Nghiên cứu về hai nghệ sĩ tên tuổi ở Nam Bộ

Đề tài nghiên cứu khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ – Nghệ sĩ ưu tú Năm Vĩnh (tên thật Võ Văn Vĩnh, 1918-2005), quê quán thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang và soạn giả Vĩnh Điền (tên thật Lê Vĩnh Hưng, 1930-1987), quê quán xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - do Sở Văn hoá-Thông tin tỉnh Hậu Giang thực hiện, đã được Hội đồng xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học tỉnh Hậu Giang thống nhất cho triển khai thực hiện trong năm 2008.

Một cảnh đờn ca tài tử ở Nam Bộ (Ảnh: Người Viễn Xứ).
Một cảnh đờn ca tài tử ở Nam Bộ (Ảnh: Người Viễn Xứ).

Thời gian hoàn thành và nghiệm thu 12 tháng, kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Đây là hai văn nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp sân khấu cải lương và văn học nghệ thuật ở Nam Bộ nói chung cũng như Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như trong những năm sau giải phóng.

Mục đích thực hiện đề tài là nhằm kịp thời lưu giữ, bảo tồn và phát huy những tác phẩm và đóng góp của hai văn nghệ sĩ tên tuổi trên đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật và sân khấu nước nhà.

Cuộc đời và sự nghiệp của Nghệ sĩ ưu tú Năm Vĩnh và soạn giả Vĩnh ĐiềnNhạc sĩ Nghệ sĩ ưu tú Năm Vĩnh (Võ Văn Vĩnh), sinh năm 1918 tại Làng Thuận Hưng (nay là thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Thuở nhỏ ông học tại trường tiểu học Thuận Hưng (Long Mỹ). Từ năm 12 tuổi đã được học đờn với ông ngoại, là một thầy đờn nổi tiếng trong vùng. Năm Vĩnh thuộc lớp nhạc sĩ cổ nhạc thành danh, khi cải lương bước vào thời kỳ cực thịnh từ nhưng năm 30 (thế kỹ XX) và đứng vững trên sân khấu cho đến những năm đầu thế kỷ XXI.

Ông tham gia cả trăm gánh cải lương, với nhiều “đại bang” của cải lương Sài Gòn-miền Nam nổi tiếng như: gánh Bầu Bòn, Hậu Tấn, Thúy Nga, Thủ Đô, Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương… Ông đứng chân vững vàng trong các dàn nhạc cổ hàng đầu của miền Nam, cùng với các danh cầm Năm Cơ, Văn Vĩ, Bảy Bá, Sáu Tửng.

Tài năng của ông được giới cải lương ca ngợi là ngón đờn ‘tuyệt luân”, độc đáo với nhiều thành tựu như sáng chế ra dây “hò năm” cho giọng ca đặc biệt như Út Trà Ôn, nhờ đó người nghệ sĩ này thành công vang vội, trở thành ông “vua vọng cổ” miền Nam, sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”; sáng chế ra kiểu đờn vọng cổ trên nhạc cụ phương Tây “Hạ-Uy-Di”, tạo thành một phong trào rộng khắp, làm cho âm nhạc cải lương thêm phong phú, đa dạng. Ngoài việc tham gia đờn cho các gánh hát lớn, Năm Vĩnh còn được mời thu thanh tiếng đờn cho nhiều hãng đĩa lớn như Asia, Hồng Hoa, Việt Nam, Nam Phương, Khải Hoàn.

Sau ngày giải phóng, ông vẫn được các xí nghiệp băng đĩa mời thu thanh tiếng đàn suốt, cho đến khi ông qua đời. Do những cống hiến nêu trên, nhạc sĩ Năm Vĩnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2005, sau một cơn bệnh nặng ông qua đời tại TP Hồ Chí Minh, thọ 87 tuổi.

Soạn giả Vĩnh Điền là cây bút nổi tiếng trong giới văn học và sân khấu cải lương miền Nam. Ông tên thật là Lê Vĩnh Hưng (có lúc ghi Lê Văn Niên), sinh năm 1930, quê quán ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Hậu Giang).

Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân. Sau đi kháng chiến chống Pháp, rồi lập gia đình tại Sài Gòn. Từ nhỏ học tại trường làng ông đã giao du, kết thân với nhiều bạn bè. Khi tham gia kháng chiến chống Pháp và học tại trường Nguyễn Văn Tố (trong chiến khu) cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nghệ sĩ như Nguyễn Hà Phan, Nhạc sĩ Cửu Long, Soạn giả Hà Triều… Khi hoạt động văn học - sân khấu tại Sài Gòn, ông có quan hệ mật thiết với các văn nghệ sĩ: Kiên Giang, Hà Huy Hà, Sơn Nam, Phan Phan, Nguyễn Quang Sáng, Ngô Y Linh, Kim Cương và giới báo chí Sài Gòn.

Là một soạn giả, nhà văn yêu nước tham gia kháng Pháp, chống Mỹ trong phong trào công khai tại Sài Gòn dưới chế độ cũ, Vĩnh Điền luôn bộc trực, thẳng thắng, thường đấu tranh cho lẽ phải.

Về sự nghiệp: Ông là soạn giả thường trực của đoàn Thanh Minh- Thanh Nga, nổi tiếng với nhiều vở diển như: Tiêng trống Mê Linh (chuyển thể), Tình người ở lại, Bài thơ trên cánh diều... Tác phẩm của ông chuyên về “chính kịch”, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, chống giặc ngoại xâm. Ngoài ra, ông vừa viết tiểu thuyết, truyện ngắn, vừa dịch sách nước ngoài bằng chữ Hán, đặc biệt là của nữ sĩ Quỳnh Dao (Đài Loan). Đáng kể là ông có nhiều truyện ngắn xu hướng chống Mỹ, đề cao tình yêu quê hương trên diễn đàn công khai tại Sài Gòn trước ngày giải phóng.

Năm 1954, ông về Sài Gòn hoạt động văn học, báo chí chống chế độ Ngô Đình Diệm, bị bắt giam tại Huế (3 năm). Khi được thả, ông tiếp tuc hoạt động báo chí, văn học trong phong trào yêu nước công khai. Tham gia cách mạng tại Đảng ủy văn hóa Sài Gòn - Gia Định. Sau một căn bệnh đột ngột, ông mất tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 8/4/1987.

Vĩnh Điền là một văn nghệ sĩ cách mạng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc bằng ngòi bút của mình. Ông để lại nhiều tác phẩm văn học, sân khấu có giá trị, góp phần nâng cao vị thế nghệ thuật cải lương; làm rạng danh cho quê hương Hậu Giang.  

KIM LOAN - (Theo VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm