Nghệ sĩ Trần Lượng: Tình cờ đóng phim, viết báo

Duyên nghề tình cờ

Chiến tranh khiến Trần Lượng sớm trở thành trẻ mồ côi cha khi vừa đầy tháng. Từ đó, anh sống nhờ sự yêu thương của bên ngoại với tình cảm vô bờ bến của mạ, ông bà. Mạ anh lam lũ buôn bán tảo tần nuôi con. Cuộc sống gia đình kham khổ ngay từ ấu thơ đã vận vào anh với khá nhiều đắng cay và khốn khó. Cảm cái ơn dưỡng dục ấy, anh lấy họ ngoại với nghệ danh Trần Lượng.

Khi trưởng thành, nhờ chút ít ở chất giọng cộng thêm niềm đam mê ca hát, Trần Lượng sớm chinh phục khán giả xứ Huế một thời. Anh làm ca sĩ cho Đài Phát thanh-Truyền hình Huế. Tuy nhiên, cuộc sống gặp nhiều thất bại nên anh phải chuyển sang làm đủ mọi ngành nghề để mưu sinh.

Nghệ sĩ Trần Lượng: Tình cờ đóng phim, viết báo ảnh 1

Nghệ sĩ Trần Lượng. Ảnh: T.KHANH

Chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai, Trần Lượng được sống trong vòng tay yêu thương của bạn bè đồng hương. Anh bắt tay vào nhiều công việc thú vị, trong đó có nghề làm báo và đóng phim. Tuy chưa trải qua một lớp đào tạo về nghiệp vụ báo chí cũng như nghề diễn viên nào, vậy nhưng Trần Lượng đã viết cả trăm bài báo, hóa thân vào nhiều nhân vật đặc sắc khác nhau trong gần 30 bộ phim. Những vai diễn của anh để lại trong lòng công chúng khá nhiều ấn tượng, như sư Thiện Chiếu (Những nẻo đường phù sa), ông Ba (Gấu cổ trắng), ông Duy (Bình minh châu thổ), ông Lý (Người đàn bà yếu đuối), sư Chú (Cõi tình), ông Năm (Hướng nghiệp)…

Trần Lượng đến với nghiệp diễn là sự tình cờ thứ nhất. Năm 1995, đoàn làm phim Ông cố vấn của đạo diễn Lê Dân đang tìm diễn viên cho nhân vật Đỗ Mậu. Rất ngẫu nhiên, phó đạo diễn Trần Ngọc Phong phát hiện ra Trần Lượng và chọn vai tướng Đỗ Mậu cho anh ngay tại… quán bia hơi. Với anh, điện ảnh chỉ là một cuộc chơi, nhưng khá nghiêm túc.

“Tất cả những gì tôi thể hiện trên phim ảnh cũng đều bắt nguồn từ kinh nghiệm sống. Đó là những gì tôi thấy, tôi gặp trong thực tế hằng ngày. Người diễn viên không chỉ diễn bằng khả năng chuyên môn mà còn phải có sự đồng cảm, chia sẻ với nhân vật của mình bằng cái tâm” - nghệ sĩ Trần Lượng tâm sự về những vai diễn của mình.

Nghệ sĩ Trần Lượng: Tình cờ đóng phim, viết báo ảnh 2

Nghệ sĩ Trần Lượng trong vai ông Sáu “sửa xe” - tiểu phẩm do Đài Phát thanh-Truyền hình Long An thực hiện tháng 10-2007. Ảnh: TL

Trần Lượng trở thành phóng viên “bất đắc dĩ” là sự tình cờ thứ hai. Bài báo đầu tiên của anh xuất hiện trên nguyệt san Văn Hóa của Bộ Văn hóa-Thông tin. Sau đó, anh cộng tác với báo Công An TP.HCM. Theo Trần Lượng, cả nghề báo và đóng phim đều có sự hỗ tương cho nghề nghiệp lẫn cuộc sống.

Những vai diễn ấn tượng

Vai thầy giáo Toàn trong phim Phố Hoài của đạo diễn Song Chi là vai diễn Trần Lượng yêu thích nhất vì khá nhiều tính cách nội tâm nhân vật gần gũi với tính cách của anh. Trần Lượng rất thích thể hiện nhiều nhân vật đa tính cách. Thế nhưng những nhân vật có tính hướng thiện, sống cầu toàn, biết hoàn thiện bản thân, có tính nhân bản cao trong cuộc sống lại thích hợp với anh hơn.

Vai diễn ông Dũng trong phim Dốc tình của đạo diễn Lưu Trọng Ninh là một vai diễn chất chứa nhiều nội tâm. Trong phim, anh thể hiện nhân vật người chồng cay nghiệt khi vợ mắc lỗi với mình. 30 năm sau, người vợ ăn năn hối hận lên Đà Lạt tìm chồng. Nhưng trước thái độ lạnh lùng không tha thứ của chồng, bà đã kết liễu cuộc đời mình. Từ đó, người chồng phải sống khổ đau dằn vặt và tự hỏi lương tâm mình sao không tha thứ cho vợ. Trần Lượng rất thích thể hiện những nhân vật kiểu này. Anh bảo lẽ ra, trong cuộc sống, ta nên độ lượng cho nhau một chút để không phải ân hận về sau.

Nghệ sĩ Trần Lượng: Tình cờ đóng phim, viết báo ảnh 3

Tranh thủ viết tin tại quán 81. Ảnh: T.KHANH

Trong bộ phim Ngọn nến hoàng cung của đạo diễn Quốc Hưng, Trần Lượng vào vai quan thượng thư Bộ Hình. Anh ưng ý cho biết: “Quan thượng thư Bộ Hình Bùi Thanh Toàn là một vị quan liêm chính, có công trong nội chính của triều đình nhà Nguyễn, rất yêu nước và luôn đứng về phía các phong trào cách mạng. Đây là một vai diễn gắn liền với nhân vật lịch sử có thật nên tôi rất thích tham gia. Những nhân vật của người thật việc thật trong lịch sử thường rất khó cho diễn viên thể hiện do đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người bằng hình tượng có thật. Tôi phải cố gắng rất nhiều về khả năng diễn xuất cũng như tự thu thập kiến thức lịch sử. Tôi vẫn mong mỏi có nhiều nhân vật như thế trên màn ảnh để thế hệ hậu sinh thấu hiểu hơn những vị anh hùng của dân tộc mình”.

Đời thường nghệ sĩ

Đầu năm 2010, Trần Lượng ngã bệnh sau khi tham gia hai bộ phim truyền hình nhiều tập Ám ảnh xanh của đạo diễn Châu Huế và Món nợ miền Đông của đạo diễn Trần Vịnh. Anh không buồn nhưng tiếc vì không tham dự được Festival Huế. “Trong cái rủi có cái may. Nhờ bệnh mà bác sĩ khuyên tôi bỏ thuốc lá. Tôi đang “dứt tình” với nó nhưng với bia thì còn được đôi ba chai” - anh tâm sự.

Tham gia một bộ phim nhiều tập kéo dài gần cả năm, anh nhận thù lao chỉ từ 5 đến 10 triệu đồng. Tuy vậy, cái nợ màn ảnh vẫn thôi thúc anh. Tuy đang bệnh, anh vẫn nhận vai Thái úy Phạm Cự Lượng cho bộ phim Về đất Thăng Long, kịch bản Phạm Thùy Nhân sắp khởi quay để chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Nói về vai diễn làm quan này, nghệ sĩ Trần Lượng khoan khoái khoe rằng tên nhân vật trùng với tên của anh. Hơn nữa, đây cũng là dịp anh được góp phần với cả nước chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ban đầu, đạo diễn Trần Ngọc Phong giao cho anh vai nhà sư Lý Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp, cha nuôi và là thầy của Lý Công Uẩn nhưng anh từ chối. Tính đến giờ, anh đã hai lần vào vai nhà sư, một là sư Thiện Chiếu trong phim Những nẻo đường phù sa và hai là sư Chú trong phim Cõi tình.

Nghệ sĩ Trần Lượng: Tình cờ đóng phim, viết báo ảnh 4

Thủ vai sư Thiện Chiếu trong phim Những nẻo đường phù sa. Ảnh: T.KHANH

“Vào vai nhà sư thì phải cạo đầu. Người diễn viên phải biết hy sinh cho nghệ thuật nên cạo đầu là chuyện nhỏ. Nhưng giờ tuổi đã cao, cạo đầu rất khó mọc tóc lại nên tôi phải từ chối” - Trần Lượng giải thích. Rồi anh tiếp: “Tôi chọn vai Thái úy Phạm Cự Lượng, người đã giúp Đinh phò Lê. Ông giúp Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn 12 sứ quân, mở ra triều đại nhà Đinh thịnh vượng và được phong Tâm phúc tướng quân coi việc Thị vệ quan thân cận của vua. Dưới thời Lê Hoàn, ông được phong làm Thái úy. Ông đánh Tống bình Chiêm… Tôi “khoái” vào những vai nhân vật lịch sử để thể hiện mình”.

Tình cờ đến với phim ảnh, nghệ sĩ Trần Lượng đã sống cháy mình cho những vai diễn.

Cuộc sống của người nghệ sĩ vốn đa dạng phong phú, nhất là sự lãng mạn và sự nghèo nhưng lại rất được công chúng yêu thích. Trần Lượng là một trong số đó. Cuối năm 2006, chúng tôi có chuyến đi cùng nghệ sĩ Trần Lượng đến An Giang. Thú vị nhất khi ghé vào quán ăn, người dân địa phương dòm ngó anh, rồi hỏi: “Có phải anh đóng phim trong Ngọn nến hoàng cung không?”. Anh bắt tay mọi người, rồi cười. Sau đó, nhiều người đến mời anh thuốc lá, vài ly bia. Anh vui vẻ và chúng tôi cũng vui lây.

Ở Sài thành, anh la cà rong rêu khắp nơi mà theo anh là “ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần”. Ngày nào không tham gia đóng phim, anh ngồi ở quán 81 để tác nghiệp báo chí. Anh làm quen tất cả văn nghệ sĩ để biết những sinh hoạt đời thường cũng như những sáng tạo của họ, rồi anh viết giới thiệu. Cách sống vô tư, nghệ sĩ ấy mới là Trần Lượng. Anh bảo đến năm 70 tuổi sẽ thôi đóng phim để viết tiếp tác phẩm Đạo diễn, ông là ai? mà anh đang viết dang dở, phản ánh chuyện hậu trường màn bạc, sự mua vai, đổi tình lấy vai…

Tuy đã ở cái tuổi hơn “60 năm cuộc đời” nhưng tết nào Trần Lượng cũng về Huế thăm mạ. Trở về nơi đã sinh ra và tắm mình trong dòng sông Hương thơ mộng, dường như anh lại tìm được thêm nguồn cảm hứng để yêu đời, yêu nghề.

GIÁP TÝ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 159)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm