Giao Tiên - Nhạc sĩ tài hoa, lận đận

Vào đầu tháng 8 này, nhạc sĩ Giao Tiên sẽ cho phát hành tuyển tập nhạc gồm 70 bài để kỷ niệm tuổi 70 – trong đó hai phần ba là những tình khúc đã làm nên tên tuổi Giao Tiên và đi vào lòng công chúng từ 40 năm qua. Đây chỉ là một phần trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Giao Tiên (gần 700 ca khúc) mặc dù ông bắt đầu sáng tác khá muộn, khi đã ở tuổi 30, và không viết gì trong gần 20 năm sau 1975...

Hai mươi năm “mất tích”
 
Sau năm 1975, nhiều cá nhân mượn danh “bạn của Giao Tiên” cũng như nhiều hãng băng đĩa trong và ngoài nước đã liên tục in ấn, phát hành nhạc Giao Tiên trong hơn 10 năm mà chẳng hỏi qua tác giả một tiếng – thậm chí họ còn bỏ tên Giao Tiên để điền tên người khác vào! Có lẽ họ tưởng Giao Tiên đã... chết hay mất tích! Mà thật sự gần như nhạc sĩ Giao Tiên đã “mất tích” sau năm 1975. 

Giao Tiên - Nhạc sĩ tài hoa, lận đận ảnh 1

Nhạc sĩ Giao Tiên ở tuổi 70 (ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhạc sĩ kể sau giải phóng, ông dắt vợ con đi kinh tế mới ở Bù Đăng, Sông Bé. Suốt 10 năm làm rẫy, trồng trọt không ra sao, nhạc sĩ Giao Tiên lại dắt vợ, con lên Lâm Đồng, nơi người cháu có một lò đường, làm thợ nấu đường và lấy mật mía nấu rượu. Thất bại, chuyển sang trồng rau củ cũng không thành công, năm 1989, ông đưa bầu đoàn thê tử xuống Cam Ranh nuôi tôm.
 
Tôm chết, sạt nghiệp, bán đìa trả nợ. Rồi vợ chồng chuyển sang nghề nấu bánh chưng. Vợ gói, chồng nấu, chở đi bỏ mối, bán dạo. Thế mà cũng kiếm đủ tiền nuôi con ăn học. Năm 1993, đang đi bỏ mối bánh chưng, nhạc sĩ Giao Tiên nghe loa của người bán cà-rem phát nhạc mình. Cả đĩa toàn nhạc của Giao Tiên do hãng Vafaco ấn hành. Ông vào Sài Gòn, đến tận hãng đĩa Vafaco để hỏi rõ ngọn ngành, té ra một người bạn cũ đã bán nhạc của ông cho Vafaco.
 
Chịu nhiều thiệt thòi
 
Về chuyện bị ăn cắp bản quyền, thay tên tác giả, nhạc sĩ Giao Tiên tâm sự: “Có lẽ ở Việt Nam, tôi là nhạc sĩ chịu nhiều thiệt thòi nhất trong nhiều năm. Giờ thì đỡ hơn rồi, nhưng những thủ đoạn ăn cắp bản quyền vẫn còn rình rập mà mình không lường trước được”. 

Năm nay đã bước sang tuổi 70, cái tuổi mà người Đông phương xưa vẫn cho là “cổ lai hy”, nhưng nhạc sĩ Giao Tiên còn khá khỏe khoắn, nhanh nhẹn và lạc quan yêu đời, yêu người với đôi chút hồn nhiên.

Nghi ngờ là phải, bởi đã có biết bao hãng băng đĩa ở hải ngoại đã cho phát hành rất nhiều ca khúc của Giao Tiên mà chẳng đếm xỉa gì đến tác giả.

Đó là các trung tâm Thúy Nga, ASIA, Vân Sơn, Người đẹp Bình Dương... Chẳng những thu đĩa, phát hành thoải mái nhạc của Giao Tiên mà họ còn “thay tên, đổi họ” tác giả. Cụ thể: bài Cô Thắm về làng, Trung tâm Thúy Nga giới thiệu là của Hoàng Thi Thơ, bài Vó ngựa trên đồi cỏ non, trung tâm này lại giới thiệu của Ngân Giang! Đặc biệt, cây hài Vân Sơn tự ý thu đĩa 4 bài của Giao Tiên, ông đã liên lạc đòi mãi, Vân Sơn mới trả được 200 USD! Ông Vân Sơn còn lừa Giao Tiên gửi cho ông nhiều bài để làm album nhưng rồi ông này xé lẻ ra thu VCD từng bài một, cụ thể như Chôn vùi tâm sự, Nhớ nhau trong đời, Hào hoa... mà chẳng đề tên tác giả cũng chẳng trả tiền bản quyền.
 
Giao Tiên gọi điện sang Mỹ, thấy số Giao Tiên là Vân Sơn cúp máy. Đã hơn 10 năm nay, Vân Sơn vẫn cứ lẩn trốn. Và còn nhiều, rất nhiều ca sĩ hải ngoại như Phi Nhung, Tuấn Vũ, Trường Vũ... cũng đã tự ý lấy nhiều bài nổi tiếng của Giao Tiên thu âm, phát hành. Thậm chí có người còn đổi tên bài hát, tên tác giả, như bài Hình bóng người yêu đã bị Phi Nhung đổi thành Người yêu hoa tím! Ba ca sĩ nói trên đã thu của Giao Tiên gần cả trăm bài hát nhưng lờ đi chẳng trả một đồng nhuận bút!
 
Ở trong nước, một thời gian dài hơn 20 năm, nhiều người tưởng Giao Tiên đã chết nên mặc sức lấy nhạc của ông in ấn, phát hành, thu băng đĩa, thay đổi tên tác giả. Đặc biệt nghiêm trọng nhất phải kể đến trường hợp V.S – một người cũng viết nhạc là chỗ quen biết với Giao Tiên trước năm 1975. Năm 1973, nhạc sĩ Giao Tiên có bán bản quyền cho V.S – lúc đó đang làm chương trình thu băng nhựa Akai và in nhạc tờ rời – bài Điệu ru ca tình yêu.
 
Khi in tên tác giả, ông này đã thêm tên mình bên cạnh Giao Tiên! Năm 1996, V. S đã lấy nhiều bài của Giao Tiên ký bán bản quyền và đề tên tác giả là Hữu Minh. Đó là các bài Mưa bụi hoàng hôn Còn đây câu hát lý theo chồng. Từ năm 1996 đến năm 1998, V.S đã lấy mấy chục bài của Giao Tiên bán cho hãng sản xuất Karaoke Phú Nhuận, trong đó có các bài nổi tiếng: Cô Thắm về làng, Tình đẹp mùa chôm chôm, Đường về quê, Quán gấm đầu làng...Toàn bộ các bài hát đều đề tên tác giả là V.S! Thậm chí năm 2006, V.S in 2 tập nhạc, trong đó có tới 21 bài nổi tiếng của Giao Tiên, có bài ông đề tác giả V.S, có bài đề tên chung với Giao Tiên, một số bài V.S đề tên vợ, con ông! Mãi đến khi các báo lên tiếng, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc phía Nam vào cuộc, V.S mới nhận sai trái và ký vào biên bản trả lại quyền tác giả cho nhạc sĩ Giao Tiên  (danh sách đến 90 bài!).

Âm nhạc là cơ duyên

Hồi còn học trung học, có lẽ do ảnh hưởng của người anh tham gia cách mạng, nhạc sĩ Giao Tiên đã mê và chép thơ Tố Hữu vào tập học trò, bị mật vụ chế độ Ngô Đình Diệm phát hiện, bắt giam ở nhà lao Biên Hòa.
 
Cũng là cái duyên may, trong tù có một ông thầy giáo dạy nhạc bị tình nghi Việt cộng thấy Dương Trung (tên thật của nhạc sĩ Giao Tiên) ăn nói dễ thương lại mê nhạc, ông đã dạy nhạc lý căn bản cho.
 
Sau đảo chính Ngô Đình Diệm, đầu năm 1964, ông được trả tự do, rồi bị bắt quân dịch, nhưng cơ duyên lại đưa Dương Trung làm lính cần vụ (hầu cận). Ở đây quá rảnh rang, Dương Trung bèn tập tễnh viết nhạc. Quán gấm đầu làng, Cô Thắm về làng, Tình đẹp mùa chôm chôm, Vó ngựa trên đồi cỏ non... những nhạc phẩm đã làm nên tên tuổi Giao Tiên và đi vào lòng người hâm mộ từ hơn 40 năm qua.
 
Âm nhạc Giao Tiên vốn gần gũi với âm điệu dân ca, ca từ mộc mạc, chân thành (giống như tính cách con người Giao Tiên) nên dễ nhập tâm người nghe. Rất nhiều ca khúc của Giao Tiên đã đi vào tiềm thức, đồng hành với vài thế hệ.


Theo Phạm Chu Sa (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm