Hội thảo bàn cách cứu cây đa cổ Đường Lâm

Cây đa này là biểu tượng của di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm. Tuy nhiên, 20 ngày gần đây, cây đa bất ngờ bị héo lá. Hàng trăm người dân làng Đường Lâm lúng túng tìm cách cứu cây đa. Nhiều nhà khoa học tình nguyện đến tìm hiểu và bàn cách cứu chữa.

Tại hội thảo chiều qua, tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình - Chủ nhiệm khoa Sinh học Trường đại học Lâm nghiệp cho biết: “Qua xem xét, có thể việc bê-tông hóa khu vực quanh gốc đa đã làm ảnh hưởng môi trường sống của cây. Mực nước ngầm ở khu vực này cao cũng gây úng ngập gốc cây, gây nghẹt rễ làm thiếu dinh dưỡng nuôi cây. Cây đa không chết ngay nhưng nó đang “ốm”, cần phải “cấp cứu” ngay”.

Về giải pháp, tiến sĩ Đỗ Khắc Thành - Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì khẳng định: “Biện pháp lâm sinh tình thế là mở bỏ phần bê-tông hóa rộng tương đương tán lá. Bổ sung phân sinh học, hữu cơ để bồi dưỡng cho cây. Có thể phun chất diệp lục tố tăng khả năng quang hợp để cứu phần lá, đồng thời phun thêm phân bón lá đa vi lượng... Về lâu dài, cần thực hiện đúng nguyên tắc bảo tồn, nghĩa là phần đường làng trải nhựa qua gốc đa cần nâng lên thành cầu bê-tông khỏi mặt đất để trả lại độ thoáng cho gốc cây. Hạ nước ao bên cạnh gốc đa xuống, đồng thời mở thêm cống cho nước thoát sang ao làng”. Ông Thành xin đóng góp toàn bộ chế phẩm sinh học để cứu cây đa trong thời gian trước mắt.

Ý kiến của các nhà chuyên môn, của cán bộ địa phương đều thống nhất nguyên nhân cơ bản và các giải pháp để cứu chữa cho cây đa quý. Tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Lam Điền - Phó Chủ tịch UBND TP Sơn Tây cho rằng các giải pháp trước mắt sẽ được tiến hành ngay. Riêng giải pháp lâu dài như nâng đường qua gốc đa bằng cầu bê-tông, đào bớt sân bê-tông bãi xe, tạo giếng làng có kè đá ong để làm nơi thoát nước cho khu vực gốc cây nhằm làm tăng vẻ đẹp cảnh quan khu vực đầu làng... cần chờ bản quy hoạch tổng thể di tích làng cổ do Viện Bảo tồn di tích đang lập.

Ngay sáng 29-7, dân làng Đường Lâm đã tham gia đào bỏ đoạn đường bê-tông nhựa dẫn vào trạm y tế xã (đoạn nằm chắn phía dưới gốc cây đa) để trả lại lớp đất mặt cho rễ cây thở. Hàng quán dịch vụ tại đây cũng đã chuyển đi, trả lại không gian cho cây. Người dân Đường Lâm đang làm hết sức với hy vọng cứu được tượng đài xanh của quê hương mình. Theo ông Phan Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã, năm năm trước cây đa này có một lần héo lá như vậy nhưng sau khi đổ đất vào gốc cây cùng với bón phân hóa học, cây phát triển trở lại.

Trước đây, cây Dầu Đôi hơn 300 năm tuổi tại huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa được coi là “nhân chứng sống” ở xứ trầm hương đã có lúc tưởng sẽ chết khô cũng vì bị bê-tông hóa. UBND tỉnh Khánh Hòa đã chi từ ngân sách gần 40 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới ngầm cho cây này và đến nay cây đã được lá phủ xanh.

PHƯỢNG LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm