Lắng nghe dư luận việc khai ấn ở Hà Nội

Trước nhiều ý kiến thắc mắc tại sao Hà Nội chưa từng có chuyện phát ấn trong lịch sử, sao nay lại tổ chức lễ hội về việc này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Việt Anh (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Thăng Long, đơn vị tổ chức việc khai ấn) cho hay: “Chúng tôi cũng khẳng định chỉ mới có việc khai ấn chứ chưa có việc phát ấn”. Ông Việt Anh cho biết việc khai ấn chỉ là một hoạt động thử nghiệm. Trung tâm sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học cũng như phản hồi của người dân.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Hà Nội, cũng cho biết: “Nếu thử nghiệm mà thành công, chúng tôi sẽ làm đề án chính thức về việc này. Theo tôi, cũng nên coi đây là hoạt động văn hóa rất tốt trong việc góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống” - ông Tiến bày tỏ.

Nói về ý nghĩa của chiếc ấn được sử dụng trong lễ khai ấn, PGS-TS Tống Trung Tín - Viện Khảo cổ học Việt Nam cho hay ấn Sắc mệnh chi bảo đang được lưu giữ tại Hoàng thành Thăng Long là chiếc ấn cổ nhất hiện có tại Việt Nam. Ấn được nhóm khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam tìm thấy năm 2012, trong tầng văn hóa nhà Trần.

“Ấn Sắc mệnh chi bảo là ấn của vua, đời vua nào cũng có. Ấn này có nghĩa vua ban mệnh, ban chức tước, công việc cho người giúp vua, giúp nước. Đây là ấn cổ nhất của nhà Trần mà đặc biệt là ấn của nhà vua được tìm thấy ở trong Hoàng thành Thăng Long mà nơi khác không có” - PGS-TS Tống Trung Tín khẳng định.

Cũng theo PGS-TS Tống Trung Tín, trước đây Hà Nội chưa thực hiện việc khai ấn, tuy nhiên việc khai ấn là phong tục đã có từ xưa và đã được nhiều địa phương thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm