Học để hiểu nhạc, không phải để chơi nhạc

Học để hiểu nhạc, không phải để chơi nhạc ảnh 1
Từ lâu, ở các trường nhạc trên thế giới đã xuất hiện những khóa học, lớp học ngắn hay dài hạn về môn học Thưởng thức âm nhạc(Music Appreciation). Ở một số trường nhạc lớn, nhạc viện, môn học này còn được đưa vào như một ngành học chính quy. Thậm chí tại Nhạc viện Hollywood, học viên ghi danh học môn này không cần phải trải qua việc kiểm tra năng khiếu.

Thưởng thức âm nhạc là ngành học dạy người ta cách nghe và thưởng thức các loại âm nhạc khác nhau.Trong các lớp thưởng thức âm nhạc người ta thường giới thiệu những bài học về lịch sử âm nhạc, hình thức và thể loại âm nhạc để giúp người học hiểu được tại sao con người trong một thời kỳ này lại yêu thích một loại nhạc nào đó và có khi loại nhạc được yêu thích trong thời kỳ đó là bị tẩy chay trong các thế hệ sau. Vì vậy, có người cho rằng thưởng thức âm nhạc thật ra chính là môn “Kiến thức âm nhạc tổng quát”. Điều đó đúng phần nào vì chúng ta càng hiểu biết về âm nhạc thì càng dễ yêu mến và thưởng thức nó đúng cách. Nhà soạn nhạc lừng danh người Mỹ gốc Nga - Igor Stravinsky đã từng nói: “Nhìn chung, môn học Thưởng thức âm nhạc gặp phải khó khăn là người ta chú trọng quá nhiều vào việc dạy âm nhạc mà lẽ ra nên dạy cách yêu mến nó”.

Muốn thưởng thức âm nhạc, chúng ta không cần phải biết chơi một nhạc cụ hay biết đọc nốt nhạc, hiểu được tổng phổ. Môn học thưởng thức âm nhạc giúp người nghe hiểu được người sáng tác, hiểu được tác phẩm hơn và có thể rút ra được điều gì đó từ việc lắng nghe những tác phẩm đó. Và khi cần phải đưa ra nhận xét, lời phê bình, quan điểm của mình về một tác phẩm hay hiện tượng âm nhạc nào đó, chúng ta mới có thể thuyết phục được người khác. Đã đành âm nhạc Việt Nam hiện nay đang ở trong một “vùng trũng” đáng buồn, muốn lấy lại “mặt bằng” trước khi lên đỉnh cao, cần phải có những người phê bình can đảm, những lời khen chê không ngại bị áp lực nhưng phê bình phải đúng và tích cực. Muốn phê bình đúng, trước tiên cần biết thưởng thức đúng.

Môn học Thưởng thức âm nhạc không chỉ dành riêng cho những người làm công tác phê bình, cũng không cần phải có một lớp học chính quy như các chuyên ngành âm nhạc khác. Người học cũng không buộc phải có những năng khiếu bẩm sinh. Đối tượng của môn học này hết sức rộng: Chỉ cần người học yêu nhạc chứ không cần có kiến thức gì trước về âm nhạc. Mục đích của môn học này là giúp người học hiểu biết về âm nhạc, cung cấp những công cụ để họ tự phân tích và phát hiện về âm nhạc. Như vậy, có thể nói đây là một môn học nhạc dành cho đại chúng, cho mọi người. Và một khi công chúng đã được nâng tầm hiểu biết, đánh giá về âm nhạc, họ sẽ biết chọn lọc loại nhạc nào thích hợp với sự phát triển nhân cách của mình thay vì nghe nhạc kiểu “về hùa theo số đông” như hiện nay.

GS Quang Hải: Thiếu sự giáo dục nghiêm chỉnh

Không phải Việt Nam thiếu nhân tài trong nghệ thuật. Cái mà Việt Nam yếu kém ở đây rõ ràng là thiếu một sự giáo dục nghiêm chỉnh và một “công nghệ chuyên nghiệp” trong lĩnh vực âm nhạc.(Theo Đất Việt)

Ca Sĩ Lan Ngọc: Nhiều “ông hoàng”, “diva” quá

Diva của nước ngoài họ giỏi kinh khủng lắm nhưng đếm trên đầu ngón tay, họ cũng chỉ có vài diva. Còn Việt Nam thì diva, danh ca, ông hoàng, nữ hoàng, bà chúa… nhiều, tự các nhà báo lăng xê nói trên trời quá! (VTC news)

ThS âm nhạc NGUYỄN BÁCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm