Hành trang quê nhà của Võ Đắc Danh

1. Sáng nay Võ Đắc Danh ra mắt sách, tập sách về người nhà quê của một nhà văn, nhà báo… nhà quê. Tác giả của nó nổi tiếng từ lâu, sống giữa Sài Gòn, có hai cô con gái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và làm việc ở Mỹ. Dù Võ Đắc Danh nhiều năm nay vẫn lái xe hơi đi tiệc, đi chơi với bạn bè thì gót chân vẫn đóng phèn và mắt anh vẫn đau đáu quê nhà. Anh, dù ở đâu thì nhân vật của anh vẫn luôn là những người thấp cổ bé miệng. Bởi chính Võ Đắc Danh cũng là người Sài Gòn bất đắc dĩ…

Nhân vật của Võ Đắc Danh chúng ta vẫn gặp mỗi ngày trên phố, ven đồng bưng, ở chốn cửa quan. Họ, tất thảy đều khốn khổ và có những người bế tắc. Là chị Tưởng, một người phụ nữ ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai gần như khánh kiệt sau những tháng ngày theo kiện. Là những người dân vùng đồng bưng sáu xã, thuộc Sài Gòn nhưng rặt quê, với đầy đủ những khốn khó chao động của một vùng quê đô thị hóa. Không chỉ cảm thông và mô tả, bút pháp văn học và sự sẻ chia tình cảm của Võ Đắc Danh với nhân vật đặt ra một vấn đề lớn hơn: Những va chạm, xung đột lợi ích của dân nghèo đô thị hóa và trách nhiệm lẫn phương thức quản trị xã hội của chính quyền. Văn của anh xúc động, chọn lọc chi tiết và tất thảy những gì anh viết đều mang tính thời sự. Nó không là thời sự của một ngày, nó là thời sự của một giai đoạn. Anh không viết chính luận nhưng sau mỗi tác phẩm đều là những vấn đề dân sinh, văn hóa mà cuộc sống “đặt hàng” cho chính quyền. Nó nhắc nhở người đọc rằng có một bộ phận dân cư đang bị bật ra bên lề dòng chảy đời sống.

Ở TP.HCM, Võ Đắc Danh sống tại vùng ven và việc của anh mỗi ngày, ngoài thời gian viết, vẫn là một ông nông dân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

2. Tôi đã đọc hầu như tất cả những gì Võ Đắc Danh xuất bản, trên báo, trên trang cá nhân của anh và thỉnh thoảng là trong những câu chuyện anh kể. Hôm đó, tòa soạnPháp Luật TP.HCM giao ban tin. Nhiều đồng nghiệp cho rằng thời buổi cạnh tranh thông tin khó có cái gì riêng để viết. Cũng hôm đó, báo Sài Gòn Tiếp Thị đăng bài “Người đàn bà bán chuối chiên” của Võ Đắc Danh. Người đàn bà đó chúng ta vẫn gặp trên phố mỗi ngày, tảo tần mưu sinh, sống lương thiện bằng sức lao động để nuôi một gia đình bi kịch và nghèo khó. Ai cũng thấy bà chuối chiên, nhiều người mua của bà, bà vẫn bán chuối chiên ở nơi vỉa hè đường Lê Lợi bao năm nay nhưng bà chỉ trở thành đề tài báo chí khi Võ Đắc Danh không chỉ nhìn thấy bà như mọi người vẫn thấy. Anh nhìn phía sau cuộc mưu sinh của bà là những hoàn cảnh, nỗi niềm, như đã từng nhìn thấy ở những phận cần lao khác.

Bài viết của Võ Đắc Danh thành một case-study về khai thác nhân vật. Nó cũng khiến nhiều nhà báo chúng tôi nhìn rõ hơn sự “lười biếng” của mình. Lười biếng nhìn và suy nghĩ lâu dần sẽ thành dửng dưng và dửng dưng thì không nhìn thấy những tầng vỉa, thân phận, không thấy sau mỗi cuộc đời người dân là vấn đề mà chính quyền cần giải quyết; không lý giải tận cùng được.

Võ Đắc Danh, trong các bút ký của mình không mấy khi lên án ai, anh nhẩn nha kể những câu chuyện như những nhát chém hằn vào lòng người đọc về những đau khổ, trái ngang, căm phẫn mà không hơn thua tranh biện. “Xin đừng ai nghĩ rằng tôi muốn tranh cãi với ai”, là câu kết trong một bài viết về một số phận bị vùi dập. Anh không tranh cãi, anh thả lửng đó cho người đọc tự giằng xé và lý giải, rồi nhớ hoài.

3. Một chiều mưa chín năm trước, ở căn nhà cũ của Võ Đắc Danh bên hông chợ Tân Định, anh hẹn vài người bạn đang bị hoạn nạn trong một biến cố nghề nghiệp đến. Không bàn tán gì nhiều về câu chuyện ấy, một bữa rượu đẫm mùi vọng cổ thay một cuộc chia tay. Giữa chừng, con gái anh đi xuống, câu chuyện ồn ào bữa rày trên báo chí nên cô bé hiểu. “Con ôm chú một cái nhé!”, cô nói với người đồng nghiệp của Võ Đắc Danh như vậy, khi đó tôi thấy con gái anh “già” hơn điều vẫn thấy ở học trò cùng lứa.

Đêm đó Võ Đắc Danh kể khi anh và vợ rời Cà Mau, đưa cả nhà lên Sài Gòn sống, điều ám ảnh anh nhất là những giọt nước mắt của con gái mình. Biết con nhớ quê, anh thả cái cuống rốn của con vô mật ong, ngâm cho nó tan ra, rồi pha rượu uống say. Danh nói với con rằng quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn của con, giờ cha mang nó theo, cha ở nơi nào thì nơi đó là quê hương. Câu nói ấy không phải là sự đoạn tuyệt quê nhà, mà là mang theo quê nhà, là quyết tâm phải sống đàng hoàng, ổn định ở vùng đất mới. Cô bé ngày đó được cha đưa lên cà phê lầu 33 để nhìn thành phố, nói: “Sài Gòn mênh mông lắm cha ơi, mình chen chân không nổi đâu”. Giờ, không chỉ chen chân Sài Gòn mà cô đã trở thành một nhà thiết kế đồ họa tại Mỹ, từng tham gia làm hậu kỳ cho một bộ phim bom tấn của Holywood. Thỉnh thoảng vào trang cá nhân của cô, tôi vẫn thấy thấm đẫm quê nhà. Một số trong những câu chuyện ấy đã được Võ Đắc Danh ghi lại trong các bút ký in trong tập Người Sài Gòn bất đắc dĩ.

Võ Đắc Danh là nhà báo, nhà văn, là đạo diễn phim tài liệu. Dù anh chưa bao giờ viết báo ở mảng thời sự chính trị nhưng không tác phẩm nào của anh rời xa những biến động thời cuộc. Anh nhìn sự phản chiếu chính sách qua những phận người cụ thể, bằng sự mẫn cảm của một nhà văn, bằng một trái tim sẻ chia và sự am hiểu không chỉ nông dân mà cả đại chúng người lao động đang mỗi ngày vật lộn cùng sinh kế. Đó là điều không phải nhà báo nào viết về chính trị cũng có được.

Lúc 8 giờ 30 sáng nay, 21-10, tác giả Võ Đắc Danh sẽ có cuộc giao lưu ra mắt sách Người Sài Gòn bất đắc dĩ tại Nhà xuất bản Trẻ.

Hành trang quê nhà của Võ Đắc Danh ảnh 2
Toàn bộ số tiền thu được từ việc phát hành quyển sách sẽ được dành để tài trợ xây chiếc cầu tại xã Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi, Cà Mau. Đồng thời, anh cũng khởi động chương trình hỗ trợ học sinh nghèo “Vượt lên số phận”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm