Một người Mỹ bảo vệ di sản vịnh Hạ Long

Phát âm tiếng Việt chưa chuẩn nhưng David Brown, Giám đốc dự án Con thuyền sinh thái, đã khiến những ai tiếp xúc với ông ngạc nhiên vì sự am hiểu, tình cảm và những gì ông đã làm được cho vịnh Hạ Long.

Từ câu “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”

Dự án Con thuyền sinh thái (Eco-boat) được tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI - Fauna & Flora Internationa) hợp tác với Ban quản lý vịnh Hạ Long, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh tiến hành từ năm 2005. Đó là một lớp học nổi trên vịnh, gồm nhiều chuyến đi tham quan và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Mỗi tuần hai lần, khoảng 30 học sinh đi thăm vịnh. Các em nhỏ được cho chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vịnh, khám phá các hang động, tham gia các cuộc thảo luận và những trò chơi mang tính giáo dục môi trường. Các em sẽ phỏng vấn các gia đình ngư dân sống trên vịnh, đọc bản đồ, thực hành một số kỹ năng quan trắc khoa học, học lái tàu....

Hơn một chục tình nguyện viên, điều phối viên Việt Nam và nước ngoài trên Con thuyền sinh thái luôn sẵn sàng tổ chức các trò chơi, các buổi thảo luận và trình bày nhiều bài giảng trực quan, sinh động về môi trường sinh thái vịnh Hạ Long, “Chúng tôi chọn các em học sinh làm khách mời của Eco-boat vì các em tuyên truyền rất tốt. Sau khi tham gia các buổi học trên thuyền, các em sẽ kể lại với người thân trong gia đình, bạn bè, những người trong cộng đồng. Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ mà!” - ông David Brown cười hóm hỉnh giải thích.

Giúp con người gần với thiên nhiên

Bốn mươi năm trước, David Brown là nhân viên của Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam, lấy vợ người Sài Gòn. vốn liếng tiếng Việt của ông được tích lũy từ những ngày đó. Năm 2002, khi đã nghỉ hưu, ông trở lại Việt Nam trong hai tuần để “tìm hiểu xem Việt Nam đã thay đổi như thế nào sau chiến tranh”.

Tháng 9-2005, ông trở thành giám đốc dự án FFI ở Việt Nam. Sau những chuyến đi của Con thuyền sinh thái, ông đã giúp các học viên nhận ra được những thách thức đối với môi trường vịnh từ hành vi vô ý thức của con người: đào đầm nuôi tôm, phá rừng ngập mặn, đổ đất lấn biển, nạo vét luồng lạch, xả các chất thải rắn và lỏng xuống biển... “Vịnh Hạ Long là nơi còn giữ được vẻ đẹp huyền bí và kỳ ảo. Nhiệm vụ của tôi là giúp trẻ em Quảng Ninh hiểu được làm thế nào để con người và thiên nhiên xích lại gần nhau hơn” - David Brown tâm niệm.

Yêu vịnh Hạ Long như người đàn ông ngất ngây trước nhan sắc của một người đàn bà, người “thuyền trưởng” của Con thuyền sinh thái này không thôi đau đáu phải làm điều gì đó để vịnh Hạ Long ngàn năm sau vẫn đẹp lộng lẫy, huyền bí như hôm nay. “Chúng tôi muốn kêu gọi nhiều tài trợ hơn cho dự án này, sau đó chuyển hẳn công việc của mình cho những người dân địa phương. Phải chính người dân ở địa phương mới có thể làm tốt công việc bảo vệ vịnh Hạ Long. Chúng tôi hy vọng sắp tới những hoạt động của FFI sẽ không thu hẹp ở Hạ Long mà mở rộng ra nhiều nơi trên đất nước Việt Nam” - David Brown nói.

Ông Lê Toán, Giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Quảng Ninh:

Người dân là chủ nhân lâu đời của vịnh Hạ Long

Muốn bảo vệ vẻ đẹp của vịnh Hạ Long phải có sự góp sức của người dân sống trên bờ biển và trên vịnh. Họ chính là những chủ nhân lâu đời của di sản thiên nhiên này. Đến nay đã có hơn một triệu người tham gia bình chọn vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới. Cuộc bình chọn (do tổ chức New Open World tổ chức) sẽ kết thúc vào ngày 8-8-2008.

Nguyễn Công Thái, phó ban quản lý vịnh Hạ Long:

Cách làm của FFI rất sáng tạo

Đó là cách giáo dục trực quan, sinh động mà mình cần phải học. Kết hợp giữa phát triển du lịch và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân là một bài học tuy ai cũng có thể biết nhưng để “thuộc” thì không dễ. Theo tôi, cách làm của FFI rất sáng tạo.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm