Nắng cháy cho thơ, mưa dông cho báo...

Năm Đinh Hợi như một năm chiếu mệnh với đám làm thơ. Vừa mới hôm trước, đám anh em văn nghệ sĩ ngậm ngùi tiễn biệt người ngồi “rót biển vào chai” Trịnh Thanh Sơn rồi mấy hôm sau là hai trong số những nhà thơ hàng đầu kháng chiến chống Pháp: Ông “đầu súng trăng treo” Chính Hữu và ông “Núi đôi” Vũ Cao thì giờ đây, lại được tin nhà thơ Phạm Tiến Duật, cây cột mốc số một của Trường Sơn chống Mỹ tạ thế.

Trưa hôm mùng 3-12, khi ngồi uống bia với nhà thơ Bằng Việt ở Ô Quan Chưởng, có người nhắc lại lời “phán xét” của nhà thơ Ngô Thảo: “Đã đến lượt thượng đế gọi thế hệ chúng ta rồi đấy” mà rợn cả người cho cái sự khốc liệt của thời gian, của số mệnh một đời người. Trăng vẫn còn treo đầu ngọn súng mà người cầm súng (Chính Hữu) đã ra đi. Núi vẫn còn đôi mà thơ mất ông (Vũ Cao). Vẫn còn đó Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây mà Phạm Tiến Duật đã về Tây Phương cực lạc. Thế là từ nay, làng văn Việt Nam vốn đã ít ỏi, lưa thưa, lại vắng đi một cây cổ thụ có thể rủ bóng xuống nhân gian.

Chao ôi, lại một mất mát lớn, rất lớn với làng thơ Việt Nam vốn èo uột và nháo nhác.

Phạm Tiến Duật - nhà thơ, điều đó là đương nhiên và đã có hàng trăm, thậm chí nhiều hơn thế những bài viết về sự nghiệp thơ ca của ông. Hình như cái tài sản thơ ca khá đồ sộ của ông khiến người ta quên đi hoặc không để ý đến một mảng rất quan trọng, nó thể hiện ý thức công dân của nhà thơ chống Mỹ hàng đầu Việt Nam Phạm Tiến Duật. Đó là Phạm Tiến Duật - nhà báo. Có lẽ ít ai biết rằng Phạm Tiến Duật còn là nhà báo rất “mả”. Anh đã từng đoạt nhiều giải về báo chí và đặc biệt, anh từng giữ những chuyên mục rất ăn khách của một số tờ báo.

Vào những năm cuối cùng của thập kỷ 80, Báo Văn Nghệ do nhà văn Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập luôn được đón đợi bởi trên mỗi số báo luôn luôn có những bút ký, phóng sự nổi tiếng như “Cái đêm hôm ấy đêm gì...” của Phùng Gia Lộc, “Người đàn bà quỳ” của Lê Văn Ba, “Con đường có máu chảy” của Trần Quang Quý, “Lời khai của bị can” của Trần Huy Quang, “Thủ tục để làm người còn sống” của Minh Chuyên. Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Vũ Bão... Thơ của Nguyễn Quang Thiều, Dư Thị Hoài... và những bài tường thuật chính trị sắc bén, rất nhiều chất lửa nhưng thấm đẫm văn chương của Phạm Tiến Duật. Những phiên họp thường kỳ của Chính phủ, những cuộc giao ban của một số bộ ngành hay những kỳ họp của Quốc hội và cả những kỳ đại hội Đảng dưới ngòi bút của Phạm Tiến Duật đều bay bổng và nóng bỏng. Giống lúc làm thơ, Phạm Tiến Duật như một phù thủy biết đốt lửa trong lòng bạn đọc bằng vốn ngôn từ sâu sắc và sự truyền cảm kỳ lạ. Những bài báo của anh luôn được đón đợi như một tác phẩm văn học đầy truyền cảm và rất thời sự.

Khoảng những năm 2001 - 2002, Phạm Tiến Duật được giao nhiệm vụ viết những bài trả lời bạn đọc trên Báo Văn Nghệ. Những câu hỏi thường nhật của bạn đọc về văn chương, về chính trị, về lẽ sống và đặc biệt về nghề báo, nghề văn đã được Phạm Tiến Duật chuyển tải thành những bài viết hết sức sâu sắc. Có lần anh giải thích về tính ghen của đàn ông và đàn bà như sau: “Đàn bà ghen tình chưa thấm vào đâu so với đàn ông ghen tài. Người ta có thể nói ông ấy, anh ấy đểu, rất đểu nhưng mà thông minh thì có thể bỏ qua chứ trót dại mà nhận xét rằng ông ấy, anh ấy tốt, rất tốt nhưng mà ngu thì thù nhau một đời. Đàn ông ghen tài là thế. Thù nhau, hại nhau cả đời”. Lại có lần anh kể rằng anh làm được thơ là bởi học từ báo mà đỉnh cao là bài Lửa đèn:

Từ trên trời bảy trăm mét

Nhìn thấy lửa que diêm sáng mặt người

Một nghìn mét là từ trên trời

Thấy ánh lửa đèn chớp léo

Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao...

Những kiến thức này được Phạm Tiến Duật lấy từ một bản tin khoa học quân sự đăng trên báo Nhân Dân có tên na ná là ánh sáng mặt đất và độ cao phòng không. Rồi sau đó, có không ít bài thơ anh viết giống như tin thông tấn:

Cục tác chiến báo sang tin cuối cùng

Về số máy bay rơi trong ngày và số tàu chiến cháy

Nha khí tượng báo tin cơn bão ta

Bộ Nông nghiệp báo tình hình vụ cấy...

Phạm Tiến Duật ra đi. Một tài năng thơ đã ra đi và một tài năng báo chí đã ra đi. Thượng đế khi sinh ra con người đều trao cho họ một cục tài năng, một cục trách nhiệm, một cục bổn phận... Phạm Tiến Duật đã đem tất cả những điều ấy dành cho thơ và những bài báo của mình.

Nắng cháy cho thơ và mưa dông cho báo...

Chiều 4-12-2007

Còn mãi những vần thơ hừng hực lửa

Sau nhiều tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi quái ác, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8 giờ 49 phút sáng ngày 4-12 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trước đó, ngày 19-11, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho ông.

Phạm Tiến Duật sinh ngày 14-1-1941, quê ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Ông tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 1964, nhưng không tiếp tục với nghề giáo mà quyết định lên đường nhập ngũ. Trong thời gian này, ông sáng tác nhiều tác phẩm và để lại nhiều bài thơ nổi tiếng đặc biệt Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Năm 1970, ông đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Sau chiến tranh, ông về làm tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam và từ đó đến nay sống tại Hà Nội, là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất bản rất nhiều tập thơ như Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970); Ở hai đầu núi (thơ, 1981), Thơ một chặng đường (thơ, 1971); Vầng trăng và những quầng lửa (thơ, 1983); Nhóm lửa (thơ, 1996); Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca, 1997).

Năm 2001 ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đặc biệt là bài thơ Cô bộ đội ấy đã đi rồi của ông đã được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20. Mới đây bạn bè của ông đã kịp hoàn thành Tuyển tập Phạm Tiến Duật. Tuyển tập này cũng đã được trao giải thưởng văn học năm 2007.

Thơ của Phạm Tiến Duật là tiếng nói ca ngợi tình yêu, tình đồng đội, tình yêu quê hương đất nước với giọng điệu sôi nổi lạc quan có chút tinh nghịch nhưng sâu sắc. Ông ra đi nhưng những vần thơ hừng hực lửa, ngập tràn yêu thương sẽ còn sống mãi với con đường huyền thoại Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm