của thế giới, điều người ta chú trọng nhất là yếu tố nghệ thuật và trước hết, tượng cần thể hiện được nội dung để từ đó tạo được cảm xúc cho người chiêm ngưỡng.

Tượng đài Trần Nguyên Hãn tại công trường Quách Thị Trang là một hình ảnh mang nhiều ký ức của người dân Sài Gòn. Ảnh: HTD

Kiến trúc thuộc dạng bảo tồn thì Sở VH-TT&DL và Hội Mỹ thuật đánh giá. Theo tôi biết thì không có tượng nào trong nhóm này đạt. Nhìn chung 11 tượng đài có trước 1975 chưa thể hiện được nội dung, một số tượng không được đặt ở vị trí phù hợp. Ví dụ, tượng vua Lê Lợi thì thần thái cần uy nghi thế nào? Tượng Thánh Gióng ở cuối đường Cách Mạng Tháng Tám, phải vừa có khí phách vừa thể hiện được nét trong sáng của một đứa trẻ lên ba chứ không phải bị già so với tuổi như nhiều người nhận định. Tượng vua Quang Trung nằm ở phía trước chợ Nguyễn Tri Phương cũng không phù hợp.

Không cứ cũ là đập bỏ

. Kế hoạch ứng xử sắp tới của TP sẽ thế nào với nhóm tượng này, ví dụ trường hợp tượng Lê Lợi, khi vị trí cũ chắc chắn là không còn phù hợp?

+ Quy trình chung là thế này, nếu tượng có kế hoạch đặt ở công viên, tác giả quy hoạch phải xác định được chiều cao tượng, chất liệu, vị trí, hướng đặt tượng trong tổng thể quy hoạch chung của công viên. Sau khi quy hoạch được duyệt, lúc đó mới quay lại tính chuyện có dùng lại tượng cũ hay không. Có thể tu bổ lại tượng cũ hoặc làm lại đúng tượng đó với chất liệu khác như đồng hoặc bê tông bằng cách đổ khuôn lại. Mỗi tượng mỗi tình trạng riêng, nếu tượng hư hỏng nhiều và không ổn trong hình khối thì chắc chắn phải làm tượng mới.

. Nếu xem cầu vượt là giải pháp ưu tiên để giải quyết vấn đề giao thông đô thị thì liệu sẽ còn nhiều tượng nữa cùng chung số phận như tượng Lê Lợi hiện nay? Vai trò của Hội Kiến trúc sư TP.HCM trong việc bảo vệ các tượng đài này?

+ Tượng nói riêng và kiến trúc cảnh quan đô thị thể hiện được trình độ quản lý nhà nước, trình độ thẩm mỹ nghệ thuật của xã hội. Vai trò của Hội Kiến trúc sư TP.HCM là đơn vị tham mưu cho ủy ban trong kế hoạch dài hơi này. Sẽ lần lượt tính từng tượng một theo điều kiện thực tế để dần dần, người dân được thụ hưởng nhiều hơn những không gian tượng đài đẹp đẽ đúng nghĩa. Ngày trước, dân số TP là 2-3 triệu dân, giờ lên 10 triệu, giao thông buộc phải phát triển để đáp ứng nhu cầu đi lại của dân. Tượng đài theo đó cũng phải điều chỉnh, tìm giải pháp tốt hơn, phù hợp với sự phát triển chung của TP. Không cứ cũ là bỏ, có thể quy tập các tượng đài về một nơi nào đó để lưu giữ. Nó là kỷ niệm, TP cũng đã bàn việc mang các tượng nào về đặt sao cho trang trọng. Ứng xử với tượng, dù đẹp dù xấu cũng là ứng xử với một phần ký ức của người dân đô thị.

Chẳng hạn, khu vực vòng xoay trước chợ Bến Thành, các tuyến ống hơi metro sẽ mọc lên hàng loạt. Ủy ban TP đã giao cho Sở QH-KT nghiên cứu lại không gian khu vực này. Giải quyết vấn đề giao thông, các tuyến lên xuống cho metro, sau đó mới tính chuyện giữ lại tượng hay không. Vấn đề lớn nhất vẫn là tổ chức, bố cục không gian chung sao cho đẹp.

. Xin cảm ơn ông.

QUANG HÒA thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm