Khi trẻ em kéo nhau lên sóng truyền hình

Tràn ngập sóng truyền hình hiện nay là các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng từ tài năng ca hát, nhảy múa đến các lĩnh vực khác. Khi khán giả ngán với sự tẻ nhạt của một số chương trình thì các nhà đài dần lấy yếu tố trẻ thơ để thu hút khán giả. Hàng loạt chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng có đối tượng tham gia là trẻ em được lên sóng.

Trẻ em càng hay, giá quảng cáo càng cao

Thực tế, việc chọn trẻ em làm đối tượng tham dự các chương trình thi thố là lựa chọn khôn ngoan. Bởi trẻ em luôn đáp ứng được việc đảm bảo rating (tỉ lệ khán giả xem chương trình) cho các nhà đài. Như Đồ Rê Mí một thời làm mưa làm gió song truyền hình với tỉ lệ người xem cao ngất ngưởng, tiếp theo đó là Giọng hát Việt nhí. Lợi rõ nhất ở rating cao chính là quảng cáo. Hầu hết chương trình có trẻ em là liên tục các spot quảng cáo (một spot là một lần phát sóng quảng cáo) được chen suốt chương trình. Giá quảng cáo trước và trong chương trình đều được cào bằng. Cụ thể như với Giọng hát Việt nhí giá quảng cáo là 320 triệu đồng/spot, Bước nhảy Hoàn vũ nhí giá 250 triệu đồng/spot. Chưa kể đến khi các chương trình này bắt đầu các vòng truyền hình trực tiếp và chung kết thì giá quảng cáo còn đẩy lên cao hơn.

Sau Đồ Rê Mí những mùa đầu và đặc biệt sau mùa đầu tiên của Giọng hát Việt nhí với phần đăng quang của Quang Anh và sự nổi bật trong thị trường của á quân Phương Mỹ Chi, hàng loạt các nhà đài, nhà sản xuất bắt tay vào mua bản quyền các chương trình truyền hình thực tế có đối tượng là trẻ em.

Bé Hải Ngân trước khi khóc nức nở ở phần trình bày ca khúc Lời ru cho con trong đêm chung kết Đồ Rê Mí 2015. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Càng khóc máy càng quay

MC Thanh Bạch (giám khảo chương trình Người hùng tí hon) chia sẻ: “Các chương trình ra đời sau này so với các chương trình dành cho thiếu nhi vài năm trước đã có nhiều thay đổi. Hầu hết các chương trình bây giờ đều có những chuyên gia tâm lý cho các bé lẫn phụ huynh. Và hiện cũng rất nhiều chương trình không chọn cách loại từng thí sinh mà loại nguyên một đội hoặc hai, ba thí sinh một lượt. Khi các bé ra đi nguyên đội trong tâm lý có bạn bè cùng đi thì sự tổn thương cũng giảm nhiều”.

Nói thì nói vậy nhưng nhiều cảnh quay cận cảnh cảm xúc của trẻ em xuất hiện trên sóng truyền hình, tác động không tốt đến tâm lý trẻ em khiến người xem khó chịu vẫn thường diễn ra.

Gần nhất trong đêm chung kết Đồ Rê Mí 2015 vào tối 3-9 vừa qua, bé Hải Ngân (bảy tuổi) đã bật khóc thành tiếng đến ho sặc trong hơn một phút trên sân khấu vì lo không thể hoàn thành nổi ca khúc Lời ru cho con. Sau cảnh Hải Ngân khóc nức nở, mẹ Hải Ngân khóc, khán giả khóc mới đến cảnh MC Thanh Vân lên sân khấu an ủi em.

Đêm chung kết Đồ Rê Mí 2015 thực chất là chương trình ghi hình phát sóng (không phải tường thuật trực tiếp), không khó để nhà đài có thể bỏ phần thi khóc nức nở của Hải Ngân để khi em bình tĩnh trở lại rồi ghi hình nhưng họ đã không làm như thế.

Và cũng trong đêm chung kết này, khi em Bảo Ngọc (sáu tuổi) hát ca khúc Sống như những đóa hoa, giám khảo Xuân Bắc hỏi: “Bài hát này nội dung ý nghĩa là gì?”, Bảo Ngọc thật thà: “Dạ con cũng chưa biết”. Giám khảo Xuân Bắc tiếp: “À, chưa biết chính là biết rất nhiều và là những người biết rất nhiều thường nói là chưa biết”. Thực sự một em bé sáu tuổi khó có thể hiểu ca khúc Sống như những đóa hoa của tác giả Tạ Quang Thắng. Đây vốn là ca khúc được các ca sĩ đàn anh hát nhằm tôn vinh nghị lực sống của người khuyết tật chứ không phải ca khúc dành cho những đứa trẻ sáu tuổi như Bảo Ngọc.

Miễn vui, lạ là có thể lên sóng

Lâu đời nhất có thể kể đến là cuộc thi hát Đồ Rê Mí dành cho trẻ em 5-8 tuổi với mùa thứ chín vừa kết thúc. Kế tiếp là các chương trình: Giọng hát Việt nhí với trẻ 1-15 tuổi đang diễn ra mùa thứ ba. Bước nhảy hoàn vũ nhí với trẻ từ sáu đến 13 tuổi vừa kết thúc mùa thứ hai vào cuối tháng 8 vừa qua. Gương mặt thân quen nhí với trẻ 8-12 tuổi đã sản xuất hai mùa. You Hit Young Beat - Nhí tài năng dành cho bé 4-15 tuổi đang phát sóng mùa hai. The Kid Host - Người dẫn chương trình tương lai đang vào vòng chung kết dành cho các bé 8-12 tuổi. Vũ điệu tuổi xanh phát sóng xong mùa đầu tiên. Giọng ca nhí - Hò Xự Xang Xê Cống mùa đầu tiên,… Mới nhất là chương trình tìm kiếm tài năng mọi lĩnh vực mang tên Người hùng tí hon dành cho thí sinh 4-13 tuổi…

Khi trẻ em lên sóng quá nhiều, buộc lòng các nhà sản xuất phải tìm tòi yếu tố mới để thu hút khán giả. Ban đầu trẻ em chỉ hát trên truyền hình, sau đó nhảy trên truyền hình và bây giờ mọi tài năng của trẻ miễn vui, lạ là có thể lên sóng. Ban đầu các em chỉ được khai thác với phần trình diễn trên sân khấu, nhưng bây giờ là cả những cảnh đời bi kịch, hài hước từ góc giường, mái nhà, cha mẹ… của các em đều lên truyền hình.

_____________________________________

Trên ghế giám khảo lẫn khi nhận các bé về đội của tôi, tôi thường làm công tác tư tưởng tâm lý cho các bé và quan trọng hơn là nói chuyện với phụ huynh. Bởi phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị tâm lý cho con cũng như lấp đầy khoảng trống khi con có gì đó buồn, áp lực. Nếu bé được lấp đầy khoảng trống khi buồn thì nỗi buồn của các bé sẽ nhanh qua, buồn đó sẽ quên đó, nhưng nếu không khéo trong các tình huống đó các bé sẽ buồn thêm. Tôi thường giải thích với các phụ huynh nên xem đây là cuộc chơi đừng đặt nặng quá việc thắng thua thì sẽ tốt hơn cho các bé.

Ca sĩ CẨM LY, huấn luyện viên chương trình Giọng hát Việt nhí và giám khảo Người hùng tí hon.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm