Đứng ngồi không yên với giải trí qua tivi

Chưa bao giờ trên truyền hình các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc, ca nhạc, hài… nhiều như hiện nay. Và dường như lường trước được yếu tố bão hòa các chương trình này cũng như tạo món ăn mới cho khán giả ngồi trước màn hình, các nhà sản xuất và các đài đã bắt đầu thực hiện những chương trình giải trí mang tính vận động, thể thao nhiều hơn.

Cùng trẻ em ứng phó cuộc sống

Chương trình vận động đang gây sốt nhất trên sóng truyền hìnhSasuke Việt Nam - Không giới hạn (20 giờ thứ Năm hằng tuần trên VTV3); kế tiếp là chương trình truyền hình thực tế với các trò chơi đầy thử thách và đã trụ được trên truyền hình qua bốn mùa là The Amazing Race - Cuộc đua kỳ thú (21 giờ 10 phút thứ Sáu hằng tuần trên VTV3); chương trình mới nhất gia nhập danh sách trò chơi vận động trên truyền hình là Cầu thủ nhí 2015 (10 giờ 10 phút thứ Bảy hằng tuần trên kênh HTV7).

Nếu trong suốt ba mùa qua, khán giả khóc cười với những đội xanh, đội đỏ, đội hồng… trong Cuộc đua kỳ thú thì năm nay khi xem chương trình khán giả còn phải mướt mồ hôi căng thẳng với những thử thách ở Luang Prabang, Xiengkhuang của đất Lào - nơi không phải là vùng đất các đội chơi có thể làm “thổ địa”. Những thử thách trong Cuộc đua kỳ thú không chỉ là thử thách sức mạnh cơ bắp mà là thách thức sức bền, kiên nhẫn của các đội chơi với nhau, nội bộ đội chơi cũng như thử thách khán giả làm sao khi xem mà không “quạu” với đội mình thích chỉ vì một vài chi tiết sai nho nhỏ mà mất thời gian về đích.

Bắt đầu phát sóng số đầu tiên vào ngày 15-8, Cầu thủ nhí 2015 là chương trình kết hợp được hai yếu tố khán giả quan tâm nhất hiện nay là trẻ em và bóng đá. Chương trình đã tuyển sinh nhiều tháng trước trên khắp cả nước để cuối cùng chọn ra 12 em trong độ tuổi 8-10 tuổi, có niềm yêu thích bóng đá cùng tập trung vào một ngôi nhà chung. Huấn luyện viên Đoàn Minh Xương, người cố vấn chuyên môn của chương trình, một gương mặt lão làng trong bóng đá khi phát hiện được nhiều tài năng trẻ của Việt Nam để đem đến các giải đấu chuyên nghiệp, cho rằng: “Cái hay của Cầu thủ nhí 2015 là thông qua chương trình các em khám phá được thế giới tuổi thơ của mình, các em có dịp cùng vui buồn trong cuộc sống; và hơn cả, ngoài vai trò là môn thể thao, bóng đá còn giúp các em biết sử dụng sức mạnh mềm trong ứng phó cuộc sống”.

Chính từ ý nghĩa đó mà Cầu thủ nhí 2015 không đặt nặng chuyện thắng thua như các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát, bởi các em tham gia đều có cơ hội như nhau ở giải đấu giao hữu tại Hàn Quốc, bởi các em phải hòa đồng, đoàn kết mới là một đội bóng mạnh.

Sasuke Việt Nam - Không giới hạn là chương trình khơi gợi niềm yêu thích thể thao ở khán giả. Ảnh: BTC cung cấp

Nâng tinh thần thể thao tại nhà

Lên sóng trước dự kiến ba tháng và hiện đang thu hút lượng khán giả xem cao kỷ lục ở khung 20 giờ thứ Năm là Sasuke Việt Nam - Không giới hạn. Với những thử thách: dậm nhảy, bám trụ, người nhện nhảy, trượt vòng, vượt cầu chữ X… Sasuke Việt Nam nhắc nhớ người xem đến Trò chơi vận động liên tỉnh trên sóng truyền hình cách đây gần 20 năm. Nhưng nếu năm 1996, Trò chơi vận động liên tỉnh được Đài Truyền hình Việt Nam bắt tay sản xuất đề cao tính đồng đội thì Sasuke Việt Nam chú trọng đến yếu tố thể lực, sự bền bỉ của từng cá nhân.

Chính vì thế, ban tổ chức chương trình đã chi 2 tỉ đồng để mua bảo hiểm cho người chơi và công trình của chương trình này.

Khác biệt lớn nhất so với tất cả chương trình hiện tại trên sóng VTV, đó là Sasuke Việt Nam - Không giới hạn là chương trình truyền hình do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) trực tiếp sản xuất. Sở dĩ VTV chọn Sasuke bởi đây là chương trình giải trí - thể thao đặc biệt của Nhật Bản đã được sản xuất sang năm thứ tám tại Nhật Bản với 31 mùa. “Tại Nhật Bản tên gọi chương trình là Sasuke Rising và ngay tại Nhật, rất nhiều gia đình tự làm những dụng cụ tập thể dục tại nhà như các dụng cụ được làm thử thách trong chương trình, họ đặt tên các dụng cụ đó là Sasuke và hằng ngày tập luyện thể thao với dụng cụ đó” - nhà báo Lại Văn Sâm, bình luận viên của chương trình, chia sẻ.

Từ việc đề cao tính cá nhân, mỗi người chơi phải dùng thể lực, sự khéo léo, trí thông minh để vượt qua hàng chục trò chơi vận động liên hoàn đã làm nên sức hấp dẫn của chương trình; và cũng giúp Sasuke vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản đến với 160 quốc gia mua bản quyền sản xuất. Trong đó phiên bản thành công nhất là phiên bản tại Mỹ với tên gọi American Ninja Warrior (Chiến binh Ninja Mỹ).

Có thể nói sau những tràng cười từ chương trình hài, những pha ngồi uể oải xem các chương trình ca hát với những gương mặt cũ… thì “việc VTV đầu tư sản xuất của Sasuke một mặt để thay đổi món ăn cho khán giả, mặt khác muốn người xem dần yêu thích hơn những trò vận động để trong ngày thường chú trọng hơn việc tập thể dục, thể thao” - nhà báo Lại Văn Sâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm