Nguy cơ mất quyền đối với cây đàn bầu về Trung Quốc?

“Việt Nam có thể mất quyền đối với cây đàn bầu - cây đàn vốn được coi là nhạc cụ thuần Việt hiếm hoi” - NSND Thanh Tâm đặt vấn đề trên tại hội thảo khoa học về đàn bầu diễn ra hôm nay (21-10) tại hội thảo do Viện Âm nhạc (Học viện âm nhạc quốc gia - Bộ VH-TT&DL) tổ chức.

Theo NSND Thanh Tâm, nguyên nhân chính là do các thông tin gần đây cho biết một số học giả Trung Quốc cố gắng tìm kiếm chứng cứ để cho rằng cây đàn bầu có nguồn gốc từ Trung Quốc, của Trung Quốc”.

Cũng theo NSND Thanh Tâm tại Trung Quốc, nhất là ở vùng Quảng Tây, người  ta đã đưa đàn bầu vào dạy trong một số trường phổ thông, còn tại Trường ĐH Dân tộc tỉnh này còn có phân khoa đàn bầu.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên cũng theo nghệ sĩ này, trước thông tin đó một số nhà nghiên cứu âm nhạc, người chơi đàn bầu ở Việt Nam đã lên tiếng khẳng định cây đàn bầu là của Việt Nam và cho rằng phải có biện pháp để thế giới công nhận điều đó.

Một tài liệu tại hội thảo cũng chỉ ra từ vài năm nay ở Trung Quốc đã có những festival nhạc dân tộc với những màn biểu diễn đàn bầu. Trên trang web China Daily USA đăng bài cùng hình ảnh của Xinhua với chú thích: Hàng trăm người dân tộc kinh thiểu số cùng chơi đàn huyền cầm” trong một lễ hội truyền thống ở Trung Quốc.

Nhạc sĩ Đức Trí, người nhiều năm theo học đàn bầu, cho hay cách đây một năm ông đã tình cờ xem trên kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc một chương trình hòa tấu nhạc dân tộc và đã rất kinh ngạc khi thấy có cây đàn bầu trong dàn nhạc dân tộc Trung Quốc. Theo ông, đây là điều chưa từng thấy trước đó.

Trong tham luận của mình, đại biểu Đặng Hoành Loan đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy đàn bầu của Việt Nam đang bị đánh tráo nơi xuất xứ và nguồn gốc. "Không hiểu vô tình hay hữu ý mà đàn bầu cách tân của Việt Nam lại có trong cuốn "Từ điển âm nhạc Trung Quốc", nhà nghiên cứu này băn khoăn.

PGS-TS-NSƯT Nguyễn Bình Định (Viện trưởng Viện Âm nhạc) trong bài phát biểu đề dẫn của mình cũng khẳng định: Đàn bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt, đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải có trước thế kỷ 19.

Đại tá-nhạc sĩ-NSND Nguyễn Tiến trong bài tham luận của mình cũng khẳng định với cấu tạo và nguyên vật liệu làm được sẵn có trong dân gian có thể nói đàn bầu được bắt nguồn từ trong lao động sản xuất và gắn liền với đời sống của người Việt cổ xưa và phát triển tới ngày nay.

NSND Nguyễn Tiến cũng cho hay cây đàn bầu Việt Nam đã được nhiều người trên thế giới đến tìm hiểu và ca ngợi như: Những âm thanh kỳ diệu hay dùng những từ để nói về Việt Nam như Đất nước đàn bầu hoặc Quê hương đàn bầu để thay cho hai tiếng Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm