Người hát rong nuôi chữ cho con

Có lẽ ít ai phải chịu đựng nỗi đau khi cơ thể “chết” dần như anh Trương Mãi (43 tuổi), người làng Bàn Môn, xã Lộc An, (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) với 19 lần tháo khớp tứ chi.

Cơ thể chết dần từng ngày

Vào những năm 1980, anh là chiến sĩ trên nước bạn Lào. Năm 1989, giải ngũ về quê, anh cưới vợ. Tháng 10-1993, anh Mãi bỗng nhiên phát bệnh lạ, tay chân đau buốt, toàn thân tê dại không cử động được. “Khi tui phát bệnh là lúc hai vợ chồng đang đãi vàng thuê trong rừng sâu. Toàn thân tui đau buốt không thể mần chi được, ai cũng khuyên nên đi chữa sớm kẻo để lâu bệnh nặng. Nhưng khốn nỗi trong nhà không có một đồng bạc nào, mần răng mà đi. Thấy tui ngày một tiều tụy, vợ tui phải chạy vay tiền nóng khắp nơi được mấy trăm ngàn đưa đi bệnh viện khám. Bác sĩ nói tui bị tắc động mạch vành, phải cắt bỏ những chỗ bị tắc. Nghe xong, tui rụng rời chân tay, thấy mình như bị liệt...” - anh Mãi nhớ lại. Biết mình mang trọng bệnh nhưng không có tiền chi phí nên anh Mãi liều xin bác sĩ về nhà. May thay bác sĩ ở trạm xá thương tình đã tháo khớp miễn phí cho anh.

Về nhà, chứng bệnh tắc động mạch tái phát, hành hạ kinh hồn. Chịu những cơn đau xé ruột, cơ thể anh Mãi chết dần từng ngày. Anh nói: “Bán hết những thứ có giá trị trong nhà cùng với số tiền bà con giúp, vợ tui “tha” tui đi bệnh viện. Bác sĩ nói bệnh tui rất nguy hiểm, nếu không kịp thời phẫu thuật sẽ dẫn đến hoại xương và có thể bị tàn phế suốt đời”. Mất bàn tay, bàn chân trái rồi chân phải, thời gian cứ lấy dần đi cơ thể héo tàn của anh. “Bệnh tui liên tiếp tái phát và phải tháo khớp. Những bộ phận trên cơ thể dần bị cắt bỏ, tắc đến đâu cắt bỏ đến đó. Lúc đầu chỉ là ngón chân, dần là cả khủy chân, rồi cánh tay dần phải lìa bỏ. Mới đây, khớp tay tui phải tháo bỏ vì hoại tử. Đó là lần thứ 19 tui phải cắt bỏ các bộ phận cơ thể mình. Không biết rồi đây còn phải cắt bỏ gì nữa, chắc tui chẳng sống được bao lâu nữa mô...” - anh Mãi ngậm ngùi. Cứ mỗi lần lên bàn mổ tháo khớp là anh Mãi dặn đi dặn lại với vợ mình, nếu anh chết dù có phải đi ăn xin đừng để đứa con nào phải thất học. Đã nhiều lần anh nghĩ đến cái chết để giải thoát khỏi những cơn đau nhưng rồi lại không thể làm được bởi: “Con cái còn thơ dại, sao mình có thể nhắm mắt được!” - anh nghẹn giọng.

Nghệ sĩ” hát rong xuyên Việt

Sau 19 lần cắt bỏ tay chân, anh Mãi nói quyết tâm với vợ: “sẽ đi hát rong kiếm tiền nuôi mấy đứa con được đến trường”. Anh kể: “Ngày đầu tiên, tui lên đường “trình làng” cho bà con ở chợ Truồi nghe với ca khúc Tình cha...”. Thấy một người tật nguyền ngồi trên xe lăn với micrô hát “Tình cha ấm áp như vầng thái dương, nghĩa mẹ như dòng nước trôi đầu nguồn...”, nhiều người đã bật khóc. Hôm đó khách đi đường đã dừng lại nghe rất đông và cho anh gần 180 ngàn đồng. Khi Trương Quốc Văn (con trai anh) đỗ một lúc ba trường đại học thì con đường hát rong của anh “nghệ sĩ” tật nguyền ngày càng dài thêm. Anh đi khắp tỉnh Thừa Thiên-Huế và vượt cả ngàn cây số vào tới mãi Đồng Xoài (Bình Phước), Tây Ninh và đến tận Kiên Giang. Lần hát ở khu vực Sóc Bombo toàn bà con dân tộc sinh sống, họ thương mến, tấm tắc khen ngợi giọng hát xúc động của anh. Có một bà cụ vừa đi theo anh vừa khóc khi nghe anh hát bài Xuân này con không về. Hôm đó anh đã được người dân ủng hộ hơn 600 ngàn đồng.

Trong những chuyến đi hát, anh phải chịu cái đói, cái khát và những cơn đau hành hạ đến tê tái người. “Có hôm trời mưa lạnh cắt da, vợ can ở nhà nhưng tui quyết ra đi. Chuyến đó thuê xe thồ lên chợ thị trấn Khe Tre (huyện Nam Đông) để hát cho bà con vùng cao nghe. Bọn tui đi lúc trời còn đen kịt, sương giăng kín trời. Nhưng thật xui xẻo, khi lên gần đến đỉnh đèo La Hy thì xe lủng lốp. Rứa là tui đội mưa ngồi một mình trên đỉnh đèo chịu cái lạnh thấu tim, còn bác lái xe thồ phải đẩy bộ xe quay lại 25 cây số vá xe. Hơn ba giờ sau bác xe thồ mới quay lại đón tui. Lúc đó người tui đã lạnh cứng, nói không được nữa...” - anh Mãi nhớ lại. Những ngày này, mưa bão miền Trung dồn dập, cả nhà anh phải sống nhờ vào mấy gói mì tôm cứu trợ. Nỗi dằn vặt, âu lo không có tiền cho con ăn học hành hạ làm anh thấy đau hơn cả nỗi đau xác thịt.

Con đường nuôi chữ cho con của người “nghệ sĩ” hát rong tật nguyền Trương Mãi còn dài lắm. Phải qua nhiều con đường, nhiều miền đất mới. Phải đối mặt với hiểm nguy và nỗi đau bệnh tật. Thế nhưng anh luôn lạc quan vì biết phía trước là tương lai của con mình. “Giá nào thì tui cũng phải sống để đi hát có tiền nuôi dưỡng giấc mơ cho con...” - anh nói chắc nịch.

NGUYÊN LINH - LAN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm