Gà chọi giá... nghìn đô

Nơi đây từng là thương cảng tấp nập thuyền bè ngược xuôi ra vào bến sông Như Nguyệt, mang đi những đồ gốm thổi hồn từ đất. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây còn là làng nuôi và chơi gà chọi nổi tiếng khắp ba miền.

Chơi gà từ thủa lên ba

Bước vào làng Thổ Hà trên những con đường nhỏ hẹp được lát bằng thứ gạch đỏ truyền thống đã phai màu vì thời gian. Nhà cửa san sát, mái ngói nhuốm màu rêu phong. Đi từ đầu làng tới cuối xóm, nhà nào nhà nấy cũng nuôi gà chọi, ít là năm, bảy con. “Nhiều gia đình đã đổi đời nhờ gà, bởi có những con gà trị giá 5-7 triệu, thậm chí có con lên tới 60-70 triệu đồng, một số tiền không nhỏ đối với người dân nơi đây, chẳng thế mà trẻ lên ba ở đây đã biết mang gà đi đá”, ông Nguyễn Công Lợi, trưởng thôn chia sẻ.

Gà chọi giá... nghìn đô ảnh 1
Những buổi chiều cuối tuần, bên gốc đa làng người ta dễ dàng bắt gặp những đám đông tụ tập đứng vòng trong vòng ngoài, chen lấn cố xem những miếng đánh “dọc”, “mé” của những cặp gà chiến đang hồi gay cấn, bất phân thắng bại. Người dân ở đây nói vui: “Tivi, tủ lạnh thì có thể thiếu, nhưng không thể thiếu gà chọi được, thiếu gà là cuộc sống mất đi niềm vui”... Để có được những con “gà chiến” tốt không phải dễ dàng, đầu tiên giống phải tốt. “Chọn gà chọi phải chọn những con hình dáng “đầu công, mình cốc, cánh vỏ chai” thân thoai thoải bắp chuối, háng gà rộng, dài... đấy mới đạt tiêu chuẩn”, ông Chỉ (73 tuổi) một cao nhân trong làng gà kể. Gà chọi Thổ Hà được tuyển từ trong trứng, cho đến lúc nở và nặng tầm 6-7 lạng, đủ tiêu chuẩn để lọt vào mắt chủ là cả một quá trình. Sau khi được lựa chọn kĩ lưỡng, gà sẽ được huấn luyện thử đánh 1-2 hồ (mỗi hồ dài 15-20 phút) để chọn ra những con gà có miếng đánh hay, hiểm. Qua nhiều trận, gà sẽ được vần sức chịu đựng, tăng sự dẻo dai. Một công đoạn không thể thiếu khi luyện gà chiến là “om trường”. Nghĩa là mỗi ngày 2-3 lần chủ gà đun lá tre, củ nghệ, lá chè tươi đun sôi giã nát, tất cả bọc vào một miếng vải ắp vào gà, xoa bóp, lăn. Cách làm này làm cho da gà săn chắc, dày nhất để khi chiến đấu có bị thương cũng không hề hấn gì. Chẳng vì vậy mà đôi bàn tay từ già tới trẻ trong làng ai ai cũng một màu vàng. Sau thời kì “om trường”, những chú gà được huấn luyện, chăm sóc bởi một chế độ đặc biệt. Thức ăn của chúng chủ yếu là thóc và ốc hến. Để tăng tính chiến đấu, chủ gà cho gà “chạy bu” nghĩa là con trong, con ngoài chạy, cứ đánh 1 hồ lại nghỉ, nhốt vào bu, cho chúng nhìn nhau mà hăng tiết muốn đánh đối phương. Sau thời gian rảnh rỗi này, là đến thời kì “vần hơi, vần đòn”. Đây là thời gian gà chiến được tập luyện hàng ngày, tập những miếng đánh hiểm, lối sở trường làm quen thế trận chuẩn bị nghênh chiến. Trước khi thành gà chọi chuyên nghiệp phải trải qua những trận đá tuyển trong xóm, các xóm giao hữu rồi mới tới những hồ gà làng. Chẳng thế mà khi tới làng Thổ Hà không khó để bắt gặp những sới gà nhỏ, đây chính là những trận đánh để các lão nông tuyển chọn gà chiến. Biết được sở trường sở đoản của từng con gà, từ đó bổ sung kinh nghiệm cho những hồ gà sau. Những chú gà giá vài nghìn đôChỉ cần nghe tin có gà nơi khác tới “nghênh chiến”, dân làng Thổ Hà bận việc gì cũng bỏ. Cả gà và khách được tiếp đón chu đáo chuẩn bị cho những hồ gà nảy lửa. Ban đầu chỉ là những trận đấu giao hữu giữa các làng, xã với nhau. Dần dà dân chọi gà rỉ tai nhau, các tỉnh bạn đưa gà tới thách đấu. Tiếng lành đồn xa, cứ thế gà chọi từ mọi miền đổ về Thổ Hà phân cao thấp. Vì thế không ít những trận đấu nảy lửa, sinh tử đã diễn ra ở ngôi làng nhỏ bé này. Chuyện kể rằng, thập kỉ 60 của thế kỉ trước cụ thân sinh ra ông Trịnh Xuân Lác ở xóm 4, có con gà “Mây” một thời làm mây làm gió khắp 3 miền, rồi sang cả nước bạn Lào, Cam. Con gà này được mệnh danh là “quỷ kê” bởi nó ra trận nào là toàn thắng, chỉ 2 hồ là dứt điểm được đối thủ. Chân, vai, mào nó xù sì như quỷ, mình cứng như thép. Với những cú đá “hầu dọc” nguy hiểm xe toác hầu gà Thái Lan sang thách đấu năm 1964, hạ gục sau một đêm ngày ròng rã chiến đấu không nghỉ. “Sau thời gian không có đối thủ con gà “mây” của bố tôi chết vì già...”, ông Lác ngậm ngùi kể. Trong các miếng đánh của gà chiến, nguy hiểm nhất phải kể tới đá “hầu dọc” có thể giết chết đối thủ sau vài miếng. Kế đến là những cú đá kiềng, đá vào hai đầu cánh gà; rồi đá mé là đá vào hai mang tai; đánh dọc đánh thẳng vào đầu gà... Mỗi trận hồ gà được cân nhắc kĩ lưỡng, bởi phải “sóng gà”, cân, đo về chiều cao cân nặng, cựa... để chọn ra những đối thủ phù hợp. Gà nặng từ 2,5 kg – 2,7 kg là dễ ghép gà nhất. Còn trọng lượng gà trên 3kg thì khó ghép bởi những con gà này thường là gà già và kinh nghiệm chiến đấu cao. Gà chọi Thổ Hà nổi danh sau những trận đánh không có hồi kết, bởi sự dẻo dai, gà đẹp, nguồn gen tốt, nhiều miếng đánh hiểm... Bởi vậy, khách tới làng mua gà chọi rất thích gà của những bậc cao niên, bởi chúng đã được tuyển chọn rất kĩ lưỡng, họ không tiếc tiền cho những cặp gà chiến ưng ý. Vài năm trở lại đây nuôi gà chọi đang trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Khách mua gà đủ 3 miền, có khi có cả khách Trung Quốc, Lào, Cam tới “nghênh chiến”... và mua bằng được những con gà đã thắng gà mình. Những năm 1995-1996, nhiều gia đình đã bán gà với giá 5- 6 triệu đồng/con, vì thế những con gà chiến với giá 10-15triệu đồng hiện nay “chỉ là chuyện thường ở phố huyện”. Con gà đang giữ kỉ lục ở Thổ Hà với giá 3.500 USD do một đại gia ở Hà Nội trả giá khi thắng con gà của mình. Đó là con “Hắc kê” của anh Hoan, xóm 3, bởi những miếng đánh hầu dọc, đánh kiềng cực hay. Kể từ khi ra sới nó chưa nếm mùi thất bại. Thổ Hà eo ở phía Đông giống như hình con rồng quay lại chầu chốn Tổ. Ở phía Tây tựa hình con hổ ngồi chầu về phía tôn miếu. Ở phía Nam thì đỉnh non nguyệt ghi rõ trong sách trời. Phải chăng thiên thời địa lợi đã sản sinh ra những chú gà chiến không biết mệt, giúp người dân nơi đây đổi đời.
(Theo VNN/GĐXH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm