Khát vọng Thăng Long: Thỏa cơn khát phim lịch sử

1. “Rất Việt Nam!”, đó là nhận xét của hầu hết khán giả có mặt tại buổi ra mắt bộ phim vào tối 7-10. Sự thuần Việt thể hiện ngay ở những thước phim mở đầu khi Lý Công Uẩn (lúc bé) cưỡi trâu băng qua bờ ruộng, dưới lũy tre để lấy áo lại cho bạn. Từ những hoạt động của thị dân như buổi chợ phiên ở Hoa Lư xưa, giặt giũ bên sông đến những hoạt động của triều đình như lễ hội tịch điền, vua cử hoàng tử đi cày… trong gam màu nâu tạo một cảm giác xưa cũ mà gần gũi. Cái hồn Việt còn toát lên từ trang phục của những cô gái yếm nâu, chàng đô vật áo vải, những đứa trẻ đóng khố.

Bằng việc dùng cố đô Hoa Lư làm trường quay chính cùng các điểm Hà Nội, Huế, Dăk Lăk, bộ phim đã đưa người xem sống lại lịch sử 1.000 năm trước, ngay chính tại mảnh đất Đại Cồ Việt xưa chứ không phải một nơi xa lạ nào khác.

2. Bên cạnh một Lê Long Đĩnh bạo chúa, người róc mía trên đầu sư, giết hại cả anh ruột mình để lên ngôi thì việc xây dựng hình tượng Lý Công Uẩn, một vị vua anh minh, thánh thiện là điều cực kỳ khó khăn. Vua Lý Công Uẩn chỉ được nâng lên thật sự bằng khát vọng hòa bình và lòng nhân ái.

Khát vọng Thăng Long: Thỏa cơn khát phim lịch sử ảnh 1

Sinh hoạt thời thơ ấu của Lý Công Uẩn gắn bó với thôn dã và thiên nhiên. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Bộ phim đã thành công ở những chi tiết đặc tả rất tinh tế. Mặc dù vô cùng nóng lòng cứu người phụ nữ chửa hoang bị cạo đầu, trét vôi thả trôi giữa sông, vị tướng nhân từ này vẫn không quên đâm ngọn giáo xuống đất để không làm xót thương binh lính. Và khi không cứu được người phụ nữ, ông muốn giết tên quan ác ôn đẩy hai mẹ con tội nghiệp kia vào chỗ chết nhưng ông đã không thể “giết thêm một mạng người”.

Ông thu phục lòng dân không bằng quyền lực mà bằng lòng nhân hậu của một người lớn lên từ cửa Phật. Chính sự khoan dung, độ lượng của Lý Công Uẩn mà vị quan ác ôn kia sẵn sàng đỡ cho ông thoát chết trước mũi tên của Lê Long Cân. Trước khi chết, người này nói: “Bây giờ tôi mới hiểu cảm giác cứu một mạng người hạnh phúc như thế nào”.

3. Nhận xét về bộ phim, đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc cho rằng: “Cấu trúc nghệ thuật của bộ phim rất rõ ràng và độc đáo. Nó khác tất cả kịch bản khác về Lý Công Uẩn. Những kịch bản khác hoặc xây dựng riêng rẽ một hình tượng Lý Công Uẩn, hoặc rất nhiều nhân vật đan xen, riêng Khát vọng Thăng Long là hai đối tỉ xuyên suốt giữa một nhân vật thiện và ác. Từ đầu đến cuối, hai khát vọng luôn song song nhau, đối chọi nhau một cách kịch tính khiến người xem thực sự bị lôi cuốn”.

Nếu diễn viên Ngọc Ngoan bằng ánh mắt, diễn xuất của mình đã vẽ nên rất tròn trịa hình ảnh một vị vua đôn hậu với một khát vọng bình an thường trực thì Đình Toàn đã thật sự “lột xác” và tỏa sáng khi khắc họa không thể thành công hơn hình tượng một vị vua bạo tàn, hiếu chiến, luôn lấy chiến tranh làm lẽ sống, niềm vui để tồn tại.

Sau những giây phút hồi hộp với những pha hành động hoành tráng, độc đáo của cuộc nội chiến, chém giết lẫn nhau của anh em nhà họ Lê để giành ngôi vua, người xem lại lặng người trước những chi tiết tinh tế làm lay động lòng người của vị vua Lý Công Uẩn. Vừa hấp dẫn, cuốn hút nhưng vẫn đọng lại những rung cảm sâu xa, Khát vọng Thăng Long đã làm được điều mà không nhiều phim lịch sử làm được.

Dù tạo được sự hấp dẫn nhất định, bộ phim không phải không còn sạn. Sau đây là ý kiến của các chuyên gia lĩnh vực điện ảnh:

Nội dung chưa tương xứng với tựa phim

Điều được nhất của bộ phim là sự thuần Việt, bên cạnh đó phim còn có rất nhiều tình tiết sáng tạo, đưa đẩy tạo nên sự hấp dẫn. Phim cũng không gặp bất cứ vấn đề gì về chính trị, phục trang hay bối cảnh, tuy nhiên lời thoại hơi hiện đại. Ở thế kỷ XI, chắc chắn chưa có những từ “cảm ơn”, “phục vụ”, hay “hỡi các binh sĩ”.

Hơn nữa, bố cục bộ phim không cân đối, đối tỉ giữa hai nhân vật và cuộc nội chiến được nhấn rất sâu, rất mạnh trong khi cái khát vọng Thăng Long, chủ đề tư tưởng của bộ phim lại được gói gọn trong một cái kết rất vội vã, chóng vánh, dễ gây cho người xem cảm giác hụt hẫng.

Rõ ràng ta thấy tựa phim mang tính áp đặt, người làm phim cố nặn vào đầu người xem một khát vọng rất lớn lao nhưng người xem không thấy nó đâu.

Nhà giáo nhân dânLÊ ĐĂNG THỰC, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phim lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội

Nên đổi tên phim!

Tôi thòm thèm, quá thòm thèm một cái kết sâu hơn, bởi nó sẽ nhân lên rất nhiều giá trị của bộ phim và giá trị hình tượng vị vua anh minh. Khát vọng Thăng Long chỉ mới được thấy bằng lời chứ không được thể hiện trong nội dung, bằng hình ảnh.

Tôi nghĩ có hai cách, cách thứ nhất là cắt bớt phần nội chiến, đẩy sâu câu chuyện, kết nối, xâu chuỗi thế nào để cho ra tư tưởng khát vọng Thăng Long nhưng cách này rất khó. Lựa chọn thứ hai là có thể tìm tên, không lý do gì phải mang gông vào cổ khi cái tựa đòi hỏi tới 10 mà nội dung chỉ mới tới sáu. Cần làm điều phù hợp với những gì mình đang có để người xem không thất vọng.

Nhà biên kịchNGÔ PHƯƠNG LAN

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm