Học sử trên đường phố: Làm sao thu hút được công chúng?

Trong dịp Quốc khánh (2-9) vừa rồi, nhiều tuyến đường trung tâm ở TP.HCM đã lại rực rỡ với những hàng banner đầy màu sắc, ghi tóm tắt tiểu sử của những danh nhân lịch sử Việt Nam treo dọc tuyến đường. Có lẽ trên thế giới chỉ ở Việt Nam là có cách quảng bá danh nhân lịch sử như thế này.

Học sử trên đường phố: Làm sao thu hút được công chúng? ảnh 1
Banner về các nhân vật lịch sử được treo trên nhiều đường phố ở TP.HCM trong dịp lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua - Ảnh: H.Đ.N

Đã có đến 3 lần các đường phố ở trung tâm TP.HCM được "trang hoàng" bằng những dãy banner ghi tiểu sử các danh nhân lịch sử như thế. Đợt đầu tiên là vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-2006) với hơn 600 banner ghi tên 46 vị anh hùng liệt nữ của Việt Nam từ thời huyền sử (mẹ Âu Cơ) cho đến những chứng nhân lịch sử hiện đại (Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định...).

Đợt 2 vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch vừa qua) với khoảng 800 banner ghi công từ Quốc phụ Lạc Long Quân, 18 đời vua Hùng đến các đời vua, chúa thời phong kiến đã có công dựng nước và mở mang bờ cõi để làm nên non sông Việt Nam ngày nay. Đợt 3 là dịp Quốc khánh 2-9-2007 vừa rồi, hơn 800 banner nữa đã xuất hiện trên đường phố với tên của 81 danh nhân hiện đại có ngày mất từ sau ngày độc lập 2-9-1945.

Đặc biệt bên cạnh các danh nhân tên tuổi như Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Ngọc Thạch... còn có tu sĩ các tôn giáo (Nguyễn Bá Luật, Nguyễn Văn Bình, Thích Bửu Đăng, Thích Quảng Đức, Sư Thiện Chiếu).

Để có được 3 đợt quảng bá danh nhân lịch sử "hoành tráng" như vậy, phải kể đến tâm huyết cũng như công sức, kinh phí bỏ ra của Công ty truyền thông Tiêu Điểm mà giám đốc là ông Nguyễn Thiện - một người rất "máu" chuyện xã hội. Ông bảo: "Tôi chọn lịch sử vì những bức xúc của xã hội; đồng thời qua chủ trương xã hội hóa, doanh nghiệp muốn xây dựng thuơng hiệu của mình thông qua một chương trình có tính văn hóa và nhân văn cao. Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là đánh động xã hội về yêu cầu "dân ta phải biết sử ta", để từ đó các ban ngành, cơ quan chức năng vào cuộc".

Được biết sau 2 đợt đầu thực hiện, UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cũng đã thực hiện mô hình này tại Đức Trọng trong dịp Quốc khánh (2.9.2007) với phần hỗ trợ miễn phí của Công ty truyền thông Tiêu Điểm. Cũng xuất phát từ chương trình này mà Công ty FPT đã đặt giáo sư Lê Văn Lan soạn 2.500 câu hỏi về lịch sử Việt Nam cho một chương trình game online.

Riêng loại hình cải lương cũng đã xuất hiện những băng đĩa có chủ đề Dân ta biết sử ta. Khi kết thúc đợt I, với sự đồng tình của dư luận, ngành giáo dục của TP.HCM cũng đã phối hợp với Công ty Tiêu Điểm để tổ chức các chương trình Học sử Việt trên sân trường ở 14 trường tại TP.HCM vào tháng 4 và 5.2007.

Theo phản hồi của các phương tiện thông tin đại chúng và của Ủy ban Mặt trận TP.HCM thì đa phần công chúng vẫn thích thú với việc đi và đọc các banner trên đường phố. Cũng có ý kiến cho rằng nếu treo dày quá hoặc trên đường có nhiều xe tải chạy nhanh thì không đọc được.

Nhưng thực ra nếu người ta chú ý thì sẽ đọc được hết, đặc biệt với những người ngồi sau xe máy, ngồi trong xe hơi, xe buýt và một lượng lớn những người đi tập thể dục buổi sáng ở khu vực trung tâm. Vấn đề chính là làm sao thu hút được sự quan tâm của công chúng. Làm sao tạo được một nếp nghĩ: cứ đến những dịp lễ của dân tộc là cần phải biết những danh nhân lịch sử liên quan...

Cũng có ý kiến, khi chọn một danh nhân để đặt tên đường thì mỗi đầu (cuối) đường nên có một bảng tóm tắt tiểu sử danh nhân đó. Tuy nhiên, cũng phải thấy một điều là chỉ có dân cư tại chỗ mới "tiếp thu" nhiều hơn. Còn khi ta đem tiểu sử của danh nhân này kết hợp với nhiều danh nhân liên quan trong một dịp kỷ niệm, trưng bày ở khu vực trung tâm thì sẽ có rất nhiều người biết.

Hơn nữa việc xâu chuỗi các danh nhân lịch sử liên quan gắn với ngày kỷ niệm sẽ mang tính giáo dục truyền thống khiến ngày lễ càng thêm có ý nghĩa độc đáo. Chẳng hạn vào dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc (27-2) khi đọc những cái tên Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch... thì đều biết đó là những danh y của Việt Nam. Nhằm Ngày Nhà giáo (20-11) thì biết Chu Văn An, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Dương Quảng Hàm... là những danh nhân sư phạm. Còn ai thích tìm hiểu kỹ hơn thì tự tìm sách vở, tư liệu.

Học sử trên đường phố: Làm sao thu hút được công chúng? ảnh 2Giáo sư Huỳnh Lứa - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM: "Khơi gợi cảm xúc tự hào dân tộc"

Chương trình Dân ta biết sử ta là một ý tưởng rất hay, sáng tạo, có chiều sâu... tạo được sự quan tâm của công chúng và khơi gợi cảm xúc tự hào dân tộc cho người đọc. Qua các nhân vật được giới thiệu, chúng ta thấy được cả một bề dày lịch sử dân tộc qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước trong mỗi dịp lễ hội.

Theo tôi, khi nhìn lại một cách hệ thống như thế này, chúng ta càng thấy sự hy sinh của dân tộc ta nói chung, của đồng bào chiến sĩ nói riêng là vô cùng to lớn để giữ vững nền độc lập cho đất nước.

Ông Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam: "Vẫn còn băn khoăn về cách làm"

Học sử trên đường phố: Làm sao thu hút được công chúng? ảnh 3Phải nói ngay rằng chương trình Dân ta biết sử ta là một cố gắng, một sáng kiến, kể cả công sức rất đáng khích lệ và hoan nghênh, nhất là trong bối cảnh giới học sinh có biểu hiện chung là kém hiểu biết về lịch sử. Tuy nhiên, tôi cũng đã tham khảo ý kiến của nhiều người, chê thì rõ ràng không ai dám chê cái tâm huyết cũng như công sức bỏ ra của ban tổ chức, nhưng vẫn có nhiều điều băn khoăn về cách làm.

Lịch sử không phải là một cách vận dụng trí nhớ cho nên việc treo banner tiểu sử của các danh nhân lịch sử dọc các đường phố liệu có phải là cách học sử tốt nhất không? Rồi chuyện an toàn giao thông? Theo tôi chúng ta nên bàn bạc để tìm ra biện pháp tốt hơn chứ với cách làm này thì hiệu quả chưa cao lắm!

Huyền Nga (ghi)

Hà Đình Nguyên - <EM>(Theo Thanh Niên)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm