Món mắm 'ngửi thấy ghê, ăn thấy mê' ở xứ sở chùa tháp

Ở Campuchia, prahok là món được tìm thấy nhiều nhất trong các bữa ăn của người dân địa phương. Móm mắm được sử dụng rộng rãi để nấu các món canh, ăn kèm với rau luộc, hay thậm chí chỉ ăn với cơm trắng.

Có hai loại prahok cơ bản, prahok ch’oeung và prahok sach nhưng đều được làm từ các loại cá, tùy địa phương. Ảnh: Combodia Daily

Vào mùa mưa, lượng cá sông trở nên dồi dào thì cũng là lúc người dân Campuchia bắt đầu làm mắm. Họ sẽ ăn mắm trong suốt mùa khô khi những mẻ cá tôm không được khấm khá.

Các công đoạn để làm ra mắm không quá nhiều nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỳ công từ người chế biến. Cá sau khi bắt về được làm sạch rồi phơi nắng cho khô. Sau đó cá được ướp muối và đặt vào giỏ. Trong khi đợi cá chín (lúc đã thành mắm), người ta còn thu được chất lỏng chảy ra từ cá. Mặc dù mắm mới là sản phẩm cuối cùng, chất lỏng này cũng được người Campuchia tận dụng để chế biến thành Teuk trey (nước mắm).

Sau công đoạn này, cá sẽ được đem ra sấy khô, giã nát, ướp các loại gia vị cho vừa ăn, rồi ủ trong các bình lớn. Cuối cùng, người làm dùng nan tre cài chặt lại và đợi khoảng 4-6 tháng cho đến khi thành mắm là dùng được.

Prahok có màu xám, hơi nhão và thường xuất hiện trong các bữa ăn như một nguồn cung cấp protein dồi dào. Nếu như ngày trước mắm bò hóc chủ yếu được làm bằng cá nhỏ thì ngày nay người dân Campuchia có điều kiện làm mắm từ philê của các con cá lớn.

Món rau luộc chấm với mắm bò hóc và ăn với cơm trắng thường là biến tấu phổ biến. Ảnh: PHONG VINH

Nhiều du khách khi đến Campuchia thường cảm thấy “ghê” bởi mùi của đặc sản này nhưng ai thử rồi cũng thích thú bởi mùi vị khác lạ.

Từ nhà hàng sang trọng cho đến các quán ăn bên đường, hầu hết đều phục vụ các món ăn liên quan đến mắm bò hóc. Nhưng để thưởng thức đúng vị mà không bị “đau bụng”, bạn không nên ghé hàng quán ven đường, những nơi không đảm bảo vệ sinh.

Mắm bò hóc còn là gia vị quan trọng làm nên hương vị đậm đà cho các món ăn như bún num bò chóc, bún nước lèo, bún mắm… Ở Việt Nam, hương vị này thường có ở khu vực người Khmer sinh sống. Cách làm tuy có đôi chút khác biệt nhưng mắm vẫn mang đúng vị, nhất là mùi mắm đặc trưng.

Nếu muốn thử cái “mùi thấy ghê” này ở Sài Gòn, bạn có thể ghé chợ Campuchia (chợ Lê Hồng Phong, quận 10). Nếu đúng gu, bạn sẽ cảm thấy “mê” vì cái vị đậm đà và khác lạ từ miếng mắm có nguồn gốc từ xứ sở chùa tháp này.

 Món bún num bò chóc ở chợ Campuchia có giá 30.000 đồng. (Video: Phong Vinh)

Theo Di Vỹ (VnExpress)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm