Nguyễn Ngọc Tư ra Tạp văn

Sợ hãi lắm - sự tẻ nhạt buồn tênh

Nguyễn Ngọc Tư ra Tạp văn ảnh 1Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư là những vùng quê lam lũ với những con người lam lũ, những mảnh đất hoang vắng của những tâm hồn tinh khiết đến hoang sơ… Có lẽ vì thế mà tác giả luôn day dứt về sự chai cứng trong cảm xúc của con người.

Nguyễn Ngọc Tư dự báo một “hiểm hoạ”: chúng ta từng bị xơ cứng bởi cuộc sống tẻ nhạt buồn tênh, nhưng nguy hiểm hơn, chúng ta lại trở nên trơ lì bởi chính cuộc sống bon chen, bận rộn - khi người ta không còn đủ thời gian để mà vui hay buồn.

Người đọc tìm thấy trong trang văn biết bao điều tươi đẹp đã bị hắt hủi đi khi ta sống mà thiếu sự rung động với cuộc đời này. Nó là kết quả của việc Nguyễn Ngọc Tư rong ruổi tìm lại mình trên từng cây số thời gian "A-Tep km Ký sự":

“Những cây số ở quốc lộ mà mình quen thuộc luôn báo cho mình biết khi nào, còn bao xa nữa thì đến đích, thì kết thúc cuộc hành trình".

Trên những con đường mà mỗi người đã đi, đang đi và chắc hẳn sẽ đi, có biết bao nhiêu những cột dài cây số? - Nào ai biết được? Thế mà, Nguyễn Ngọc Tư vẫn tỉ mẩn ngồi đếm (như điểm mặt người thân) vừa háo hức, vừa ngóng trông cái đích cuối con đường đang hướng tới.

Nhưng rồi, những cung đường (cũng giống như hành trình bất tận của cuộc đời) mang trên mình dấu mốc của ký ức và kỉ niệm luôn chứa đựng nguy cơ bị xoá nhoà cùng năm tháng. Nguyễn Ngọc Tư, với tất cả sự lo nghĩ, suy tư rất đàn bà, đã kịp lo liệu cho “ngày mai của những ngày mai”.

Hoài niệm quá - những gì xa xưa

Rồi những hoài niệm về người cũ, quê cũ đất cũ về một thời đã qua (mà không bao giờ cũ) của Nguyễn Ngọc Tư cứ rưng rưng một nỗi buồn. Hình ảnh của bà ngoại, của má, của chị, như là nơi lưu giữ lại thời gian để tác giả tìm về nương náu.

Thế nên "Mẹ", "Ngồi buồn nhớ ngoại ta xưa..", "Mẹ giàu mẹ nghèo" vút lên sự ấm cúng của một triền sông nước, của một chái bếp ngào ngạt mùi cá sặc kho khô những khi bìm bịp kêu chiều... Tâm trạng của chị làm cho những con người xa quê bồi hồi nhìn lại chính mình.

Nguyễn Ngọc Tư viết về kỉ niệm trong niềm thổn thức khôn nguôi. "Khúc ba mươi" rộn ràng đón Tết, Tết nức nở gọi lòng người, cảm giác Tết ùa đến trọn vẹn niềm vui, "Đãi bạn" ngây ngấy mùi của một quá vãng tinh khôi.

Tâm hồn cô bé thẹn thùng qua tuổi mới lớn, đắm chìm trong trạng thái ngất ngây, là lạ chưa gọi thành tên thật dịu dàng và tinh tế. Trong những trang văn của tác giả, Tết là cột mốc để quá khứ tìm về, là nơi để chị thổ lộ tâm trạng nhớ tiếc, chơi vơi.

Rõ ràng, trong "Ngày mai của những ngày mai", Nguyễn Ngọc Tư có một nỗi ám ảnh về thời gian, sự hư vô của kiếp người trong sự tròn trịa hay khuyết thiếu của tình người. Chưa bao giờ và ở đâu, Nguyễn Ngọc Tư lại đặt ra nhiều câu hỏi đến vậy. Phải chăng đó là tâm trạng của một cô gái với “đôi chân bật máu bước vào đời”?

Nguyễn Ngọc Tư góp nhặt những chi tiết dù là rất nhỏ để thổ lộ lòng mình. Dường như mảnh đất đầy nắng gió Nam Bộ đã hun đúc cho chị một cách nhìn giản dị mà sâu sắc. Nỗi đau của từng cảnh ngộ luôn được chị cảm thông, chia sẻ với một niềm trân trọng rưng rưng.

Chỉ với “Hàng xóm một thời”, chị đã tìm thấy hạnh phúc trong những niềm vui rất giản đơn: chỉ là bữa cơm rộn vang tiếng cười, trẻ con nô đùa mỗi khi chiều buông xuống, những bát canh "bí hầm dừa" xao xuyến tặng nhau, người vợNguyễn Ngọc Tư ra Tạp văn ảnh 2 quê mùa ngong ngóng đợi chồng...

Và vẫn sẽ tỉ mẩn sống và viết

Cứ tỉ mẩn góp nhặt cảm xúc, tỉ mẩn nhớ nhung, tỉ mẩn nghĩ ngợi như thế, "Ngày mai của những ngày mai" là cảm thức rất mới trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư. Chị bắt đầu những suy nghĩ sâu sắc và triết lí, nhưng chị vẫn là chị - một cây bút đơn giản, tinh tế và chân thật.

Thời gian, sống - chết, sự thay đổi đã thôi thúc chị sống và chấp nhận. Chị viết trong nguồn hứng khởi cuộc sống, bất chấp mọi thứ chị đi tìm cái thật, cái giả để nguôi ngoai và phản tỉnh.

Ông già tám mươi tư tuổi, móm mém cười và buông ra câu nói thanh thản: " Hẹn mai mốt gặp ", đây phải chăng là lời hứa hẹn với niềm tin nhỏ bé nhưng dai dẳng? “Ngày mai của những ngày mai" vẫn đẹp vẫn đáng yêu và đáng sống?

Nguyễn Ngọc Tư, tự bao giờ đến bây giờ vẫn luôn là một cây bút đầy nữ tính, viết như để "trả nợ" những yêu thương và cả những chấp chới, khổ đau mà chị nhận được từ cuộc đời. Đến với Nguyễn Ngọc Tư và giây phút yên bình, chúng ta gạn lọc tâm hồn bằng những trăn trở rất đời, bỗng chốc mỗi con người sẽ lớn lên thêm.

ĐINH KHÔI - QUỐC RIN - (Theo Vietnamweek)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm