Người sớm đem Huy chương vàng về cho nhiếp ảnh Việt Nam

Xung kích (Huy chương vàng tại Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế tại Cu-ba năm 1969).
Xung kích (Huy chương vàng tại Triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế tại Cu-ba năm 1969).

Ông sinh năm 1918 tại vùng Kinh Bắc. Trước khi chuyển sang quay phim (1952) làm đạo diễn điện ảnh rồi với cương vị Bí thư Ðảng ủy, Phó Giám đốc đặc trách về nghệ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam, ông đã có 5 năm liền là phóng viên nhiếp ảnh (1946-1951) chiến tranh thực thụ: cùng ăn, cùng ở, cùng hành quân ra trận, theo sát các chiến dịch, qua từng bước chân người chiến sĩ.

Trong sưu tập ảnh tư liệu của ông cách đây gần 60 năm, có những ảnh và dòng chú thích đã ố vàng nhưng hình ảnh vẫn sống động, đậm nét sử thi và gây xúc động cho những ai đã được xem. Ðó là hình ảnh "Trung đoàn Thủ đô quyết tử" những ngày đầu toàn quốc kháng chiến được in trong tập sách "Những người quyết tử" của Nhà xuất bản Hà Nội (12-1980) và gần đây nhất là tập sách ảnh "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" (2005) của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân hoặc đọc lại những bài bút ký, những thiên phóng sự của các nhà văn: Trần Ðăng, Kim Lân, Tô Hoài, Nguyễn Tuân về những trận đánh Phố Ràng, đánh chiếm Ðại Bục, Ðại Phác, đánh đồn Róm, Khe Phia, Ngòi Me... và sau đó lại được xem những hình ảnh chụp tại trận của Nguyễn Tiến Lợi, người xem có cảm giác như chính mình được tham gia trong cuộc chiến khốc liệt ấy. Dù đã hơn nửa thế kỷ, bộ sưu tập ảnh của ông còn lại, được sắp xếp theo những chủ đề riêng biệt:

- Mặt trận sông Lô - Liên khu III (1948-1949);

- Chiến thắng Hạ Bằng (1949);

- Ngược dòng sông Thao (1948-1949);

- Ðường vào Ðại Bục, Ðại Phác... Ðặc biệt là trận Phố Ràng. Trận Phố Ràng là tên bức ảnh thời kỳ đầu, sau đổi thành "Xung phong"; "Xung kích"... Tên tác phẩm "Trận Phố Ràng" bao hàm đầy đủ ý nghĩa hơn cả. Ảnh được chụp trong trận Phố Ràng vào tháng 6 năm 1949. Bằng ống kính có tiêu cự trung bình, chụp với tốc độ chậm vừa phải, Nguyễn Tiến Lợi áp sát, chụp cận cảnh một chiến sĩ chân đất, đầu đội mũ nan, với cành lá ngụy trang, súng trong tay, lưỡi lê tuốt trần đang băng qua xác giặc. Hình ảnh rung nhòe trước ống kính thật sinh động. Hậu cảnh là khói lửa và các chiến sĩ ta tiếp tục xông lên phía trước. Và lão nghệ sĩ Nguyễn Tiến Lợi nhớ lại: "Ðây là tấm ảnh ghi lại đợt xung phong lần thứ 11 của quân ta..." đủ thấy chiến sự diễn ra giữa ta và địch là vô cùng ác liệt. Và, người chiến sĩ cầm máy ảnh Nguyễn Tiến Lợi cũng là chiến sĩ xung kích dũng cảm phi thường.

Ảnh "Trận Phố Ràng" và những hình ảnh chụp bộ đội ta đánh chiếm Ðại Bục, Ðại Phác của Nguyễn Tiến Lợi đã được trưng bày tại Ðại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất họp tại Việt Bắc (từ 25 đến 28-9-1949). Ảnh "Trận Phố Ràng" đã để lại ấn tượng sâu sắc. Nhà văn Nguyễn Ðình Thi nhận xét: "Trận Phố Ràng" của Nguyễn Tiến Lợi mới là hiện thực 100%; hiện thực một cách sinh động, đầy sức thuyết phục". Tác phẩm mang tính sử thi; ghi nhận chiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Phố Ràng của Tiểu đoàn 11, Sư đoàn 308. Hai mươi năm sau (1949-1969) ảnh Trận Phố Ràng của Nguyễn Tiến Lợi (mang tựa đề là "Xung phong" được tặng Huy chương vàng quốc tế tại Cu-ba nhân kỷ niệm Quốc khánh Cu-ba lần thứ 10 (1959-1969).

Trận Phố Ràng được chụp cách đây 59 năm (1949-2008) nhưng vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử, được tuyển chọn và in trong Tuyển tập "Ảnh Việt Nam thế kỷ XX".

HOÀNG KIM ĐÁNG - (Theo Nhân Dân)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm