Hà Nội những ngày B52...

Lúc này phóng viên ảnh Chu Chí Thành sau những ngày "thử lửa" tại tuyến lửa Khu 4 (Vĩnh Linh, Quảng Bình, Nghệ An...) đã trở ra Hà Nội và tiếp tục làm công việc được phân công - chuyên trách về quân sự và chính trị ngoại giao của Thông tấn xã VN. Sau đó, Chu Chí Thành được Thông tấn xã VN phân công trực chiến tại Hà Nội để kịp thời ghi lại các sự kiện chiến sự.

Người Hà Nội đi sơ tán.
Người Hà Nội đi sơ tán.

Trong 12 ngày ngút ngàn khói lửa đó, ở cương vị của một nhà báo nhiếp ảnh, một chứng nhân lịch sử, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng hai chiếc máy ảnh (Praktica và Exakta) được trang bị cho phóng viên quân sự, ông đã xông xáo, lăn lộn khắp các điểm nóng của Hà Nội để "chép sử bằng hình", ghi lại được nhiều hình ảnh về cuộc chiến đấu ngoan cường và khốc liệt của quân và dân nơi đây.

Với Chu Chí Thành, lần đi chụp ảnh Bệnh viện Bạch Mai và khu phố Khâm Thiên đã để lại trong ông những ký ức không thể quên của cuộc chiến: 4 giờ sáng ngày 22-12, máy bay B52 ném bom hủy diệt Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện trúng bom tan hoang, nhiều bệnh nhân chưa kịp sơ tán cùng một số bác sĩ trực chiến bị bom sát hại, bệnh viện gần như bị tê liệt, chỉ còn những đống gạch vụn, đổ nát.

Còn cuộc giội bom B52 xuống khu phố Khâm Thiên, chính ông cũng cảm nhận dường như cái chết đã cận kề: "...Người cứ run lên,...cố kìm nỗi ám ảnh sống chết. Vì nếu như có thoát chết cũng chỉ trông vào sự may rủi ngẫu nhiên thôi!". Sáng hôm sau nhìn cảnh tượng ở phố Khâm Thiên muốn trào nước mắt, nhưng phải kìm nén cảm xúc lại để có được những "chứng tích" tố cáo tội ác của giặc Mỹ với bạn bè quốc tế

Khi được hỏi: "Nhiều phóng viên ảnh chiến trường đã làm triển lãm và ra sách từ rất lâu rồi, ông có thấy quá muộn khi bây giờ mới giới thiệu các bức ảnh chiến tranh của mình?", ông mỉm cười: "Đề tài chiến tranh nhắc đi nhắc lại cũng không bao giờ muộn. Thêm nữa, các bức ảnh luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với người xem bởi tính chân thật của nó. Tôi quyết định ra mắt triển lãm ảnh và sắp tới là sách ảnh nữa nhằm đánh dấu 40 năm cầm máy và nhân kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không"và 35 năm ngày ký Hiệp định Paris về ngừng chiến ở Việt Nam".

Những bức ảnh của Chu Chí Thành ít thấy khói lửa chiến tranh, nhưng từ những bức ảnh tưởng như yên tĩnh đó, ông đã mô tả được sự đau khổ tận cùng mà chiến tranh đem đến cho con người ở cả hai phía, đồng thời từ thẳm sâu của mất mát, đau thương ấy là quyết tâm chiến đấu, chiến thắng giành lấy hòa bình, thống nhất đất nước của quân và dân VN.

Quả thật, không bao giờ là muộn khi thế hệ trẻ hôm nay được chứng kiến quá khứ chiến tranh với những mất mát, đau thương nhưng cũng vô cùng hào hùng của cha anh chúng ta.

107 bức ảnh không thể quên

Bộ ảnh chụp về Điện Biên Phủ trên không Hà Nội - Hải Phòng của ông sẽ cùng với bảy nội dung nữa (Tuyến lửa Khu 4; Hà Nội, Hải Phòng 12 ngày đêm B52; Đường ra tiền tuyến; Đội quân không mặc áo lính; Vị Thủ tướng mà tôi kính yêu; Jane Fonda và bạn bè quốc tế; Hạnh phúc cho cả hai phía; Ngày đầu hồi sinh) được Chu Chí Thành chụp trong khoảng thời gian từ 1967 - 1973 tạo thành một bộ ảnh chiến tranh lớn (107 ảnh, trong đó có đến 40% là ảnh chưa công bố) mang tên "Những thời khắc không thể quên" ra mắt công chúng Hà Nội (ngày 12-12-2007) và "Ký ức chiến tranh" tại TP.HCM (ngày 25-12-2007) với sự bảo trợ và phối hợp thực hiện của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN, Thông tấn xã VN, Bảo tàng Cách mạng VN, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

THU HẢO - (Theo Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm