Nhạc sĩ Thanh Tùng - ông già chải chuốt ngồi xe lăn

Nhiều người nói nhạc sĩ Thanh Tùng bệnh nặng lắm rồi. Tìm ông đỏ mắt. Người bảo ông vẫn sống ở TPHCM. Người nói ông đã ra Hà Nội từ ba năm trước để chữa bệnh. Người cho hay ông giờ chỉ nằm một chỗ, không nói được, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải nhờ đến hộ lý. Những thông tin hiếm hoi vẽ ra hình dung về một cụ già ốm yếu, nằm liệt, quanh giường đầy thuốc men, cuộc sống như ngọn đèn dầu leo lét.

Gặp ông, mọi bi quan đều biến mất. Thay vào đó là sự bất ngờ. Bên bàn uống nước ở vườn sau của ngôi biệt thự nơi nhạc sĩ Thanh Tùng sống cùng vợ chồng con trai thứ, ông ngồi chờ sẵn. Nhạc sĩ mặc quần xám, áo sơ mi đen trắng cộc tay thời thượng, đi đôi giày lười xám ăn nhập với trang phục, đội chiếc mũ fedora. Người nhà cho hay đích thân nhạc sĩ Thanh Tùng chọn bộ đồ để mặc khi biết có khách và sẽ lên hình. Hỏi ông vì sao lại chọn chiếc áo đang mặc trên người, ông chỉ vào hai bên áo, nửa trắng, nửa đen và dòng chữ Tây thật phong cách chạy dọc trước ngực. Trông ông thật bảnh. Người nhạc sĩ ấy như sắp sửa một chuyến lang thang, rong ruổi tìm cảm hứng cho những ca khúc mới đầy lãng mạn và say đắm. Nếu không có chiếc xe lăn.

7-3002-1444025842.jpg

Nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn phong cách dù ngồi xe lăn.

Năm 2008, sau trận tai biến bất ngờ, nhạc sĩ không còn đi lại được. Ông liệt bên phải, mất khả năng nói. Không chỉ chịu di chứng tai biến, ông hiện còn bị tiểu đường và thận. Hàng tuần, ông ba lần tới chạy thận tại bệnh viện Bạch Mai. Bệnh tật đầy mình nhưng tinh thần nhạc sĩ rất tốt. Ông luôn ý thức phải giữ gìn hình ảnh của mình.

Phòng của nhạc sĩ đầy quần áo. Trên giá treo ba chiếc áo cánh dài tay - một in hoa, một màu hồng, một xanh nhạt - được ông soạn sẵn chờ mặc và hai chiếc mũ rộng vành khác. Suốt buổi trò chuyện, nhạc sĩ ôm khư khư trong lòng chiếc cặp da màu đen. Hỏi ông đựng gì trong đó, ông lắc đầu, ngọng ngịu bảo "Khô...ng". "Vậy ông ôm cho đẹp thôi phải không?". Nhạc sĩ lập tức gật đầu.

Chị Nhung - con dâu nhạc sĩ Thanh Tùng - chia sẻ ông rất thích đi mua sắm quần áo. Được người nhà đưa tới cửa hàng trên xe lăn, ông tự chọn đồ. Có khi còn ra hiệu vào đúng cửa hàng mà ông thích mới chịu. "Dù bệnh nhưng bố vẫn phải đẹp, vẫn phải phong cách, bố nhỉ", người con dâu nói. Ông lại gật đầu khẽ nhoẻn miệng cười.

Không nói được nhưng nhạc sĩ tỏ ra khá minh mẫn, nghe tốt, hiểu tốt. Ông vẫn "có", "không" hay cố gắng diễn đạt ý muốn của mình, dù lời thốt ra rất khó khăn. Ông chỉ vào miệng, ý chừng nói khó lắm. Có lúc ông muốn nói dài hơn một từ, nhưng rồi mệt quá, giữa chừng thì bỏ cuộc.

Ngồi trong không gian nhỏ hẹp ở vườn sau của ngôi nhà, ông ngắm những chiếc lồng chim treo đầy xung quanh. Nghe chim hót, nhạc sĩ thỉnh thoảng đưa tay trái chỉ lên, ra hiệu với mọi người. Dường như, không gian ấy là một hiện thân khác của những điều từng được nhạc sĩ đưa vào ca khúc nổi tiếng của ông: "Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi. Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi. Giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm. Bài hát bâng khuâng, bài hát mang bao kỷ niệm. Những ngày đã qua". Hỏi ông có còn nhớ những ca khúc mình sáng tác không, ông lắc đầu.

Nhắc đến Một mình - ca khúc nhạc sĩ viết cho người vợ quá cố - chừng như ông có nhiều cảm xúc. Nhạc sĩ lấy tay trái di di trên bàn, cố đánh vần năm sáng tác dù rất khó để nghe. Ông gật đầu khi được hỏi có nhớ bà không. Từ khi vợ qua đời, dù nổi tiếng đào hoa, yêu nhiều và được nhiều phụ nữ yêu, ông vẫn một mình nuôi lớn ba con, giữ lời hứa trong phút vợ lâm chung là "không đi bước nữa". Hỏi ông thương ai nhất, nhạc sĩ Thanh Tùng lấy hết sức nói gần tròn vành rõ chữ: "Bà".

Không nói được nhưng Thanh Tùng thích nói. "Ngày trước, khi chưa bị bệnh, một mình bố nói cho cả nhà nghe", con dâu ông chia sẻ. Bệnh rồi, khi được hỏi chuyện, ông cũng hào hứng trả lời bằng cách của mình. Nghe mọi người trao đổi nếu ông được trò chuyện nhiều hơn chắc khả năng nói có thể cải thiện, nhạc sĩ như trúng ý. Ông chỉ vào con dâu, bập bẹ nói tên con trai Thông, rồi lại chỉ vào mình. "Ý ông là các con phải dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với bố, đúng không bố?" - con dâu ông hỏi. Nhạc sĩ gật đầu liên tục, mừng ra mặt vì được hiểu ý. Chị Nhung cho biết hai vợ chồng đều làm kinh doanh, công việc bận bịu, chị lại vừa sinh con thứ hai được nửa tháng nên ít thời gian dành cho ông. Ở bên nhạc sĩ phần lớn thời gian là anh Thắng, người bà con và cũng được coi như hộ lý của ông nhiều năm qua.

Không nói và đi lại được nhưng may mắn mắt ông vẫn còn tinh. Người con dâu cho hay ông vẫn có thể xem ti vi, đọc báo trên điện thoại không cần đeo kính. Phòng nhạc sĩ có một chiếc ti vi. Ông tự bấm điều khiển ngồi xem. Đến cảnh giới thiệu về món bánh bèo Huế, nhạc sĩ chỉ tay, ra hiệu cho mọi người với vẻ mặt đầy thích thú.

Ngoài ba ngày mỗi tuần phải tới bệnh viện chạy thận, ông ở nhà chơi với cháu và đi dạo. Nhạc sĩ vẫn giữ những sở thích phong lưu như uống cà phê, dạo ngắm Hồ Tây, ăn những món ăn vặt. Người nhà chia sẻ ông thích nhất là uống cà phê với sữa chua. Nhạc sĩ không ăn được nhiều cơm mà ăn cháo. Hỏi ông ăn được mỗi bữa mấy bát, ông lắc đầu nguầy nguậy rồi giơ ngón tay ý chừng một ít thôi. Nhưng ông ăn vặt nhiều. Món khoái khẩu của ông là bánh giò, bánh nếp... Được cháu gái đưa cho quả ổi thơm trên bàn, nhạc sĩ cũng ngồi tẩn mẩn ăn hết.

Hộ lý của nhạc sĩ nói: "Ông thích ăn đồ ngọt. Không cho ăn là cáu. Uống cà phê thì ngày phải hai cốc to. Uống xong, đo lượng đường máu cao thấy ớn. Trước đây thì kiêng nhưng giờ thì cho ông ăn thoải mái những gì ông thích". Trên giá tủ trong phòng nhạc sĩ xếp nhiều hộp bánh ngọt. Thậm chí còn có cả một thùng vang nhỏ. Nhạc sĩ gật đầu khi nghe hỏi có phải ông vẫn uống rượu vang.

Thanh Tùng với khoảng sân nhỏ sau nhà, thông với phòng ngủ của ông.

Thanh Tùng với khoảng sân nhỏ sau nhà, thông với phòng ngủ của ông.

Con trai Thanh Tùng kể, dù bệnh tật, anh cảm nhận nhạc sĩ vẫn giữ niềm đam mê với âm nhạc và cuộc sống. "Có lần tôi hỏi ông có sáng tác được nữa không thì tôi mua máy tính về cho ông sáng tác. Ông vẫn cố gắng và có thử một vài lần nhưng vì bệnh có di chứng khá nặng, ông lại liệt bên tay phải nên không gõ hay viết được. Thế nhưng tôi thấy những đam mê của ông vẫn sống".

Ban ngày anh Thông thường cho người chở bố đi chơi những quán ngày xưa ông hay ngồi, đi ngắm Hồ Tây. "Tôi vẫn thấy bố theo dõi nhiều chương trình ca nhạc trên ti vi. Ông thích được đưa ra phố Hoàng Hoa Thám mua chim, cá, chó cảnh, gà... Cách đây vài tuần sinh nhật bố, tôi mời vài người bạn của ông tới chơi. Khi mọi người ngồi nói chuyện về cuộc sống, âm nhạc và những điều ngày xưa, bố tham gia nhiệt tình. Mặc dù không nói được, tinh thần bố vẫn rất tốt", anh Nguyễn Thanh Thông chia sẻ.

Lần cuối cùng Thanh Tùng đứng trên sân khấu là trong liveshow Một mình 2008. Không còn những chuyến đi xuyên Việt vừa đàn vừa hát. Không còn cơ hội lang thang để "một ngày tình cờ, trên đường phố tôi có bàn chân em". Giờ đây, ông chỉ nghe, gật và lắc với cuộc đời. Dù vậy, có thể trong thẳm sâu, Thanh Tùng vẫn còn giữ cho mình một trái tim ca hát lãng du.

Theo Anh Sa-Ảnh: Quý Đoàn (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm