Mỹ: Cần kiểm soát súng cả trong phim ảnh

Câu hỏi đặt ra là: Liệu những thước phim bạo lực của Hollywood có liên quan đến nạn xả súng ngoài đời thực? Và Hollywood có phải chịu một phần trách nhiệm khi gây ra những hậu quả xã hội nặng nề?

Mỹ: Cần kiểm soát súng cả trong phim ảnh ảnh 1

Đạo diễn - diễn viên gạo cội Robert Redford.

Liên hoan phim Sundance, Mỹ được tổ chức tại Park City thuộc tiểu bang Utah vừa kết thúc hôm 27/1 vừa qua. Nhân sự kiện này, vấn đề tác động của phim ảnh bạo lực đến nạn xả súng bùng phát ngoài đời thực được đưa ra bàn luận sôi nổi. Người dân Mỹ còn chưa hết bàng hoàng và tiếc thương cho 20 trẻ em và 6 người lớn thiệt mạng trong vụ thảm sát tại Trường tiểu học Sandy Hook ở thị trấn Newtown, bang Connecticut ngày 14/12/2012 thì ngay sau đó hàng loạt những vụ xả súng vẫn tiếp diễn.

Thậm chí ngay cả khi Tổng thống Barack Obama ra quyết định kiểm soát súng và kiểm tra lý lịch toàn diện đối với những người mua súng thì mạng sống của con người vẫn bị đe dọa. Điển hình là vụ việc ba người bị thương trong lúc chờ kiểm tra lý lịch toàn diện của những người mua súng vừa qua. Mặc dù cơ quan chức năng đưa ra kết luận đó hoàn toàn là một sự cố ngoài ý muốn nhưng điều này cho thấy việc dùng súng luôn tiềm ẩn nguy hiểm.

Đạo diễn Robert Redford là người kịch liệt phản đối việc Hollywood sản xuất quá nhiều phim bạo lực khiến người xem luôn ngập chìm trong những màn bắn giết và dùng súng như một sở thích. Ông đã phát biểu tại buổi khai mạc Liên hoan phim Sundance vừa qua: "Tôi nghĩ rằng vấn đề này bây giờ mới được đưa ra bàn cãi là quá muộn. Đáng lẽ nó phải được giải quyết từ lâu rồi". Không chỉ có Robert Redford mà rất nhiều các diễn viên tham gia liên hoan phim cũng đặt câu hỏi liệu Hollywood có phải chịu trách nhiệm về nạn bạo lực ngày càng gia tăng tại Mỹ?

Diễn viên Mamie Gummer chia sẻ những cảm nhận của mình khi xem phim bạo lực: "Kiểu bạo lực của những bộ phim hành động được sản xuất gần đây khiến tôi phát khiếp". Ellen Page - nữ diễn viên người Canada đóng cùng Alexander Skarsgard trong “The East” (Phía đông) thì nhấn mạnh rằng, Canada đặc biệt nghiêm khắc đối với việc kiểm soát vũ khí: "Người ta không thể mua bán vũ khí quân sự để giết người. Và đối với tôi, đó là điều hoàn toàn đúng".

Diễn viên Alexander Skarsgard còn phản ứng quyết liệt hơn khi cho rằng đã đến lúc nước Mỹ nên sửa đổi Hiến pháp: "Hiến pháp nước Mỹ mặc dù được sửa đổi đến lần thứ 2 nhưng đã lỗi thời, bởi nó được soạn thảo cách đây hơn 200 năm, thời mà nước Mỹ trao quyền cho người dân được trang bị súng thô sơ để đảm bảo an ninh và chống trả người Anh khi ấy. Còn bây giờ chúng ta đang ở thế kỷ XXI, mọi thứ đã thay đổi, nên việc ai đó sở hữu khẩu súng trường sát thương và có thể nhận súng qua bưu kiện, tôi thấy thật điên rồ. Đối với tôi, những thứ vũ khí này chỉ thuộc về quân đội, dân thường không nên có để tự vệ hay làm tổn thương người khác".

Mỹ: Cần kiểm soát súng cả trong phim ảnh ảnh 2

  Một cảnh trong phim "Django Unchained" - phim bạo lực mới nhất của đạo diễn Quentin Tarantino. 

Một số người khác lại cho rằng phim ảnh không hề ảnh hưởng tới đời sống ngoài đời thực và bác bỏ những lập luận của Robert Redford. Đạo diễn Quentin Tarantino - cha đẻ của bộ phim bạo lực "Django Unchained" tham dự giải Oscar 2013, nói rằng, ông không hề thấy có mối liên hệ nào giữa những bộ phim bạo lực và những thảm họa súng xảy ra trong thực tế thời gian qua. Và ông khẳng định rằng: "Tôi nghĩ là chúng ta vẫn cứ tiếp tục làm những bộ phim giải trí như thế".

Đạo diễn Robert Redford cho biết, thị hiếu của một phần khán giả hiện nay bị thu hút vào những phim mang tính bạo lực, phiêu lưu mạo hiểm, nhân vật trong phim thường xuyên sử dụng súng để tự vệ và tấn công. Và những bộ phim bom tấn mới nhất ở Mỹ hiện nay đều không thể thiếu những màn rượt đuổi, bắn giết gay cấn. Ngay cả những poster, trailer quảng cáo phim, thậm chí là những clip quảng cáo sản phẩm cũng rất bắt mắt và gây được sự chú ý của người xem nhờ những hình ảnh súng ống.

Đạo diễn này cho rằng, ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đã tạo ra một thói quen tiếp nhận bạo lực cho khán giả khi xem phim. Cứ phải có hình ảnh của súng ống, những màn bắn giết đẫm máu thì phim mới có sức hấp dẫn. Và như vậy, thói quen này khó có thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Để bán được nhiều vé và kiếm được bộn tiền thì không một rạp chiếu phim nào lại dại dột chiếu "những bộ phim không súng ống" mà đa phần khán giả không mấy thiết tha.

Sau vụ thảm sát tại Trường tiểu học Sandy Hook, Tổng Thống Barack Obama đã khởi xướng một cuộc thăm dò khẩn cấp nhằm tìm ra phương án kiềm chế bạo lực súng đạn, bao gồm cả tác động từ phim ảnh, trò chơi điện tử và các phương tiện truyền thông khác. Cuộc gặp của Phó tổng thống Joe Biden với những nhà lãnh đạo của nền công nghiệp điện ảnh vừa qua cho thấy Chính phủ Mỹ đang cố gắng đưa ra những giải pháp mang tính toàn diện cho vấn nạn sử dụng súng tràn lan như hiện nay

Huyền Châm tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm