Nhà văn Dạ Ngân: Người đàn bà mang dấu chấm thiên di

Nhà văn Dạ Ngân: Người đàn bà mang dấu chấm thiên di ảnh 1

Người đàn bà bé nhỏ, ngồi trong góc quán cà phê, nói những câu chuyện đời mình bằng những tiếng nói dịu dàng. Nhưng không thỏa hiệp. Giống như nhân vật Tiệp của tiểu thuyết "Gia đình bé mọn", một đời không ngừng vượt những ngáng trở. Để được làm chính mình.

Sông Hậu nuôi Dạ Ngân lớn lên và nuôi chị một chặng đường văn chương dài. Đời người đàn bà viết văn như gió trên dòng sông, hun hút thổi những đam mê mà đôi khi người ta cũng cần một nơi neo giữ lại.

Chị nặng tình với con sông Hậu bởi nó mang một phần máu thịt của chị. Ở cuối dòng sông ấy, chị vẫn còn hai đứa con đã trưởng thành và biết hiểu cho mẹ.

Thu Uyên, cô con gái chia sẻ với mẹ như một người bạn lớn trong đời sống, cả về văn chương, tiền bạc và chuyện hạnh phúc, tình yêu. Cho đến bây giờ, khi chị đã trở thành bà ngoại và mọi chuyện đã bình yên, Thu Uyên vẫn là người bạn tâm giao, nghe cạn mọi điều, lấp vào khoảng trống tâm hồn của mẹ những điều ấm áp.

Con trai, có hiếu theo kiểu khác, ngoan lành, chí thú, đang đi Cao học ở Australia. Chị đã có cả thảy 10 đầu sách, hai lần đò, những đứa con hiếu đễ và ba đứa con riêng của chồng cũng hiếu đễ nốt, được thế cũng có thể xem là may mắn lớn.

Bởi thế, dù giữa Hà Nội 15 năm, giọng Dạ Ngân, cả trong văn và trong đời, vẫn hồn hậu, chất phác, nghe như cất lên từ đồng bãi, từ phù sa của dòng sông. Dòng sông ấy cho chị cả một cách nhìn đời, không nghiệt ngã mà luôn "tự AQ" theo phép "thắng lợi tinh thần", để khi rơi vào vực sâu nhất của bi kịch, người ta vẫn không gục ngã.

Cuộc đời chị, như một sự báo trước của số phận, là một cuộc đời không suôn sẻ. Người đàn bà mang cái bớt thiên di giữa gan bàn chân của mình. Cái bớt ấy mang đến cho Dạ Ngân một tính cách độc lập, mạnh mẽ và quyết liệt.

Chị cười nhẹ, nói cũng nhẹ, nhưng luôn dứt khoát và khẳng định với những lập luận chắc chắn. Chị bảo, nếu như thuận theo ý Tổ chức, nếu chị không quyết liệt con đường văn chương, có thể chị đã trở thành một quan chức, sự nghiệp sẽ hanh thông nhiều. Nhưng chị là một người viết.

Khi Sở Văn hóa Thông tin Cần Thơ muốn đưa chị đi Trường Chính trị quốc gia để thành cán bộ nguồn thì chị khóc, năn nỉ để được sang Hội Văn nghệ để ngồi viết văn. Khi chị quyết theo nghiệp văn chương (năm 1981 có truyện in ở Văn nghệ) cũng là lúc chị nhận ra chị và chồng là hai đường thẳng song song không có chỗ gặp.

Hoàn toàn không phải là chuyện mâu thuẫn mang tính nhật thường của một gia đình trẻ, mà là ở ý hướng trong cuộc sống không trùng nhau. Giờ Dạ Ngân đã nói về những năm tháng ấy thật nhẹ nhàng, bởi mọi chuyện đã ở một ngăn xa của ký ức.

Nhưng khi ấy, tôi đồ rằng, chị đã phải vật vã nhiều, nghĩ suy đến còm cõi, để đưa ra một quyết định mà sau này, như một cái án treo lơ lửng trong lương tâm khi nghĩ đến quyền lợi của những đứa con.

Chia tay nhau, chị mang con đến ở nhờ cơ quan Hội Văn nghệ, sống và viết. Trong mắt của một số người, chị giống như một "con chiên ghẻ" của Chúa, một công chức với 7 năm không được nâng một bậc lương nào.

Vậy mà chị vẫn cứng cỏi sống, vượt mọi dư luận, cả những ngáng trở để đến với sự chọn lựa của đời mình, văn chương và sự tri kỷ đôi lứa.

Nói về những năm tháng bị lên án mạnh mẽ trong một tỉnh nhỏ của người phụ nữ viết văn, tôi lại liên tưởng tới Nguyễn Ngọc Tư của năm 2006. Sự so sánh nào cũng khập khiễng.

Dạ Ngân và Nguyễn Ngọc Tư ở hai thế hệ khác nhau, hai hoàn cảnh khác nhau và dư luận phản ứng về những vấn đề cũng khác nhau. Nhưng họ đều là những người phụ nữ miền Tây viết văn bằng bản năng và trải nghiệm của chính mình.

Nguyễn Ngọc Tư khi bị rắc rối bởi sức nặng của những con chữ vẫn còn điểm tựa là gia đình và bạn bè văn chương, những người yêu mến chị tạo nên sức mạnh thông qua kênh Internet một cách nhanh chóng và không kém phần hiệu quả.

Còn hai chục năm trước, khi Dạ Ngân bị "ném đá" vì đã viết "Con chó và vụ ly hôn", chắc chị cũng phải kiêu hãnh lắm mới tồn tại được. Những năm đầu của thập niên tám mươi ấy, "Con chó và vụ ly hôn" gây ồn ào cho người đọc ngang bằng với dư luận ồn ào về cuộc tình của chị, nghẹt thở chứ chẳng chơi.

Dạ Ngân hay nói về bản lĩnh và số phận, chị kết luận, tính cách chị là tính cách động, mọi thứ đều động và chị rút ra kết luận, mình phải lập nghiệp xa quê.

Người viết văn tỉnh lẻ có một cái hạnh phúc là được yên tĩnh, nếu họ đủ bản lĩnh thì họ sẽ là một con cá lớn trên dòng sông của mình. Nhưng đôi khi người ta sẽ hoảng, sẽ thấy ngợp và không biết mình ở đâu và mình là ai nữa.

Chị ra Hà Nội, 41 tuổi mới bắt đầu đi học đại học, bắt đầu một chặng trần ai khác.

DƯƠNG BÌNH NGUYÊN - (Theo CAND)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm