‘Được vinh danh rồi thì ngăn ngừa lố lăng!’

Đánh giá về sự kiện này, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay đây là tin vui to lớn đối với tỉnh Nam Định, nơi được vinh dự thay mặt cả nước chủ trì xây dựng hồ sơ trình UNESCO nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Hồ sơ được UNESCO thông qua không cần thảo luận

Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), người đã tham dự phiên họp ngày 1-12 của UNESCO, đã chia sẻ trên trang cá nhân: “... Lần đầu tiên UNESCO vinh danh người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu. Hồ sơ viết với chất lượng cao và là 1/18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận. 19 hồ sơ khác tranh luận quyết liệt, kể cả di sản Yoga của Ấn Độ. Cùng đợt vinh danh này có cách sản xuất 1.500 loại bia của Bỉ, điệu nhảy Rumba của Cuba và săn mồi bằng chim ưng của 18 nước đồng trình. Hy vọng một ngày tết cổ truyền của Việt Nam được công nhận…”.

Vinh danh người phụ nữ Việt

Cũng theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận với những tiêu chí nổi bật, trong đó có việc bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị đặc sắc bởi di sản gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của người dân, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay.

Bên cạnh đó đây cũng là kết quả của sự quyết tâm cao và nỗ lực của tỉnh Nam Định trong việc đề cử hồ sơ; sự tham gia tích cực của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ VH-TT&DL); các nhà khoa học cùng các nghệ nhân trong công tác xây dựng hồ sơ; sự phối hợp hiệu quả của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trong công tác quảng bá, tuyên truyền “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” cho ngoại giao đoàn tại Việt Nam, cho chính giới, công chúng nước ngoài và các chuyên gia di sản phi vật thể của UNESCO và thế giới, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của các chuyên gia và các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003.

Hầu đồng - một thực hành nghi lễ đặc biệt trong tín ngưỡng đạo Mẫu.

Còn theo GS-TS khoa học Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, một trong những yếu tố để “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được công nhận bởi đây là một tín ngưỡng đa văn hóa, thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

“Đây là ý nghĩa duy nhất chỉ có ở tín ngưỡng của Việt Nam. Trong số khoảng 50 vị thần mà tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ thì có tới hơn chục vị thần là người dân tộc thiểu số. Điều đó cho thấy ngay từ rất sớm, người Việt Nam đã ý thức được vấn đề hòa nhập văn hóa. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng và luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa. Đây là vấn đề của cả nhân loại, cả thế giới đang kêu gọi” - GS Ngô Đức Thịnh khẳng định.

“Làm không đúng họ sẽ phê phán”

Theo GS Ngô Đức Thịnh, việc công nhận này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ khi đã được quốc tế vinh danh thì không phải của riêng Việt Nam nữa mà là vấn đề của quốc tế. “Chúng ta làm đúng họ hoan nghênh, không đúng họ sẽ phê phán” - ông Thịnh nói.

Cũng theo GS Ngô Đức Thịnh, khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc cần thiết là nghiên cứu, tìm hiểu, khôi phục những làn điệu hát văn đã thất truyền, đưa vào phục vụ đời sống. Bên cạnh đó phải nhận diện, kiên quyết loại bỏ những sai lệch, những trò lố lăng, sai với tín ngưỡng trong hầu đồng. “Trước đây, một số trò lố lăng mà người dân không biết, đã thực hiện làm biến tướng hầu đồng. Giờ đây những điều đó đã được loại bỏ nhưng nguy cơ vẫn còn, vì vậy phải chuẩn bị một sự hiểu biết, một lực lượng nghiên cứu tốt, sự nhận thức của người dân không tốt thì sẽ bị lợi dụng để làm sai lệch tín ngưỡng” - GS Ngô Đức Thịnh bày tỏ.

Còn TS Nguyễn Ngọc Mai, Trưởng phòng Nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống (Viện Nghiên cứu tôn giáo), thì cho rằng cái gì tồn tại thì tất yếu đang thực hiện chức năng tích cực với xã hội và thờ Mẫu đã là hiện tượng như thế.

“Vậy thì mọi cách thức chỉ nên là định hướng, tạo ra tiền đề cho nó phát triển chứ đừng mang tính chất can thiệp, quản lý. Tuy nhiên, việc phổ biến những giá trị của nó mang lại và có nêu ra tính hai mặt của vấn đề là việc nên làm” - bà Mai cho hay.

Bà TRẦN THỊ HOÀNG MAI, Phó Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Quốc gia Việt Nam:

Sẽ đưa tín ngưỡng thờ Mẫu ra nước ngoài

Thời gian qua, ở trong nước, chúng tôi đã tổ chức cho các đoàn ngoại giao tới Nam Định để xem thực hành tín ngưỡng như thế nào. Đối với nước ngoài, các cơ quan ngoại giao của chúng ta đã phối hợp với Bộ Văn hóa cho chính khách, công chúng nước ngoài xem. Sau này, những hoạt động quảng bá sẽ được tiếp tục. Thời gian tới chúng ta cũng đẩy mạnh đưa đoàn trình diễn tín ngưỡng thờ Mẫu ra nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm