Khổ sở khi tivi thiếu kênh người lớn

Khoảnh khắc sinh tử là một sê ri phim tài liệu khoa học. Mỗi tập phim 15 phút sẽ kể lại cho người xem về những sự kiện xã hội chấn động một thời, những khoảnh khắc con người đứng giữa lằn ranh sinh tử.

Cắt gọt nát chương trình

Những câu chuyện này đa phần không còn mới lạ với công chúng về mặt nội dung bởi đã được các phương tiện thông tin đại chúng bám sát diễn tiến thông tin khi nó diễn ra; tuy nhiên khi thực hiện thành phim tài liệu thì lại có những cảnh có thể máu me khi tai nạn xảy ra, cảnh nhân vật đau đớn trước tai nạn, cảnh y, bác sĩ cứu nạn nhân… Những cảnh đó có thể với người xem có độ tuổi trên 18 phù hợp nhưng với trẻ em thì không.

Khoảnh khắc sinh tử không phải là trường hợp đầu tiên mà khá nhiều chương trình, phim đã phải ngừng phát sóng hoặc chỉnh sửa rất nhiều bởi không phù hợp với tất cả khán giả. Như trong năm 2014, việc phát sóng sê ri phim Chuyện ấy là chuyện nhỏ (Sex and the city) và khung giờ phim 18+ trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam đã gây nhiều tranh cãi. Mang tiếng là khung giờ 18+ nhưng khi phát sóng Chuyện ấy là chuyện nhỏ lại bị cắt những cảnh nhạy cảm dẫn đến nhiều cảnh người xem không hiểu bộ phim nói gì. Và dẫu có cắt đi nữa thì hai tuần trình chiếu VTV cũng buộc lòng phải ngừng phát sóng phim.

Số phận sê ri phim tài liệu Khoảnh khắc sinh tử sau ngày 10-6 mới được định đoạt.

Không chỉ phim tài liệu, phim truyền hình mà hầu như bất cứ chương trình ghi hình phát sóng nào cũng bị cắt gọt cho phù hợp mọi khán giả. Điển hình như chương trình Người bí ẩn (Odd one in), người làm chương trình luôn phải cắt gọt những màn biểu diễn của các nhân vật tham gia: Người xát ớt lên mắt, người đi trên mảnh chai vỡ, người nuốt kim và đẩy kim ra từ bụng… Hay trong số phát sóng vào tối nay (7-6), “dị nhân” nuốt cá kèo trên trường quay nuốt đến sáu con nhưng qua sóng truyền hình chỉ còn lại nuốt một con.

Tác dụng ngược

Việc cắt gọt các chương trình này luôn làm các nhà sản xuất đau đầu bởi phải cắt gọt làm sao vừa đủ để khán giả thấy được màn biểu diễn của nhân vật nhưng lại không quá thu hút để người xem là con trẻ có thể bắt chước.

Nhiều khán giả khi coi chương trình hoặc phim bị cắt gọt luôn bực dọc với những người làm chương trình; nhưng nếu nhìn xa hơn có thể thấy đó không phải là lỗi của các nhà sản xuất chương trình. Thực tế, điều cần là truyền hình nên có kênh truyền hình hoặc khung giờ cho các chương trình thể loại này chứ không phải cứ cắt tỉa và cấm đoán.

Bởi như với sê ri phim Khoảnh khắc sinh tử, không thể chỉ đánh giá ở những cảnh phim mà thông điệp đằng sau nó; đó là kêu gọi, cảnh báo những hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống, tôn vinh y đức của các cán bộ y tế, tinh thần của những chiến binh tham gia giành giật với tử thần để giữ lại sự sống cho người bị nạn.

Hay việc biên tập các chương trình như Người bí ẩn đôi khi làm người xem không được mãn nhãn với những nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình.

Và xa hơn, với việc thiếu vắng kênh 18+ dẫn đến cắt gọt, cấm đoán càng làm cho các khán giả nhỏ tuổi tò mò thêm. Điều đó đôi khi dẫn đến việc một vài chương trình tự dán nhãn 18+ để kích thích người xem.

Khi truyền hình cấm đoán những cảnh nhạy cảm thì ngược lại với những gia đình sử dụng SmartTV (Tivi thông minh) thì thế giới lại hoàn toàn rộng mở với tất cả trẻ em và người lớn. Người dùng SmartTV có thể kết nối tivi với mạng Internet, nơi có vô số các trang mạng xem phim 18+. Thậm chí người dùng có thể cài cả các phần mềm xem truyền hình 18+ của các nước khác trực tuyến. Và đôi khi không cần đến tivi, với một chiếc máy tính bảng, điện thoại… trẻ em vẫn có thể vi vu với các cảnh bạo lực, dục tính.

Thế nên việc không chính danh càng khơi gợi sự tò mò khám phá của khán giả mà thôi.

Dán nhãn 18+ cho phim truyền hình

Dự kiến trong năm 2015, Cục Điện ảnh sẽ dán nhãn phân loại độ tuổi phim phát sóng trên truyền hình. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa thấy động thái nào cho sự việc này.

Tại nhiều quốc gia phát triển: Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Nhật Bản… việc dán nhãn phân loại độ tuổi cho phim truyền hình đều được thực hiện. Đơn cử tại Anh, có Ban phân loại phim Anh thành lập từ Hội đồng Kiểm duyệt phim Anh. Ban phân loại phim này sẽ phân loại độ tuổi cho tất cả phim chiếu rạp, truyền hình, DVD… Ban này đã hoạt động hơn 100 năm.

Và tại Anh, giờ phân luồng phim rất rõ ràng. Trong khung giờ 21 giờ đến 5 giờ 30 sáng sẽ phát sóng những phim, chương trình không phù hợp với trẻ em. Những giờ còn lại chương trình phát sóng phải phù hợp với trẻ em dưới 15 tuổi xem mà không cần người giám hộ bên cạnh. Riêng với các phim có nội dung tình dục thì chỉ chiếu trên các kênh truyền hình trả tiền với hệ thống mật mã riêng biệt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm